Multimedia Đọc Báo in

Những chặng đường lịch sử hào hùng

15:44, 09/01/2011

Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 2-1950 tại căn cứ địa Việt Bắc đã quyết định chọn 9-1 là Ngày truyền thống hằng năm của học sinh, sinh viên Việt Nam.

Ngày 9-1-1950 đi vào lịch sử dân tộc với trang sử hào hùng của phong trào học sinh, sinh viên.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, các tầng lớp nhân dân cả nước hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ thành quả cách mạng và Nhà nước Cộng hòa non trẻ.

Trong những năm 1949-1950, phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục rầm rộ và rộng khắp, đặc biệt là ở Sài Gòn – Gia Định, chống chủ nghĩa thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chống “độc lập” giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, đòi được học tiếng mẹ đẻ… Các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực phong trào này dưới nhiều hình thức: biểu tình chống sưu thuế, chống bắt lính, đòi công ăn việc làm.

Ngày 9-1-1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động, tổ chức hơn 2.000 học sinh, sinh viên các Trường Pétrus ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, Trường Đại học Y dược, Pháp lý, Vô tuyến điện, Công chính, Kỹ thuật… cùng nhiều giáo viên và 7.000 bà con lao động biểu tình đấu tranh đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt, trong đó có Ban lãnh đạo học sinh cứu quốc Sài Gòn. Đoàn biểu tình đã kéo đến Nha học chính và Dinh thủ hiến bù nhìn đưa yêu sách. Thực dân Pháp điều cảnh sát, lính lê dương đàn áp dã man.

Trong cuộc đấu tranh quyết liệt này, Trần Văn Ơn – học sinh Trường Pétrus ký, người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh đã bị địch nổ súng sát hại.
Cái chết của anh Trần Văn Ơn gây xúc động và tiếng vang lớn, tạo một làn sóng phản đối mạnh mẽ của học sinh, sinh viên và quần chúng Sài Gòn.

Lễ tang Trần Văn Ơn được tổ chức trọng thể tại Trường Pétrus ký. Trong hơn 300 vòng hoa viếng của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn, có vòng hoa của một nhóm người Pháp tiến bộ mang dòng chữ “Soldats démocráles” (chiến sĩ dân chủ).

Điếu văn của giáo sư Lưu Văn Lang – Trưởng ban lễ tang đặt ra một câu hỏi thống nhất và vang mãi trong những năm tháng đen tối của đất nước, thúc giục thế hệ trẻ noi gương Trần Văn Ơn xả thân vì độc lập tự do cho Tổ quốc:

“Ai chết vinh buồn chăng?
Ai sống nhục thẹn chăng?”

 

Báo Thần Chung (số ngày 14-1-1950) đã tường thuật đầy cảm phục về đám tang anh Trần Văn Ơn ngày 12-1-1950 đã biến thành cuộc biểu tình thị uy với sự tham gia của 5 vạn người do những nhân sĩ trí thức tiêu biểu như giáo sư Lưu Văn Lang, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo. Điếu văn của đại biểu học sinh, sinh viên tưởng niệm Trần Văn Ơn trước khi hạ huyệt ở nghĩa trang Chợ Lớn vang vọng mãi ngàn sau: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9 tháng 1, ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã vui lòng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần bạn Trần Văn Ơn bất diệt”.

Ngày 9-1-1950, hàng ngàn học sinh, sinh viên Sài Gòn xuống đường đấu tranh chống Mỹ can thiệp vào Đông Dương. (Ảnh: T.L)
Ngày 9-1-1950, hàng ngàn học sinh, sinh viên Sài Gòn xuống đường đấu tranh chống Mỹ can thiệp vào Đông Dương. (Ảnh: T.L)

Tiếp nối truyền thống hào hùng trong kháng chiến chống Pháp, phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh miền Nam bùng lên mạnh mẽ trong kháng chiến chống Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Tổng hội sinh viên và Tổng đoàn học sinh được thành lập để tập hợp lực lượng và chỉ đạo phong trào. Không khí sôi sục căm thù bùng lên khi nữ sinh Quách Thị Trang, 15 tuổi bị bắn chết trong cuộc biểu tình trước chợ Bến Thành ngày 25-8-1963.

Sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Nguyễn Đình Diệm (1-11-1963), Ban Cán sự học sinh, sinh viên chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, gây dựng tổ chức công khai. Ban vận động học sinh đoàn ra đời và nêu mục tiêu hoạt động có tổ chức chính thức và trụ sở được hợp thức hóa. Tháng 10-1964, Tổng đoàn học sinh ra đời, bầu anh Nguyễn Chón Trung (Tư Lý) làm Chủ tịch. Tổng đoàn ra mắt chính thức ở số 4 Duy Tân, phát động cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung. Tháng 5-1967, sinh viên Sài Gòn thành lập Hiệp hội báo chí sinh viên và tập hợp phong trào liên Viện Đại học Sài Gòn – Huế, Cần Thơ, Đà Lạt. Noel 1969, sinh viên, học sinh phát động phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe”.

Trong cuộc đấu tranh của sinh viên học sinh chống Mỹ ngụy có rất nhiều tổn thất, nhiều đám tang nung nấu căm thù như vụ cảnh sát xả súng bắn Lê Văn Ngọc 16 tuổi, học sinh Trường Hồng Lạc cuối tháng 11-1964. Đám tang Lê Văn Ngọc sục sôi ý chí căm thù như đám tang Trần Văn Ơn. Đám tang sinh viên Phạm Hạnh ngày 1-9-1971 bị bệnh chết sau những đợt bị cưỡng bức huấn luyện quân sự đã biến thành cuộc đấu tranh đả đảo quân sự học sinh. Các biểu ngữ “US go home “(Mỹ cút về nước) xuất hiện rầm rộ trong đám tang anh Hạnh.

Ngày 21-8-1964, hàng ngàn sinh viên và học sinh tập hợp tại trụ sở Tổng hội số 4 Duy Tân, kéo tới tư dinh tướng Nguyễn Khánh đòi bỏ lệnh giới nghiêm. Trưa 23-8-1964, sinh viên tập trung tại Đại học Y Khoa hội thảo rồi kéo đến đài phát thanh buộc tội giám đốc Nguyễn Ngọc Linh đưa tin xuyên tạc phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh. Ông Linh phải thoát qua cửa sổ, bỏ trốn.

Ngày 25-8-1964, sinh viên học sinh buộc Nguyễn Khánh trả lời về tình trạng khẩn trương, về chế độ kiểm duyệt báo chí và lên án sự phi pháp, phản dân chủ của Hiến chương Vũng Tàu buộc Nguyễn Khánh phải hủy bỏ hiến chương này và buộc phải từ chức.

Tháng 4-1970, nhà cầm quyền Lon Non, tay sai Mỹ ở Campuchia thảm sát Việt kiều. Ngày 18-4-1970, sinh viên, học sinh xuống đường tổ chức đêm “uất hận” làm lễ truy điệu Việt kiều và chiếm Tòa đại sứ Campuchia 12 ngày đêm để buộc chính quyền Sài Gòn phải can thiệp yêu cầu Lon Non chấm dứt tàn sát Việt kiều.

Địch huy động lực lượng đàn áp khốc liệt cuộc đấu tranh này. Nhiều tác phẩm văn nghệ sống mãi với thời gian được sáng tác trong cuộc đấu tranh này như bài “Bà mẹ Bàn Cờ” (thơ Nguyễn Kim Ngân, nhạc Trần Long Ẩn).

Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn bùng lên mạnh mẽ trong năm 1971 với chiến dịch đốt xe Mỹ. Nữ sinh viên sư phạm Võ Thị Bạch Tuyết trở thành biểu tượng của chiến dịch đốt xe Mỹ để trả thù cho đồng bào bị lính Mỹ tàn sát. Nhiều sinh viên cốt cán của phong trào như Lê Quang Vinh, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Võ Thị Bạch Tuyết… bị địch truy bắt, lưu đày nhiều năm ở khám Chí Hòa, địa ngục trần gian Côn Đảo.

Quá khứ vẻ vang, hiện tại xứng đáng. Từ sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, học sinh, sinh viên cả nước tiếp bước chân những người anh hùng thế hệ trước, đưa ra sức luyện đức luyện tài nhằm “lập thân, lập nghiệp, kiến quốc” trong cuộc kháng chiến chống nghèo nàn lạc hậu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế, nhằm xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn minh theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tô Phương – Phan Thanh


Ý kiến bạn đọc