Nỗi đau chưa bao giờ vơi cạn
22:02, 28/07/2010
Chiến tranh đã đi qua 35 năm nhưng những nỗi đau dường như chưa vơi cạn. Đó là những người làm cha mẹ mất đi người con yêu quý, những người phụ nữ bỗng rơi vào cảnh “mẹ góa con côi” và trên bàn thờ của biết bao gia đình còn đó linh bài tử sĩ. Những người chiến sĩ còn sống trở về mấy ai còn lành lặn? Nỗi đau thể chất, nỗi đau tinh thần cứ chồng chất trong tâm hồn những người đang sống.
Tôi đã lên chùa nghe kinh, từng dự lễ cầu siêu, nhưng chưa bao giờ tham dự một buổi đọc kinh cầu siêu đặc biệt như vậy. Đó là nghi lễ trang nghiêm, linh thiêng với sự tham dự của hàng nghìn tăng ni phật tử trong Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Chùa Sắc tứ Khải Đoan (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức trong 3 ngày từ 22 đến 24-7 tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Tiếng chuông thỉnh lễ cứ vang vọng, vừa lẩm nhẩm đọc “ Sống chiến đấu đã từng nương bóng Phật/ Thác khôn thiêng xin ngồi lại nghe kinh”; “Người ngã xuống cho Tổ quốc, vì nghĩa/ Nén hương lòng xin dâng trọn, vì ân”, thay cho đọc kinh tôi cùng mọi người đi thắp hương các ngôi mộ trong nghĩa trang. Tôi tự hỏi, không biết trong hơn 2.000 ngôi mộ kia, có bao nhiêu linh hồn được gặp người thân trong ngày hôm nay?! Những lời thì thầm của người còn sống nói với người đã khuất xen lẫn tiếng sụt sùi cùng tiếng thở dài khiến không gian càng thêm trầm mặc. Lòng chùng lại nhớ ngày đưa di hài ông nội tôi từ chiến trường về quê. Ông hy sinh khi bố tôi mới 10 tuổi, bà nội lúc đó mới 30… Từ hôm đưa ông về, chiều nào bà cũng ngồi bên bàn thờ để đọc kinh. 30 năm nằm lại chiến trường, chắc lúc ấy người mới được nghe tiếng nói của bà…
Nhiều tăng ni phật tử tham dự Đại lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sĩ (Ảnh: L.A) |
Trong không khí trang nghiêm, tiếng chuông thỉnh cầu ngân vang, nỗi lòng của những người còn sống thổn thức. Bắt gặp ánh mắt đục mờ chẳng nhìn xa được nữa của 3 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tới dự Đại lễ ngày hôm ấy mà trong lòng nghẹn ngào. Mỗi Mẹ, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ cùng chung nỗi đau chiến tranh. Trong nỗi kinh hoàng của bom đạn ấy, ai đếm được có bao nhiêu chiến trường, có ai đếm hết khăn tang và càng không thể đong đếm được những nỗi đau, những mất mát dồn nén trong lòng mỗi người... Hòa bình lập lại, trên những chiến trường xưa giờ là công trường, là nhà máy, những hố bom đã được san lấp thành đường… nhưng nỗi đau mất người thân vẫn còn khắc khoải. Đất nước có bao ngày hòa bình, thống nhất là có bấy nhiêu ngày, những gia đình có chồng, cha, con… hy sinh, đau đáu nỗi lòng tìm được phần hài cốt.
Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ (Ảnh: L.A) |
Không khí đặc quánh, phủ trắng một góc là những tấm bia mộ. Ông Nghĩa – quê Hà Tây – một cựu chiến binh tóc đã nhuốm màu sương gió, kể tôi nghe về câu chuyện đi tìm mộ thủ trưởng mình: “Chiến tranh đã kết thúc lâu lắm rồi, những lần đi công tác hay tham gia hoạt động tìm mộ liệt sĩ của đơn vị cũ ,tôi vẫn luôn tâm niệm phải tìm được mộ thủ trưởng của mình – người đã hy sinh trên tay tôi, chính tay tôi chôn cất nên trong lòng vẫn luôn đau đáu. Nhà thủ trưởng cách nhà tôi 3 làng nên sau ngày thống nhất trở về, tới thăm nhà nhìn cảnh mẹ góa cùng 4 đứa con mà trong lòng quặn thắt, càng thôi thúc tôi thực hiện mong muốn đi tìm và đưa hài cốt đồng chí mình về quê hương đoàn tụ, dù chỉ là đoàn tụ trong tâm linh... Vượt qua những khó khăn của cuộc sống, năm 1994 tôi bắt đầu công việc đi tìm mộ. Trở lại chiến trường, nhưng dấu vết xưa không còn. Những cuộc di dời, những đổi thay của vùng đất đã khiến tôi thất vọng. Thông tin để lại, những cuộc điện thoại, những cánh thư.., may sao, tới nghĩa trang này, tôi gặp lại thủ trưởng của mình, mừng khôn xiết...”. Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện đi tìm mộ liệt sĩ mà hàng ngày, hàng giờ vẫn đang diễn ra âm thầm trên khắp đất nước. Đôi mắt ông khiến tôi ám ảnh. Dường như những nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh không thể nói hết thành lời cứ chất chứa trong đôi mắt ấy.
Mọi thứ nhòa đi trong sự xúc động của những người có mặt tại lễ tưởng niệm các linh hồn liệt sĩ. Những giọt nước mắt nghẹn ngào của hàng nghìn phật tử tham gia Đại lễ đã nói nên lòng biết ơn, sự thành kính của những người đang sống đối với anh linh các anh hùng, liệt sĩ đang nằm rải rác trên khắp dải đất hình chữ S này. Mỗi một bài kinh cầu nguyện, mỗi nén hương trầm được thắp lên để vỗ về, an ủi, tri ân anh linh người đã khuất, để người đang sống trải lòng, thanh tịnh, xoa dịu nỗi đau mất mát như chưa bao giờ vơi cạn…
Nam Hà
Ý kiến bạn đọc