TIẾN TỚI BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIII
Nhớ lại ngày Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội thống nhất cả nước
Cuộc Tổng tuyển cử, bầu đại biểu Quốc hội khóa VI ngày 25-4-1976 là một cuộc Tổng tuyển cử rất đặc biệt, diễn ra chỉ sau một năm đất nước hoàn toàn giải phóng, trong hoàn cảnh miền Bắc đã trải qua một thời gian xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam mới thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân. Cuộc Tổng tuyển cử thể hiện ý chí của nhân dân ta thống nhất đất nước và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong cả nước, 98,77% số cử tri đã đi bỏ phiếu và với ý thức rõ rệt về quyền làm chủ của mình, với sự lựa chọn tự do, hầu hết cử tri đã bỏ phiếu cho những người do Mặt trận thống nhất giới thiệu. Tuyệt đại bộ phận đại biểu trúng cử vào Quốc hội là công nông. Cuộc Tổng tuyển cử thật sự là cuộc biểu dương vĩ đại, ý chí và lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân mà công – nông làm nòng cốt. Cuộc biểu dương ý chí và lực lượng đã đè bẹp mọi ý đồ đen tối của bọn phản động.
Bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: T.L) |
Trong số 492 đại biểu Quốc hội được bầu, có 80 đại biểu là công nhân; 100 đại biểu là nông dân; 6 đại biểu làm nghề thủ công; 54 đại biểu là quân nhân và 141 đại biểu là cán bộ chính trị, thực chất cũng là đại biểu công, nông. Số còn lại là đại biểu của tri thức cách mạng, nhân sĩ dân chủ, đại biểu các tôn giáo, là những người đã cùng công nhân và nông dân kề vai sát cánh trong Mặt trận Dân tộc thống nhất đấu tranh cho độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Trong Quốc hội khóa VI này có 129 đại biểu nữ, 127 đại biểu là thanh niên, 72 đại biểu dân tộc thiểu số, 29 đại biểu Anh hùng Lao động và Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân. Với thành phần như thế, Quốc hội ta thật sự là quốc hội của nhân dân, là hình ảnh sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân.
Tại cuộc họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã quyết nghị:
Lấy tên Nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, định Thủ đô là Hà Nội, định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, gọi khóa Quốc hội này là khóa VI, chính thức đặt tên cho thành phố Sài Gòn – Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp và các Ủy ban của Quốc hội.
Quốc hội bầu ra các chức vụ và cơ quan lãnh đạo Nhà nước.
Chủ tịch nước: Tôn Đức Thắng.
Phó Chủ tịch nước: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Hữu Thọ.
Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Trường Chinh.
Thủ tướng Chính phủ: Phạm Văn Đồng.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao: Phạm Văn Bạch.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao: Trần Hữu Dực.
Ý kiến bạn đọc