Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN (23-10-1961 – 23-10-2011)

Cuộc chiến đấu quyết liệt chống địch phong tỏa bằng thủy lôi trên các cửa biển

09:55, 19/10/2011
Bất chấp luật pháp và tập quán quốc tế, từ năm 1967 đến năm 1972, đế quốc Mỹ đã dùng thủy lôi phong tỏa các cửa biển của nước ta. Đây là một trong những hành động cực kỳ thâm độc và dã man của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.
 
Mỹ dùng thủy lôi phong tỏa vùng biển và sông ngòi miền Bắc Việt Nam nhằm các mục đích: ngăn chặn từ gốc sự chi viện của các nước vào Việt Nam, từ đó hạn chế sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam; ngăn chặn và uy hiếp các hoạt động vận chuyển, sự làm ăn trên sông biển của nhân dân ta, hòng gây sức ép chính trị với ta trên bàn hội nghị (thời kỳ đàm phán ở Hội nghị Pa-ri); ngăn chặn các hoạt động chiến đấu của Hải quân Việt Nam trên chiến trường sông biển; thách thức và uy hiếp sự giúp đỡ của bè bạn quốc tế đối với nhân dân ta khi họ đưa tàu chở hàng vào cảng để giúp đỡ chúng ta.
 
Ngày 20-6-1966, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Hải quân làm đề án chống địch phong tỏa bằng đường biển và giúp trên chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn. Chủ trương của trên là: “Phải hết sức tích cực đánh địch, đừng để địch phong tỏa cảng; phải chuẩn bị mọi điều kiện để khi địch phong tỏa cảng thì phải giải tỏa được nhanh chóng. Trong chuẩn bị, phải tập trung vào trọng điểm, tức là đường ra vào ba cảng lớn: Hải Phòng, Hồng Gai, Cẩm Phả”. Hải quân đã chuẩn bị xong đề án và tổ chức Hội nghị hiệp đồng giữa Bộ Quốc phòng, Bộ giao thông vận tải, Tổng cục Thủy sản, Công an vũ trang và các hội nghị giữa Hải quân với các Quân khu ven biển, giữa Hải quân với Cục vận tải đường biển. Quân chủng thành lập tổ chuyên trách nghiên cứu kỹ thuật, tổ chức mạng lưới quan sát và giao nhiệm vụ cho Công binh Hải quân nghiên cứu, huấn luyện kỹ thuật chống phá thủy lôi.
 
Đầu năm 1967, Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai trên chiến trường miền Nam, đưa cuộc chiến tranh cục bộ lên đỉnh cao, Giôn-Xơn bí mật cho rải thủy lôi bịt các cửa sông, bến cảng. Đợt đầu chúng chọn các cửa sông Mã, sông Gianh, Cửa Hội, Nhật Lệ… là những đầu mối giao thông quan trọng của ta lúc bấy giờ. Từ ngày 26-2-1967 đến ngày 21-5-1967, liên tiếp nhiều đêm, máy bay A6A của Hải quân Mỹ từ ngoài biển bay rất thấp lẻn vào thả thủy lôi. Địch rải thủy lôi âm thanh MK50-MODO với tổng số 160 quả (Nhật Lệ: 12 quả, cửa Sông Gianh: 34 quả, Cửa Hội: 32 quả, cửa Sông Mã: 28 quả).
 
Ngay sau đó, Quân chủng Hải quân đã đưa công binh đến các cửa sông, bến cảng trên cùng với lực lượng Hải quân đóng ở địa phương phối hợp chặt chẽ với Quân khu và Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành rà phá. Hải quân đã mò tìm, phát hiện và trục vớt, tháo gỡ được hai loại thủy lôi trên, mang về nghiên cứu kỹ thuật, đồng thời cùng với các lực lượng khác nhanh chóng rà phá mở luồng cho tàu thuyền đi lại, vận chuyển an toàn.
 
Từ tháng 6-1967 trở đi, địch đã dùng bom từ trường thay thế thủy lôi. Đồng thời chúng đã mở chiến dịch đánh phá phong tỏa cảng Hải Phòng bằng máy bay, kết hợp rải hàng nghìn bom từ trường trên các luồng sông, cửa biển, bến phà… tạo thành vành đai ngăn chặn các phương tiện vận chuyển đường thủy. Hải quân với kinh nghiệm mò tìm, phát hiện, trục vớt đã tháo gỡ ở Nhật Lệ, sông Gianh, sông Mã…, nhanh chóng tháo được đầu nổ bom từ trường DST36 ở Hải Phòng, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu để sản xuất các loại khí tài rà, phá bom từ trường, cùng với quân và dân các địa phương nhanh chóng giải tỏa luồng lạch, bến cảng…
 
Để chủ động đối phó với những âm mưu mới của địch, lực lượng chống phong tỏa của Hải quân ngày càng được tăng cường. Ngoài lực lượng Công binh Hải quân, các đoàn tàu và các đơn vị khác trong Quân chủng Hải quân đều tổ chức các đội chuyên trách rà phá thủy lôi, bom từ trường được huấn luyện chuyên môn kỹ thuật, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Công binh, Cục vận tải biển. Ta đã chuẩn bị chu đáo và chủ động đề xuất, phối hợp với các lực lượng khác tiến hành trục vớt tháo gỡ được các loại MK50, MK52, DST36, phá nổ hàng nghìn quả, nghiên cứu sản xuất các dụng cụ phóng từ như HT1, HT2, HT5, PD67, HDL4 và ca-nô phóng từ KCN.
 
Với khí thế ra quân “Xả thân vì nước”, trong 24 giờ khi có lệnh mở luồng, các lực lượng Hải quân đã quét sạch thủy lôi và bom TN, giải phóng luồng ra vào cảng Hải Phòng. Hải quân cũng kịp thời biên soạn tài liệu về thủy lôi và bom từ trường, hướng dẫn kỹ thuật chống phá, tổ chức quan sát, tổ chức huấn luyện cho các lực lượng vũ trang, nửa vũ trang của các địa phương làm nhiệm vụ chống phong tỏa bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ.
D
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 Hải quân đón nhận lẵng hoa Bác Tôn tặng, năm 1970. (Ảnh: T.L)
Đầu năm 1972, Ních-xơn vội vã huy động không quân, hải quân tổ chức Đội đặc nhiệm số 11, mở chiến dịch ném bom, rải mìn ồ ạt mở màn lúc 7 giờ 30 ngày 9-5-1972. Rải mìn xong, Ních-xơn công bố thời gian an toàn của thủy lôi là 3 ngày để thúc giục tàu nước ngoài đang bốc dỡ hàng tại Hải Phòng phải nhanh chóng rời cảng. Ngày 11-5-1972, máy bay Mỹ tiếp tục rải mìn bịt luồng ra vào các cảng Hồng Gai, Cẩm Phả, các cửa sông và vùng ven biển miền Bắc nước ta. Từ ngày 9-5-1972 đến tháng 1-1973 địch đã thả ở 8 tỉnh, thành miền Bắc với 166 điểm, gồm hàng vạn quả bom từ trường, thủy lôi, mìn các loại; diện tích bị phong tỏa ở các khu vực trọng điểm gần 478 km, suốt từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Cửa Tùng, Cửa Việt…
 
Do việc tổ chức quan sát tốt, gồm hệ thống ra-đa của Hải quân, các trạm quan sát phòng không, nhất là các tổ quan sát thủy lôi của lực lượng vũ trang và nửa vũ trang ven biển đã được Quân chủng Hải quân huấn luyện, trang bị khí tài, cách đánh dấu và hệ thống báo cáo từ dưới lên trên, vì vậy sau khi địch thả 3 ngày, chúng ta đã có trong tay những số liệu tin cậy. Quân chủng Hải quân tổ chức rà quét thí điểm ở cửa Nam Triệu. Đoàn tàu 171 làm nhiệm vụ chủ trì hiệp đồng các lực lượng, chỉ sau hai ngày chuẩn bị, Đoàn đã ra quân thực hiện kế hoạch tốt.
 
Với kinh nghiệm sẵn có, Công binh, Hải quân nhanh chóng tháo được hai quả MK52 ở đảo Đình Vũ, kịp thời nghiên cứu và tìm cách chống phá loại vũ khí mới này của địch. Trong thời gian nghiên cứu và sản xuất dụng cụ rà phá, ta đã dùng biện pháp kích nổ để phá hoại thủy lôi âm thanh áp suất (ta phán đoán địch đã thả tổng hợp nhiều loại để gây khó khăn cho ta trong việc rà phá). Thực hiện chủ trương này, ta dùng ca-nô thả bộc phá, kích nổ ở phao số 17 luồng Nam Triệu lúc 8 giờ ngày 19-5-1972 và sau đó ta dùng 6 tàu thả bom chìm, kích nổ, đồng thời dùng máy bay AN2 rải bộc phá, kích nổ. Các phương tiện trên đã kích nổ hàng trăm thủy lôi địch đã thả.
 
Qua thực tế ta thấy ở cửa Nam Triệu, phần lớn địch dùng MK52, MODO và MK35 MODO, có độ nhạy cực bé để đánh các tàu vận tải trên 1.000 tấn, nên các thiết bị quét lôi cũ đều không kết quả. Theo quyết định của Bộ Tư lệnh Hải quân, bộ phận nghiên cứu rà phá thủy lôi mới lập tức được thành lập, làm việc suốt ngày đêm.
 
Được sự giúp đỡ của trên và sự chi viện của Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Duyên Hải, sau khi thí nghiệm thành công, các tàu của đoàn 171 được trang bị phương tiện quét lôi mới. Hồi 19 giờ 30 ngày 15-6-1972, tàu đã phá nổ được loại MK52 ở phao số 24 Hoàng Châu. Tiếp đó, các tàu khác cũng được trang bị một bộ phận quét lôi khác. Tuy loại này phá nổ được loại MK52, nhưng khó cơ động trong luồng hẹp, nước chảy xiết và thao tác khá phức tạp trong đêm tối. Vì vậy, sau khi cải tiến, một số tàu nữa được trang bị bộ phận quét lôi phù hợp hơn. Như vậy, sau một thời gian ngắn ta đã có một đội tàu rà phá MK52 và một số ca-nô, xuống lắp dụng cụ phóng từ để phá bom từ trường DST36 và MK52.
 
Ngày 27-8-1972, địch lại rải hàng trăm quả bom từ trường, bịt luồng  Lạch Huyện, Quả Xoài là đầu mối quan trọng của tàu thuyền vận tải lúc bấy giờ. Nhưng lực lượng rà quét của Hải quân phối hợp với các lực lượng vũ trang Quân khu, Cục vận tải biển và các địa phương tập trung rà phá, ngày 3-9-1972 ta lại khai thông luồng này.
 
Sau một thời gian mở rộng chiến tranh với những hành động quân sự liều lĩnh, nhưng không có kết quả. Ngày 20-10-1972 đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố “tụt thang”, đánh phá từ vĩ tuyến 20 trở vào. Nắm lấy thời cơ đó, Quân chủng Hải quân huy động toàn bộ các tàu cùng với các lực lượng khác rà phá, chia ô, khoanh vùng, rà quét có trọng điểm ở các luồng lạch Hải phòng, Quảng Ninh. Đoàn tàu 171 dùng tàu phóng từ cực mạnh rà quét luồng Nam Triệu và vùng phụ cận. Đoàn tàu 172 dùng loại phóng từ nhẹ rà quét luồng Hồng Gai và một số khu vực trọng điểm trong vịnh Hạ Long. Đoàn tàu 126 và Trường Sĩ quan Hải quân dùng loại phóng từ nhẹ rà quét khu vực trọng điểm Bái Tử Long và luồng vào cảng Cẩm Phả. Sau bốn ngày đêm liên tục rà quét, đến 14 giờ ngày 24-10-1972, ta đã khai thông cửa Nam Triệu cho loại tàu có trọng tải dưới 400 tấn đi lại an toàn.
(Còn nữa)
Tô Phương

* Tác giả theo nguồn tài liệu lấy từ bài viết “Đánh thắng phong tỏa bằng thủy lôi của giặc Mỹ” của Trung tá Lê Nga đăng trên Tạp chí Hải quân số đặc biệt Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 - 7-5-1985) và TTXVN.

Ý kiến bạn đọc