(Nhân 570 năm ngày sinh của vua Lê Thánh Tông 20-7-1442 – 20-7-2012)
Vua Lê Thánh Tông với tình yêu và chủ quyền biển đảo
Lê Thánh Tông (1442-1497), là một trong những bậc minh quân, là nhân vật lớn, toàn năng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông là người đóng vai trò quan trọng đưa đất nước đi vào ổn định, kỷ cương bằng việc kết hợp hài hòa lễ trị và pháp trị. Ông có tầm nhìn chiến lược khi một mặt giữ vững cương thổ phía Bắc, mặt khác mở mang lãnh thổ xuống phía Nam, nâng cao vị thế Đại Việt. Có thể nói, ông là một trong những nhà vua dưới các triều đại phong kiến nước Việt xưa có tình yêu và ý thức về chủ quyền biển đảo rất lớn, rất sâu sắc, rất đáng trân trọng, tự hào.
Tượng vua Lê Thánh Tông được thờ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: T.L |
Vua Lê Thánh Tông là vị hoàng đế yêu thiên nhiên đất nước và chủ quyền biển đảo đến tận cùng. Ông là người đã thực hiện trọn được chí khí: Một phân núi, một tấc sông của cha ông cũng không thể mất! Vì tình yêu đến tột cùng đó nên ông thường có các chuyến đi kinh lý, thị sát các địa phương; đi đánh dẹp giặc ở phương xa để bảo vệ và mở rộng lãnh thổ chủ quyền, trong đó có cả những vùng lãnh hải thiêng liêng. Ở những nơi đặt chân đến, ông thường lưu lại những áng thơ, văn bất hủ. Đến bây giờ, qua lần giở những trang cảo thơm sử cũ, ta có thể nhận thấy ông là một vị hoàng đế thi sĩ luôn có những chuyến vi hành, tuần thú để tìm hiểu thực chất đời sống của người dân và nhất là tìm cách giữ vững bờ cõi và sự bình yên ở các vùng biên cương Tổ quốc. Những chuyến đi đó, nhất là những chuyến đi về với mọi miền biển đảo, ông đều để lại những dấu ấn đặc biệt của mình, đó là những vần thơ đầy cảm xúc trước những vẻ đẹp hùng vĩ của trời nước bao la.
Khi mới lên ngôi vua được 8 năm, cũng là lúc vua Lê Thánh Tông bước sang tuổi 26, vào: “Tháng hai, mùa xuân, năm Quang Thuận thứ 9 (1468), ông chỉ huy sáu quân duyệt võ trên sông Bạch Đằng. Hôm ấy gió hòa cảnh đẹp, biển không nổi sóng, ông vượt qua Hoàng Hải, đi tuần An Bang, đóng quân dưới núi Truyền Đăng (tức núi Bài Thơ), bèn mài đá đề một bài thơ: Ngự chế Thiên Nam động chủ đề (Vua Thiên Nam động chủ đề), với lời dịch của nhà thơ Trần Nhuận Minh : “Nhận nước trăm năm sóng cuộn đầy/ Núi bày cờ thế, biếc liền mây/ Xưa theo người khác luôn bền chí/ Giờ đã tung hoành một chớp tay/ Đế chủ điệp trùng quân hổ mạnh/ Hải Đông đã tắt khói lang bay/ Trời Nam muôn thuở non sông vững/ Yển vũ tu văn dựng nước này”. Cũng tại Quảng Ninh, khi nhà vua tuần thú cửa cảng Vân Đồn, những nét đẹp hoang sơ của biển cùng với những tiếng cười nói của những thiếu nữ Vân Đồn trên bờ biển đã làm cho vị vua thi sĩ tràn dâng những nỗi xúc động. Và thế là, tiếng cười của những cô thiếu nữ vùng biển đảo Vân Đồn đã theo lời thơ của nhà vua đọng lại mãi suốt nửa thiên niên kỷ qua: “Bến sông mát mẻ ánh hồng soi/ Thuyền lướt muôn non lẫn ráng trời/ Cô gái bờ xa cười náo nhiệt/ Đầu thuyền gió thổi chẳng nghe lời” (Cửa cảng Vân Đồn - lời dịch : Hải Anh). Rồi trong một lần đi tuần phía đông qua đất An Lão (Hải Phòng), ông cũng đã có những vần thơ như có cánh : “Dặm ngàn xa cách mấy non sông/ Gió đẩy thuyền xuôi thuận một dòng/ Bóng xế long lanh làn sóng nước/ Mây bay êm dịu mối tơ lòng/ Úa vàng cây cối mùa sương lạnh/ Mờ mịt đồng dâu lớp khói lồng/ Núi bể mênh mông nhìn đã khắp/ Màu xanh lồng lộng khoảng trời không” (Đi tuần phía đông qua xứ An Lão). Từ đây, trong khoảng thời gian từ khoảng năm 1469-1470 trở đi, trong dịp thân chinh đi chinh phục Chiêm Thành, từ cửa biển Thần Phù (Thanh Hóa) tới cửa Thị Nại (Bình Định), nhà vua đã đi qua 39 cửa bể như lời tâm sự của nhà vua trong Thần Phù hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa biển Thần Phù): “Len mây lách hẻm lối quanh co/ Chinh chiến xa xôi lại phất cờ/ Đất mở sông kia vào nước thượng/ Trời đem cột đó chắn giòng to/ Hồ Vương công cốc khuân bao đá/ La Viện tênh tênh cưỡi chiếc đò/ Cửa bể còn qua Ba Chín nữa/ Ngày nào bấm đốt tới châu Ô ?” (Á Nam dịch).
Cũng tại tỉnh Thanh, khi đến cửa biển Giáp (còn gọi là cửa Hàn) ở huyện Quảng Xương, vua lại viết bài Giáp hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa biển Giáp): “Pha lê muôn khoảnh biếc chùm/ Thênh thênh bầu ngọc, cánh buồn giương cao/ Đen trời, mưa đón thủy trào/ Gió đưa thuyền, trút lạnh vào lòng khơi/ Muối Khang Lạc, tuyết chiều rơi/ Hào Môn, trăng lụa giữa trời treo cung/ Về đâu, lòng những bâng khuâng/ Dựa bầu không, mặc cánh hồng vút trôi” (Ngô Linh Ngọc dịch). Đến đất Quỳnh Lưu của xứ Nghệ, tuần thú cửa biển Càn (thời Trần kiêng húy đổi là cửa biển Cần-tức Cửa Cờn), nhà vua khi nghe kể về tích của cửa biển đã rưng rưng xúc động : “Thuyền hoa mặt sóng dạo chơi/ Đầu sông Cần Hải, nhớ nơi ghé vào/ Hào trời xây, sóng bạc gào/ Bình phong đá dựng, núi cao trập trùng/ Sóng cuồng tỉnh mộng Anh Tông/ Ngôi đền Thánh Nữ vẫn nồng khói hương/ Ơn vua, tiếng trẻ hát vang/ Thái bình cõi vắng, đất hoang cũng mừng” (Nghỉ lại ở cửa biền Càn-Ngô Linh Ngọc dịch). Vượt Đèo Ngang, nhà vua ghé Roòn, tức cảnh làm bài thơ “Nghỉ lại ở cửa biển Di Luân”: “Tây Hoành Sơn thấy rõ Di Luân/ Cát trải mênh mông tiếp biển gần/ Sóng nước đá nhô xây trạm dịch/ Gió sông sóng dựng lập đồn quan/ Muối Tề sân phố mời thương khách/ Rượu Lỗ quầy bàn tiếp thị dân/ Muốn nhắn Ma Cô nhờ hỏi giúp/ Bụi trần Nam Hải có xua tan” (Lời dịch : Trần Châu Báu). Vượt trùng khơi, đến cửa biển Tư Dung (Huế), ông đã để lại bài thơ mang khẩu khí của một bậc đế vương : “Cả mối cơ đồ một cõi chung/ Về Nam địa giới Hải Vân giăng/ Ba canh trăng tĩnh Đồng Long rạng/ Năm tiếng trống lành Lộ Hạc rung/ Đất ải man di này liệu nộp/ Biên quan trấn giữ đã lo xong/ Thân kia bảo mạng nào may mắn/ Vọng tưởng Ban Siêu ở Tây vùng” (Nghỉ chân ở cửa biển Tư Dung-Lời dịch: Hải Trung).
Ở rất nhiều bài thơ khác, nhà vua đã bộc bạch hết những thú vị, những bổ ích của các chuyến đi xa, nhất là những chuyến đi được gắn bó với thiên nhiên, với biển đảo và đất trời lồng lộng, với “Muôn dặm trời xanh tầm mắt rộng/ Bốn mùa cảnh đẹp hứng thơ reo”. Lê Thánh Tông, một bậc “Quân minh thần lương” (Vua sáng tôi hiền) đã lưu danh sử sách là một vị vua đi nhiều, làm thơ nhiều với những vần thơ về biển đảo quê hương như còn neo đậu lòng người : “Núi ôm lòng biển, biển xa mờ/ Bố Chánh, bờ biên, cõi vắng xưa/ Làng xóm ven sông, tranh lợp mái/ Cửa quan đầu bến, trúc thay cờ …” (Bố Chánh hải môn lữ thứ - Nghỉ lại ở cửa biển Bố Chánh).
TLTK: Tổng tập thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, NXB Văn học, 2003.
Nguyễn Viết Chính
Ý kiến bạn đọc