Multimedia Đọc Báo in

Người dân Cuôr Knia mong có đường điện an toàn

09:08, 02/07/2019

Mặc dù cách UBND xã chỉ vài cây số nhưng nhiều hộ dân ở xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn) lại chưa có đường điện  kiên cố để sử dụng mà thay vào đó là đường điện tạm bợ với nhiều rủi ro, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Thôn 1 có 22 hộ dân phải tự đầu tư kinh phí mua cột, mua dây về kéo điện vào nhà. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nhiều hộ chỉ có thể mua cột gỗ để mắc điện, mà gỗ thì mưa nắng một thời gian sẽ bị mục gây gãy, đổ rất nguy hiểm.

Ông Hoàng Văn Phẩm, một trong số 22 hộ dân thôn 1 chia sẻ, do đường dây tự đầu tư, lại ở xa đường điện lưới quốc gia nên điện rất yếu. Vào mùa khô muốn tưới cây trồng phải đợi đến đêm khi mọi người đi ngủ không dùng điện nữa mới có thể tưới được. Còn đối với các thiết bị điện cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày như ti vi, nồi cơm điện… thì cũng sử dụng chập chờn. Gia đình ông thường phải cắm cơm vào lúc 8 giờ tối vì giờ đó người dùng điện ít nên cơm mới chín được.

Đường điện tự kéo  đã xiêu vẹo của nhiều  hộ dân  ở thôn 1,  xã Cuôr Knia.
Đường điện tự kéo đã xiêu vẹo của nhiều hộ dân ở thôn 1, xã Cuôr Knia.
 
"Cách đây 2 năm, toàn bộ các thôn trên địa bàn xã Cuôr Knia đã được kéo điện lưới về. Tuy nhiên, có một số hộ dân sinh sống không tập trung ở sâu trong các nương, rẫy nên đường điện lưới chưa đáp ứng được do hạn chế về nguồn đầu tư. Trong tương lai, nếu các hộ dân về ở tập trung lại thành khu dân cư và có đơn đề xuất kéo điện lưới thì ngành Điện sẽ xem xét giải quyết".
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Điện lực Buôn Đôn
 

Nằm cách UBND xã Cuôr Knia chưa đầy 3 km, thôn Sình Mây cũng có 20 hộ dân phải chịu cảnh trên. Ông Vương Kiên Quyết, Trưởng thôn Sình Mây cho hay, thôn có 150 hộ, gần 100% là người Tày, Nùng và cũng là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của huyện, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 65%. Ban tự quản thôn đã nhiều lần đề xuất với xã về việc đầu tư đường điện cho 20 hộ nhưng vẫn chưa có chuyển biến gì.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Cuôr Knia Triệu Văn Quỳ, toàn xã hiện vẫn còn khoảng hơn 40 hộ đang sử dụng điện tự kéo. Vấn đề đầu tư đường điện cho người dân để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và sản xuất đã được chính quyền địa phương đề xuất trong các cuộc tiếp xúc cử tri và xã cũng đã có văn bản gửi cho Điện lực huyện Buôn Đôn, đồng thời gửi tờ trình đề xuất, kiến nghị đến UBND huyện nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Thiết nghĩ để bảo đảm an toàn trong quá trình dùng điện phục vụ sinh hoạt cũng như góp phần phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của đồng bào nơi đây, chính quyền địa phương và ngành Điện sớm có giải pháp phù hợp khắc phục thay thế những dây điện tạm bợ này.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.