Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ma Thuột - những dấu mốc đáng nhớ

16:07, 13/04/2010

- Ngày 22-11-1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách Dak Lak khỏi địa bàn nước Lào và đặt thành một tỉnh thuộc quyền giám sát và quản trị của Khâm sứ Trung kỳ, đồng thời chuyển tỉnh lỵ từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột. Từ đây, Buôn Ma Thuột chính thức trở thành thủ phủ của Dak Lak, một đô thị trung tâm của khu vực Tây Nguyên. Với Nghị định trên, Dak Lak chính thức trở thành một trong 20 tỉnh, thành phố thuộc Trung kỳ và là một trong 73 tỉnh, thành phố của Việt Nam thời Pháp thuộc. Từ năm 1905 đến 1930, Buôn Ma Thuột đã có nhiều thay đổi với các công sở, bệnh viện, nhà tù, chợ, các cửa hiệu, các công trình vui chơi, giải trí, khu dân cư của người Việt, người châu Âu xen kẽ với một số buôn của người Êđê. Đường sá trong nội thị đã có một số ngã tư, ngã sáu, thậm chí ngã bảy; các đường đi nội tỉnh và ngoại tỉnh đã hình thành như quốc lộ 157, 194…

 Phi trường Phụng Dực năm 1961 (nay là sân bay Buôn Ma Thuột). Ảnh: T.L
Phi trường Phụng Dực năm 1961 (nay là sân bay Buôn Ma Thuột). Ảnh: T.L

- Ngày 5-6-1930, Khâm sứ Trung Kỳ đã ký Nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột, chứng tỏ vị trí chiến lược quan trọng của Buôn Ma Thuột không chỉ ở Dak Lak mà cả khu vực Tây Nguyên. Các hệ thống giao thông, bưu điện, ngân khố… ngày càng phát triển.
- Cuối năm 1940chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Buôn Ma Thuột và Dak Lak được thành lập bí mật tại Nhà đày Buôn Ma Thuột gồm 10 đồng chí. Việc thành lập chi bộ Đảng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột không những đã thống nhất được sự lãnh đạo của Đảng trong tù mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc vận động cách mạng ở Dak Lak phát triển thêm một bước mới, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945.

Đường Phan Chu Trinh năm 1965.      Ảnh: T.L
Đường Phan Chu Trinh năm 1965. Ảnh: T.L

- Ngày 24-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột – Dak Lak đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh ra mắt, tuyên bố xóa bỏ chế độ thống trị của Nhật -  Pháp. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 4 tháng sau, nhân dân Buôn Ma Thuột đã bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp kiên cường, ác liệt suốt 9 năm. Đến năm 1954, lực lượng ta đã đánh đòn quyết định vào Dak Lak – Buôn Ma Thuột, trong nội thị nhân dân đồng loạt nổi dậy, bộ máy thực dân tan rã.
- Sau hiệp định Giơnevơ  năm 1954, đế quốc Mỹ và ngụy quyền ra sức biến Buôn Ma Thuột thành một trung tâm phòng thủ mạnh ở Tây Nguyên. Năm 1963, hòa nhịp với nhiều đô thị khác ở miền Nam, nhân dân Buôn Ma Thuột sôi sục xuống đường chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Hòa thượng trụ trì chùa Khải Đoan phát nguyện tự thiêu, phật tử xuống đường. Từ năm 1965, phong trào cách mạng ở Buôn Ma Thuột phát triển mạnh mẽ. Nhiều ấp chiến lược và khu dồn từ Tơng Yu đến Ea Kao, buôn Yu, Đạt Lý, Cuôr Đăng bị phá tan.

Một góc đường Phan Bội Châu năm 1958.      Ảnh: T.L
Một góc đường Phan Bội Châu năm 1958. Ảnh: T.L

- Đêm 4-1-1968, bộ đội chủ lực ta tiến công địch ở sân bay, dinh tỉnh trưởng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân tại Buôn Ma Thuột. Trong chiến dịch này, Buôn Ma Thuột là một trong những đô thị miền Nam cầm cự, làm chủ địa bàn lâu nhất: 7 ngày đêm. Cùng với bộ đội chủ lực, quân và dân Buôn Ma Thuột đã góp phần tiêu diệt hơn 2.000 tên địch, phá hủy 19 máy bay, 13 xe thiết giáp, 4 khẩu pháo và 150 xe quân sự… Với những chiến công này, quân và dân Buôn Ma Thuột đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Thành đồng Tổ quốc.
- Tháng 1- 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Một góc phố ngã tư đường Quang Trung và Hai Bà Trưng năm 1969.   Ảnh: T.L
Một góc phố ngã tư đường Quang Trung và Hai Bà Trưng năm 1969. Ảnh: T.L

- Đúng 2 giờ 03 phút sáng ngày 10-3-1975, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu là bộ đội đặc công đánh sân bay thị xã, khu kho Mai Hắc Đế, lực lượng bộ binh đánh sân bay Hòa Bình; cùng thời gian này hỏa tiễn H12, ĐKB và các cụm pháo tập trung bắn vào Sư bộ 23 của địch. Sáng ngày 10-3, ở hướng bắc, bộ binh ta có xe tăng phối hợp đánh vào Ngã Sáu và đánh chiếm Tiểu khu Buôn Ma Thuột. Hướng tây bắc, lực lượng ta tiêu diệt Sở chỉ huy khu kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Cư Êbur, Cư Dluê... phá hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã. Ở hướng Tây, quân ta đánh chiếm doanh trại tiểu đoàn quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng Nam, ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, khu cư xá Sĩ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình. Đến 10 giờ ngày 11- 3-1975, quân ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã.
- Ngày 18-3-1975, Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do đại tá Y Blốk Êban, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Dak Lak làm Chủ tịch ra mắt trước 300 đại biểu nhân dân tại đình Lạc Giao.
- Ngày 21-1-1995, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra Quyết định số 08-CP thành lập thành phố Buôn Ma Thuột (đô thị loại III), tạo nên một dấu ấn quan trọng về sự trưởng thành và phát triển của Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Dak Lak nói chung.

Đường Phan Bội Châu hôm nay.     Ảnh: P.H
Đường Phan Bội Châu hôm nay. Ảnh: P.H

- Năm 28-2-2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 38 công nhận TP. Buôn Ma Thuột là đô thị loại II.
  - Nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở màn Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 10-3-2010, công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Dak Lak. Phấn đấu đến năm 2015, Buôn Ma Thuột trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Buôn Ma Thuột hôm nay mang dáng vẻ của một đô thị văn minh, hiện đại. Ảnh: P.H
Buôn Ma Thuột hôm nay mang dáng vẻ của một đô thị văn minh, hiện đại. Ảnh: P.H

Trải qua nhiều bước thăng trầm, biến động của lịch sử, Buôn Ma Thuột  nay tròn 105 năm tuổi. Từ số dân gần 3 vạn người của những năm đầu thế kỷ 20, rồi tăng lên 13 vạn người sau năm 1975, hiện nay TP. Buôn Ma Thuột có diện tích tự nhiên là 377,18 km2 (chiếm 2,87% diện tích toàn tỉnh), gồm 13 phường, 8 xã. Dân số hiện có gần 330.000 người, với 31 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 15% dân số toàn thành phố. Với vị trí là trung tâm của tỉnh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, TP. Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 20,09%; GDP bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng; thu ngân sách tăng bình quân trên 20%/năm. Giáo dục-đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực: toàn thành phố hiện có 34 trường mầm non, 54 trường tiểu học, 26 trường THCS, 11 trường THPT với tổng số hơn 88.500 học sinh; 25 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% giáo viên THPT và 97,2% giáo viên từ bậc THCS trở xuống đạt chuẩn. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên với 6 bệnh viện 1.200 giường bệnh; 100% trạm y tế có bác sĩ; 85% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Hồng Thủy (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.