Mệt mỏi vì chờ đợi… hiến máu tình nguyện
Với tâm niệm “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, các tình nguyện viên hiến máu luôn nhiệt tình, sẵn sàng lặn lội đường xa bất kể đêm hôm khuya khoắt đến hiến máu cứu người bệnh kịp thời.
Tuy vậy, trong công tác hiến máu tình nguyện để trực tiếp cấp cứu bệnh nhân vẫn còn nhiều bất cập khiến gia đình bệnh nhân và các tình nguyện viên đôi khi dở khóc, dở cười, nếu không nói là mệt mỏi, bực dọc.
Để hiến được máu cho người bệnh, người hiến thường phải trải qua nhiều thủ tục kiểm tra sức khỏe theo quy định của ngành y tế như cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm... Sau hàng giờ chờ đợi, khi có kết quả bảo đảm đủ điều kiện mới được lấy máu. Tưởng chừng vậy là xong nhưng khi vào phòng hiến máu lại phải chờ đợi tiếp, có khi làm xong mọi thủ tục sau hàng giờ chờ đợi thì bác sĩ lại trả lời: “Bây giờ không cần nữa, mai hãy lên hiến” trong khi vào ban ngày không phải ai cũng rảnh rỗi để có thể đến bệnh viện chờ được hiến máu. Mới đây, tối 2-4, một số tình nguyện viên lặn lội từ huyện Cư M’gar đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để hiến máu cứu một bệnh nhân cao tuổi bị ung thư dạ dày đang cần máu để phẫu thuật. Đến 22 giờ, sau khi làm xong các thủ tục xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe, các tình nguyện viên cầm kết quả đến phòng lấy máu thì các y bác sĩ trực trả lời: “Sáng mai hãy đến, đêm nay người bệnh đã ổn”. Dù các tình nguyện viên năn nỉ xin được cho máu ngay lúc đó vì nhà ở xa, mai bận công việc chưa chắc đã có mặt để hiến máu được nhưng vị bác sĩ trực nhất quyết không đồng ý.
Các tình nguyện viên đến hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Anh H.C.M, đại diện Câu lạc bộ Hiến máu khu vực Tây Nguyên mới đây cũng không tránh khỏi thất vọng khi gặp phải thái độ thờ ơ, cứng nhắc của nhân viên y tế trong việc hiến máu. Anh M. kể: “Ngày 4-4, tôi nhận được điện thoại của một sinh viên thực tập nhờ giúp đỡ một ca bệnh nặng tại Khoa Nội tổng quát Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Bệnh nhân tên là H'Briu Niê bị bệnh suy tủy, do chưa nói thạo tiếng Kinh nên qua điện thoại người nhà bệnh nhân không hiểu được tiếng và không trả lời được gia đình cần máu gì, số lượng bao nhiêu. Vì vậy, tôi đề nghị anh chuyển điện thoại cho bác sĩ để hỏi những thông tin cần thiết. Tuy nhiên, vị bác sĩ trực nhất quyết không nghe máy, đầu dây bên kia nghe tiếng người nhà năn nỉ, rồi tiếng vị bác sĩ vọng lại: "Tôi không nghe máy người nhà". Cuộc gọi chờ vài phút mà tôi vẫn không lấy được thông tin để huy động giúp đỡ bệnh nhân. Đến sáng 5-4 thì cậu sinh viên thực tập kia lại phải chạy đến bệnh viện hỗ trợ người nhà bệnh nhân và được biết bệnh nhân hiện rất yếu, đang nguy kịch đến tính mạng và cần đến 8 đơn vị máu B. Chúng tôi đã phải huy động khẩn cấp hai tình nguyện viên lên hiến máu ngay trong buổi sáng để kịp thời cứu bệnh nhân”.
Có người nhà nằm viện ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên mới đây, gia đình chị T. (TP. Buôn Ma Thuột) vô cùng mệt mỏi mỗi khi nhận được yêu cầu tìm người hiến máu của bác sĩ. Người thân của chị T. bị giảm tiểu cầu nặng, cần được truyền tiểu cầu nếu không sẽ dẫn đến xuất huyết não. Người hiến tiểu cầu phải đáp ứng một số yêu cầu khắt khe hơn so với người hiến máu: cùng nhóm máu với người nhận, là nam nặng trên 65 kg, ven to và thẳng; thời gian hiến tiểu cầu cũng lâu hơn hiến máu bởi phải tuân thủ quá trình phân tích máu, lọc tiểu cầu rồi truyền trả lại máu cho người hiến. Yêu cầu đó khiến người nhà tìm người hiến rất khó khăn; song nản hơn chính là những quy định cứng nhắc, nhiêu khê của đơn vị y tế.
Hôm đó, một tình nguyện viên lặn lội từ huyện Krông Ana đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hiến tiểu cầu cho người nhà chị T.. Có mặt từ 8 giờ sáng nhưng bạn tình nguyện nên phải chờ đợi đến hơn 9 giờ mới nhận được giấy yêu cầu truyền máu từ bác sĩ khoa điều trị. Điều đáng nói là, dù các nhân viên Khoa Huyết học truyền máu nói rằng chỉ cần giấy yêu cầu của khoa điều trị thì họ sẽ làm tất cả mọi xét nghiệm cần thiết cho việc lấy tiểu cầu song bác sĩ ở khoa điều trị vẫn cứng nhắc, yêu cầu người hiến phải đi lại nhiều lần giữa hai khoa (trong khi Khoa Huyết học ở tầng 4 dãy nhà B, còn khoa điều trị nằm trên tầng 6 dãy nhà C!) để hoàn thành mọi thủ tục rồi mới được hiến. Chị T. than thở: “Mãi đến gần 2 giờ chiều, bạn tình nguyện viên mới lấy xong tiểu cầu. Bạn ấy mệt vì hiến máu thì ít mà thấy phiền vì thủ tục là nhiều. Mình là thân nhân người bệnh áy náy vô cùng, không hiểu sao các bác sĩ không thể giải quyết sớm cho những trường hợp như vậy dù chỉ định bệnh nhân phải truyền tiểu cầu đã được đưa ra từ chiều hôm trước đó”.
Các tình nguyện viên đến hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Thiết nghĩ, sự nhiệt tâm của người hiến tặng máu bị giảm đi ít nhiều mỗi khi gặp những nhân viên y tế thiếu tận tình, hành xử cứng nhắc. Tâm niệm người hiến máu chưa bao giờ thay đổi, chỉ mong rằng họ sẽ được trân trọng, tạo điều kiện hết mức để được hiến máu cứu người…
Hải Dung
Ý kiến bạn đọc