Multimedia Đọc Báo in

Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 - một mốc son trong lịch sử

12:28, 06/04/2011

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Nhà nước cộng hòa non trẻ còn trong trứng nước đã lập tức phải đối mặt với bao khó khăn, gian lao thử thách. Tưởng Giới Thạch đã hoàn thành kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Quân đội Tưởng rất ô hợp (kéo theo cả gia đình vì đói) thường cướp bóc, gây rối, bày mưu cho bọn tay sai chống phá chính quyền ta. Bên cạnh đó, thực dân Pháp cũng chuẩn bị tiến ra Bắc nhưng với lực lượng hiện có, trong khi chưa bình định xong Nam Bộ, nếu đưa quân ra Bắc, chúng không thể đạt mục đích và sẽ vấp phải lực lượng kháng chiến lớn mạnh gấp bội. Pháp đã dùng thủ đoạn chính trị: điều đình với Tưởng để thay thế Tưởng chiếm đóng miền Bắc. Tưởng và Pháp đã thỏa hiệp, ký kết bản hiệp ước Hoa - Pháp để trao đổi quyền lợi. Hiệp ước Hoa - Pháp buộc ta phải chọn một trong hai con đường: hoặc là chống Pháp ngay khi chúng ra Bắc; hoặc chủ động đàm phán với Pháp, tạm hòa với chúng để nhanh chóng gạt Tưởng về nuớc và tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng. Ta đã chọn giải pháp thứ hai. Đó là lí do của sự ra đời Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946.

Hiệp định Sơ bộ 6-3 có nội dung chính như sau: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng, nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Còn Chính phủ Việt Nam thỏa thuận cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay Tưởng, rút dần trong 5 năm. Hai bên ngừng bắn ở Nam Bộ, tạo không khí thuận lợi để đàm phán chính thức tại Pari. Phát biểu tại buổi ký kết Hiệp định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng tôi không thỏa mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn”.  Có thể nói, Hiệp định Sơ bộ 6-3 có một ý nghĩa chính trị hết sức to lớn đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta đã độc lập thực sự từ tháng Tám năm 1945. Nhưng tới nay chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị…”. Tối ngày 6-3-1946, Bác cùng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp báo cáo với Chính phủ Liên hiệp về việc ký Hiệp định Sơ bộ và chiều 7-3, ta tổ chức lễ mít tinh rầm rộ tại Quảng trường Nhà hát Thành phố Hà Nội. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước quốc dân đồng bào: “Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là độc lập, thống nhất, cuộc đấu tranh còn gian khổ, kéo dài... Chúng ta phải tin vào Chính phủ, phải đoàn kết tiếp tục chiến đấu. Riêng tôi, tôi hứa với đồng bào, Hồ Chí Minh nhất định không bao giờ bán nước”.

Ngày 6-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các thành viên Việt - Pháp tham gia ký Hiệp định Sơ bộ. (Ảnh: T.L)
Ngày 6-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các thành viên Việt - Pháp tham gia ký Hiệp định Sơ bộ. (Ảnh: T.L)
Có thể nói, vào thời điểm đó, sẽ không có một giải pháp nào thích hợp hơn. Ngoài ý nghĩa chính trị về mặt lâu dài thì với Hiệp định Sơ bộ này, trước mắt ta đã loại bỏ được gần 20 vạn quân Tưởng ra khỏi miền Bắc, kéo theo đó là bè lũ “theo đóm ăn tàn”, bọn tay sai bán nước để chúng ta rảnh tay đối phó với thực dân Pháp. Sau ba ngày ký Hiệp định, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Hòa để tiến”, nêu rõ lý do cần hòa với Pháp, phê phán những khuynh hướng sai lầm có thể nảy sinh, đề phòng thực dân Pháp bội ước, và nhấn mạnh: Phải triệt để lợi dụng thời gian hòa hoãn để đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, tổ chức quần chúng, củng cố phong trào, đào tạo cán bộ, đưa cán bộ vào gây cơ sở ở các thành phố bị chiếm đóng, tiếp tục chuẩn bị kháng chiến lâu dài… Hiệp định cũng đã thể hiện được phẩm chất, trí tuệ và bản lĩnh của Đảng ta và của Bác Hồ kính yêu. Nó minh chứng cho tài ngoại giao xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người “đại nhân, đại trí, đại dũng”. Trước và sau Hiệp định Sơ bộ 6-3, Bác đã làm tất cả những gì có thể để nhằm tránh một cuộc chiến tranh. Đảng và Bác đã chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, bằng sách lược hòa hoãn với Tưởng, đàm phán với Chính phủ Pháp nhằm phá vỡ thế bao vây uy hiếp của kẻ thù, ngăn chặn chiến tranh, kéo dài thời gian hòa hoãn để xây dựng lực lượng. Từ tháng 9-1945 đến tháng 3-1946, Đảng ta đã thực hiện chính sách tạm thời hòa hoãn với Tưởng trên miền Bắc để tập trung sức chống thực dân Pháp ở miền Nam. Nội dung nhân nhượng chủ yếu là: cung cấp lương thực cho quân đội Tưởng và tay sai của chúng; mở rộng 70 ghế trong Quốc hội cho Việt quốc và Việt cách không qua bầu cử và đưa một số đại diện của các đảng này vào Chính phủ Liên hiệp lâm thời; các lực lượng vũ trang được lệnh tránh xung đột với quân Tưởng, không để mắc vào cạm bẫy khiêu khích, kiếm cớ lật đổ chính quyền cách mạng của chúng. Với sách lược ngoại giao sáng suốt này, chúng ta đã làm thất bại âm mưu của Tưởng và thế lực phản động, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân cả nước tập trung lực lượng chống thực dân Pháp ở miền Nam. Việc ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 đã giúp chúng ta “tránh bất lợi phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động..., bảo toàn thực lực, giành lấy giải pháp nghỉ ngơi và củng cố vị trí đã chiếm được, chấn chỉnh đội ngũ cách mạng bổ sung cán bộ, bồi dưỡng và củng cố phong trào...”. Đó quả là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo, là “mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lê-nin-nít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và về sự nhân nhượng có nguyên tắc”. Thực tế, Hiệp định Sơ bộ tạo thời gian hòa hoãn để nhân dân ta củng cố thành quả cách mạng mới giành được, chuẩn bị điều kiện đưa sự nghiệp kháng chiến kiến quốc tiến lên một bước phát triển mới. Đối với nhân dân miền Nam, Hiệp định Sơ bộ tạo điều kiện cho lực lượng kháng chiến trở lại bám trụ ở thôn, xã, tạo sức mạnh để cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc với tư thế và sức mạnh mới.

65 năm trôi qua, nhưng thắng lợi hết sức to lớn của Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 mãi là một dấu mốc son trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng là mốc son chói lọi của nền ngoại giao Việt Nam. Bởi từ đây cái tên gọi Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã bắt đầu gây sự chú ý cho các nước trong khu vực và trên thế giới. Sau đó không lâu rất nhiều nước trên thế giới đã đặt quan hệ ngoại giao với nước ta…

 

Nguyễn Viết Chính

 


Ý kiến bạn đọc