Người dân tha thiết mong sớm có cầu qua hồ
Mấy năm qua, người dân tại thôn 19 và thôn 20, xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) phải liều mình chèo thuyền đi làm rẫy. Đã có vài lần trời nổi gió bất chợt khiến thuyền bị lật, người dân tuy được cứu nhưng nông sản thì trôi theo dòng nước thăm thẳm…
Cầu, đường chìm sâu dưới nước
Năm 2014, đập Krông Búk Hạ (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) bắt đầu tích nước, đi vào hoạt động. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm A2 quốc gia, lớn nhất nhì khu vực Tây Nguyên.
Theo thiết kế, hồ Krông Búk Hạ có dung tích chứa gần 110 triệu m3 nước, năng lực tưới tiêu 11.400 ha diện tích cây trồng các loại, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho 72.000 hộ dân của huyện Krông Pắc và một phần huyện Ea Kar.
Tuy nhiên, việc đập Krông Búk Hạ tích nước đã khiến nhiều người dân tại thôn 19 và thôn 20 xã Krông Búk (giáp với xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn: bị cô lập giữa nhà cửa với nương rẫy của mình. Nhiều hộ dân các thôn nói trên không thể đi bộ từ nơi ở đến rẫy bởi con đường duy nhất và cây cầu nhỏ bắc qua suối Cạn (hay còn gọi là suối Ea Mích) để người dân lên rẫy, vận chuyển nông sản bao năm qua nay đã chìm sâu dưới lòng hồ.
Người dân phải chèo thuyền để vào rẫy. |
Cực chẳng đã, nhiều gia đình phải dùng thuyền làm phương tiện vượt hồ, lên nương rẫy. Nhà nào có nhiều nương rẫy, có tiền thì đóng thuyền lớn (trên 10 triệu đồng/chiếc); nhà nào ít rẫy thì đóng thuyền nhỏ, chất liệu bằng gỗ (giá từ 3-5 triệu đồng). Bà Long Thị Ngấy (SN 1967, trú thôn 20) than thở: “Nhà tôi có gần 2 ha rẫy bên kia suối. Ngày xưa, khi đường và cầu chưa bị ngập, cả nhà tôi lái xe công nông sang rẫy làm việc rồi về. Khoảng 6 năm trở lại đây, khi đập Krông Búk Hạ tích nước, đường ngập, cầu ngập, ngày nào chúng tôi cũng phải chèo thuyền qua hồ rất vất vả, cực nhọc. Cực nhất là vào vụ thu hoạch, nhà nào cũng bận rộn trong khi thuyền vận chuyển nông sản ít. Nếu thời tiết thuận lợi, gió lặng thì không sao; trường hợp mưa gió, không thuê được thuyền máy, nhiều hộ phải để nông sản lại trên rẫy”.
Khó khăn vây quanh
Theo bà Trương Thị Lý (SN 1968, trú thôn 20), số người trong thôn biết bơi rất ít; đặc biệt, phụ nữ và các bé gái trong thôn hầu như không ai biết bơi. Trong khi đó, vì cuộc sống mưu sinh, phụ nữ và trẻ em vẫn phải chèo thuyền qua hồ lên nương rẫy, thường xuyên đối diện với không ít nguy hiểm mỗi khi trời nổi giông gió. Bà Lý vẫn chưa quên ký ức hãi hùng năm 2017 khi bốn mẹ con bà dùng thuyền chở 6 bao cà phê từ rẫy về. Khi ra đến giữa lòng hồ, do gió to nên thuyền bị lật, cả người và nông sản rơi xuống nước. Rất may, vài người đánh cá gần đó đã kịp thời cứu sống được 4 mẹ con bà, nhưng thuyền và 6 bao cà phê đành bỏ lại dưới đáy hồ.
Những chiếc thuyền - phương tiện lên rẫy hằng ngày của bà con thôn 19, 20, xã Krông Búk. |
Cũng do lòng hồ chia cắt nên học sinh các thôn 19 và thôn 20 đi học ở xã Ea Siên (TX. Buôn Hồ) phải trải qua quãng đường vòng tới 20 km nếu không muốn vượt lòng hồ. Theo ông Mai Kim Huệ, Chủ tịch UBND xã Krông Búk cho hay, trước đây thôn 19 và 20 thuộc xã Ea Siên (TX. Buôn Hồ). Năm 2011, 2 thôn này được sáp nhập về xã Krông Búk. Cả 2 thôn có khoảng 180 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Mấy năm qua, bà con nơi đây đã phản ánh về việc nước ngập, không có cầu để đi khiến công việc nương rẫy và giao thương gặp nhiều khó khăn.
Được biết, UBND xã Krông Búk đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Krông Pắc có giải pháp hỗ trợ làm đường, cầu vào 2 thôn nói trên. Mới đây, UBND huyện Krông Pắc cũng đã cử cán bộ xuống địa phương khảo sát thực địa, ghi nhận tình hình để tìm phương án, chủ trương đầu tư xây dựng cầu dân sinh giúp người dân thôn 19 và thôn 20 đi lại dễ dàng; tuy nhiên, do chưa bố trí được kinh phí xây cầu nên người dân địa phương lại tiếp tục… chờ.
Võ Trường
Ý kiến bạn đọc