Multimedia Đọc Báo in

Vua Minh Mệnh với việc nông nghiệp nước nhà

14:42, 16/12/2012

“Dĩ nông vi bản” - bốn chữ này đã theo vua Minh Mệnh trong suốt thời kỳ trị vì của mình (1820-1840). Trong từng ấy năm vua đã có nhiều chính sách liên quan đến nông nghiệp nước nhà.

Sách Minh Mệnh chính yếu (bản chữ Hán) có ghi chép lại rằng, khi trị vì ngôi vương, vua Minh Mệnh thường sai sứ chia nhau đi về các ấp, huyện ở Trung kỳ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận xem xét mùa màng về tâu lại cho vua biết. Bên cạnh đó vua Minh Mệnh biết được từ Nghệ An trở ra Bắc lâu không có mưa, vua cũng sai sứ đi đến các địa phương quan sát tình hình nghề nông, và xuống dụ sai các quan sở tại kính cẩn cầu đảo để có mưa. Có một lần đang lúc vụ mùa lại được mưa, vua Minh Mệnh lúc đó rất vui mừng vì kinh thành được mưa, tuy nhiên vua lại không biết tình hình ở các địa phương khác ra sao nên đã sai người đi dò hỏi…

Khi tỉnh Khánh Hòa bị hạn lâu ngày nhưng bề tôi ở đó không tâu lên, đợi mãi khi có mưa rồi mới tâu, vua Minh Mệnh đã trách rằng: “Các ngươi chức phận cầm đầu một tỉnh, mỗi khi gặp hạn hán thì nên lập tức phi tâu về triều và chân thành cầu đảo, mong sớm hưởng được mưa lành, cứu được lúa mùa bị hạn hán, vậy mà để mấy tháng trời không mưa, mới trở lại chọn ngày cầu đảo. Sau đó được mưa rồi mới tâu lên, tỏ ra không chăm lo việc dân vậy thời trách nhiệm làm quan có nhiệm vụ chăm sóc cho dân, lo lắng cho dân các ngươi để đâu? Nay thì tha tội cho, nhưng về sau không nên tái phạm”. Qua đoạn trách phạt của vua Minh Mệnh có thể thấy rằng vua rất sát sao với công tác nông nghiệp, dù cho là ở các tỉnh xa xôi như ở miền Bắc hay các địa phương gần ở kinh thành cũng đều được vua quan tâm, lo lắng.

Khi đê Sài Quật ở Hưng Yên bị vỡ, vua đã làm bài thơ để ghi nhớ và sai các quan khắc phục ngay. Trong sách Ngự chế thi (bản chữ Hán) ghi chép rằng: Năm ngoái Hưng Yên bị ngập nước/ Tìm lại công tích vua Vũ khơi dòng mới được thông suốt/ Mùa hạ nước lớn may mắn không bị tràn bờ/ Đồng lớn được mùa làm cho lòng trẫm yên ổn. Bài thơ đã ghi lại tâm trạng của Minh Mệnh khi đã khắc phục được sự cố vỡ đê và mùa màng năm sau sẽ bội thu hơn năm trước. Ngoài ra vua Minh Mệnh còn đích thân xem bản đồ nhiều địa phương để cho đào kênh rạch dẫn nước tưới tiêu như cho đào kênh Vĩnh Tế ở An Giang, đào sông Lợi Nông ở Huế, sông Vĩnh Định ở Quảng Trị, sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam…

Khi nghe tin tổng đốc Hải Dương báo cáo tình hình nông nghiệp của địa phương, Minh Mệnh rất vui và nói rằng, Hải Dương là mảnh đất người đông, đất nhiều, là vựa thóc lớn của dân chúng; được mùa xóm làng vui vẻ, không có trộm cắp… Nhân sự kiện này vua làm một bài thơ về việc được mùa ở Hải Dương:

Là tỉnh nằm ở phía đông người nhiều đất cũng nhiều.

Kho lẫm chứa thóc hàng ngàn hàng vạn để mừng cho nhà nông.

Năm được mùa hết trộm cắp, làng xóm yên vui

Đều dựa vào trời đất ban cho khí hậu điều hòa.

Vua coi trọng việc nông tang của nước nhà đến mức ngay cả trên lăng của mình cũng cho khắc nhiều bài thơ liên quan đến cây lúa.

Vụ thu thóc đã đầy kho

Mùa hạ lại tốt lúa ngô bời bời

Không lo đi lính thêm vui

Say sưa đập đất ca bài nhà nông

Vua thường ngự thuyền qua sông để đi xem nhân dân gặt lúa và hay nói chuyện với người dân về mùa màng. Khi ấy, dân sợ nói lúa tốt sẽ bị triều đình bắt nộp nhiều thuế, vua trấn an rằng: “Trẫm vì dân mà lo việc nông, gặp năm được mùa thời mừng, chứ không phải nhân thấy được mùa mà gia tăng thuế khóa đâu. Nay trẫm hỏi mà không lấy sự thật tâu cho trẫm biết, há không phụ lòng tốt của trẫm hay sao? ”. Khi vua hỏi đến các vị kỳ lão họ đều tâu rằng đã sống đến 70 tuổi chưa từng thấy lúa tốt như ngày nay. Vua khen họ thật thà và ban cho tiền thưởng.

Khi đi tuần xem xét công việc đồng áng gặp cơn gió bấc nổi lên vua liền triệu đình thần rằng: “Nay lúa vừa mới trổ bông mà gió bấc lạnh lùng như thế trẫm lấy làm lo. Vậy nhà ngươi nên quan sát lại mùa màng có bị tổn hại gì không? Sở dĩ trẫm đêm ngày lo lắng như thế không phải là muốn chuộng tiếng tốt, mà chính là nghĩ đến dân ta quanh năm cần cù khổ nhọc, nếu không may đến mùa không gặt lúa được, thời không khỏi đói rét vậy”.

Khi gặp năm hạn vua tự mình lên đàn Xã Tắc thành khẩn cầu đảo. Đến đêm ấy được mưa, ngày tiếp theo lại mưa nữa, đất khô thấm được mấy tấc. Vua còn ngại chưa mưa được nhiều, ruộng vườn thấm nhuần chưa được đầy đủ, vua lại lệnh cho Phủ doãn Thừa Thiên cầu đảo tại miếu Hội Đồng. Được mưa lớn, năm ấy mùa màng tốt tươi; vua rất vui mừng.

Vua Minh Mệnh cũng tự mình đến cày ruộng tịch điền để làm gương cho nhân dân bách tính, khuyến khích việc nông tang. Người đứng đầu đất nước tham gia canh điền với nhân dân đã góp phần cổ súy không nhỏ đến ý thức của nhân dân. Đó cũng là cái dụng tâm lớn lao của vua Minh Mệnh, một vị vua hết lòng lo cho dân.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.