Multimedia Đọc Báo in

Người dân bức xúc vì cống thoát nước đường bộ đổ thẳng vào rẫy

09:22, 18/04/2018

Nhiều tháng nay, các hộ dân có rẫy ở dọc hai bên công trình đường tránh tây thị xã Buôn Hồ đang rất bức xúc bởi khi xây dựng tuyến đường này không có thiết kế mương thoát nước nên chỉ sau một cơn mưa nhỏ trái mùa, nước đã đổ dồn vào rẫy, khiến cây trồng của người dân bị thiệt hại.

Công trình đường tránh tây thị xã Buôn Hồ có chiều dài 26,06 km (thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh) được Sở Giao thông vận tải hợp đồng ủy thác cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức thực hiện công tác quản lý dự án. Quy mô hoàn chỉnh đường cao tốc gồm 4 - 6 làn xe, giai đoạn phân kỳ hiện đang xây dựng đường cấp 4, gồm 2 làn xe cơ giới.

Trong quá trình xây dựng, công trình không được thiết kế hệ thống mương gom và thoát nước mưa hai bên đường. Vì thế, mỗi khi trời mưa, nước chảy trên mặt đường dồn về chỗ thấp và đổ thẳng xuống khu vực rẫy cà phê và tiêu của các hộ dân ven đường. Tại một số điểm xây dựng các cống thoát nước ngang qua đường, mức độ ảnh hưởng còn nghiêm trọng hơn vì không có kênh dẫn dòng sau cống.

Ông Lê Văn Sáu, ở tổ dân phố 3, phường Đoàn Kết (thị xã Buôn Hồ) cho biết, mới đây trên địa bàn có một cơn mưa nhỏ kéo dài khoảng 30 phút nhưng đã gây thiệt hại đáng kể cho gia đình ông. Nước mưa ở phía trên cao chảy dọc hai bên đường dồn về khu vực trũng. Tại đây lại được thiết kế cống thoát nước ngang đường hướng thẳng vào rẫy của ông, kéo theo đất, cát, rác thải vùi lấp gần 30 gốc tiêu và cà phê và chảy thẳng xuống giếng nước. Mặc dù gia đình đã tạm thời khắc phục, song vẫn có khoảng 20 trụ tiêu bị chết, nhiều trụ tiêu khác đang rụng lá. Ông đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng yêu cầu khắc phục, song đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Ông Lê Văn Sáu, ở tổ dân phố 3, phường Đoàn Kết  phải xây cao thành giếng để tránh đất cát  từ công trình đường tránh  tây thị xã  Buôn Hồ  chảy xuống.
Ông Lê Văn Sáu, ở tổ dân phố 3, phường Đoàn Kết phải xây cao thành giếng để tránh đất cát từ công trình đường tránh tây thị xã Buôn Hồ chảy xuống.

Gia đình ông Phùng Kim Hiến, trú tại đường Phùng Thị Chính, phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) cũng có rẫy ở khu vực này. Quy hoạch đường đã thu hồi một phần diện tích đất cắt ngang rẫy cà phê của ông. Khi xây dựng đường đã khiến một bên rẫy nhà ông không thoát được nước, phần tiếp giáp với đường thì nước mưa ứ đọng gây ngập úng cây trồng, còn một bên rẫy thì nước, đất, đá từ trên đường chảy xuống làm xói mòn, lấp gốc cà phê, tiêu. Trời mưa, hai vợ chồng ông phải đào rãnh thoát nước ngay trên rẫy nhà mình để cứu cây trồng nhưng không xuể.               

Ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, liên quan đến công trình đường tránh tây thị xã Buôn Hồ, từ tháng 12-2017 đến nay đã có 14 hộ dân gửi đơn khiếu nại và 4 lượt công dân trực tiếp đến Sở phản ánh về việc tuyến đường này không có hệ thống thoát nước đã gây thiệt hại đến cây trồng. Ngày 26-3, Sở đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh tổ chức kiểm tra, xem xét, giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.

Cống nước ngang đường của công trình đường tránh tây thị xã Buôn Hồ chảy thẳng vào rẫy của hộ ông Lê Văn Sáu, ở tổ dân phố 3, phường Đoàn Kết.
Cống nước ngang đường của công trình đường tránh tây thị xã Buôn Hồ chảy thẳng vào rẫy của hộ ông Lê Văn Sáu, ở tổ dân phố 3, phường Đoàn Kết.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Xuân Bách, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh xác nhận: Nội dung phản ánh của các hộ dân là đúng thực tế. Quá trình thiết kế ban đầu của công trình này đã bộc lộ một số thiếu sót là chỉ bố trí rãnh thoát ở một số đoạn nền đường đào sâu, ngoài ra không có hệ thống kênh dẫn dòng thượng lưu và hạ lưu cống thoát nước.

Ông Bách cho hay, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp tham mưu cho Sở Giao thông vận tải đề xuất đơn vị chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) điều chỉnh, bổ sung gấp hệ thống kênh mương dẫn nước mưa tránh tình trạng xói lở đất, nước ngập rẫy của người dân. Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm mùa mưa không còn bao lâu, trong khi việc điều chỉnh bổ sung hạng mục dự án phải mất một thời gian nhất định. Do đó, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về cây trồng trong mùa mưa tới, trước mắt Ban sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan làm mương thoát nước tạm thời sau cống để dẫn nước và tiếp tục khắc phục những điểm còn bất cập.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.