Tình bạn cảm động giữa Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu
(Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh 1-1-1914 – 1-1-2014)
Nhà thơ Trương Nguyên Kiệt từng viết trong bài thơ “Tâm sự sông Bồ”: “Bên này sông có một người chiến sĩ/ Bên kia sông có một người thi sĩ/ Sông Bồ ơi bốn mùa nước xanh trong/ Đất của thi nhân, đất của anh hùng…”. Đó là những lời thơ về đôi bạn tài hoa hiếm có của mảnh đất Quảng Thọ, Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế): Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu.
Nhà báo Đình Nam trong một bài viết của mình đã khẳng định rằng: “Chính nhà thơ Tố Hữu, trong hồi ký “Nhớ lại một thời” (NXB Hội Nhà văn, 2000), đã kể lại một chuyện “chết cười” về việc những năm đầu tham gia hoạt động cách mạng, nghe tin ở làng Niêm Phò “có anh nông dân khí khái, dám đấu tranh với cường hào”, chàng trai tuổi chưa đến đôi mươi là ông khi ấy đã lân la sang làm quen với ý hướng định “tuyên truyền giác ngộ” cho “anh nông dân”. Ai ngờ sau đó, qua sự giới thiệu của tổ chức, ông mới té ngửa rằng “anh nông dân” Nguyễn Chí Thanh là “thượng cấp” của ông, và đang giữ cương vị... Bí thư Tỉnh ủy”. Có thể nói, ngay từ những năm tháng đầu tiên bước vào hoạt động cách mạng, cả hai người đã trở thành đôi bạn chí thiết của nhau. Lúc còn tham gia hoạt động cách mạng ở làng quê, người thanh niên nông dân chất phác Nguyễn Vịnh (tên của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lúc bấy giờ) đã thầm yêu trộm nhớ một người con gái đẹp người, đẹp nết ở xã Nam Dương. Chưa kịp ngỏ lời yêu thương thì Nguyễn Vịnh bị địch bắt. Ông bị tuyên án hai năm tù cấm cố và đưa về giam ở lao Thừa Phủ (Huế). Trong lao tù, ông gặp lại người bạn làng bên (nhà thơ Tố Hữu ở làng Tân Xuân Lai - còn Nguyễn Vịnh ở làng Niêm Phò). Thấu hiểu được tâm tư của bạn, nhà thơ Tố Hữu đã chấp bút viết bài “Nhớ đồng”: “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò/…/ Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh/ Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi !/…/ Đâu dáng hình quen đâu cả rồi/ Mà sao cách biệt quá xa xôi/ Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ…”. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đôi bạn làng quê Quảng Thọ đã trở thành những người lãnh đạo đầy tài hoa của Đảng và Nhà nước ta.
Vào khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ 20, trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ác liệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao phó trọng trách vào lãnh đạo trực tiếp chiến trường miền Nam. Đầu tháng 9-1964, Đại tướng lên đường thực thi nhiệm vụ hết sức thiêng liêng và cao cả đó. Tiễn đưa Đại tướng lên đường có nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Nhà thơ Tố Hữu cũng có mặt và ghi lại kỷ niệm này trong bài thơ “Tiễn đưa”: “Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường/ Nặng tình đồng chí lại đồng hương!/ Đã hay đâu cũng say tiền tuyến/ Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường!/ Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương/ Đi đi, non nước chờ anh đó!/ Tiền tuyến cần thêm, có hậu phương”… Ở chiến trường miền Nam, ở đâu có mặt Đại tướng là ở đó khí thế cách mạng trào dâng. Đặc biệt thời gian này, từ một khẩu lệnh của một tiểu đội trưởng, Đại tướng đã có chỉ thị cho chiến trường toàn miền thực hiện phương châm : “Bám thắt lưng địch mà đánh!”. Mùa hè năm 1967, Đại tướng ra Hà Nội và báo cáo với Bác Hồ tình hình chiến trường miền Nam và nhận chỉ thị của Bác, của Trung ương Đảng cho phong trào cách mạng miền Nam. Trước khi lên đường vào Nam, một chiều tháng 7-1967, Đại tướng đến thăm nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu nhớ lại: “Anh đến thăm tôi để mai lên đường vào Nam, chuẩn bị cho cuộc tiến công vào dịp tết Mậu Thân 1968. Chúng tôi trò chuyện cùng nhau, khấp khởi mừng vì chiến công lớn sắp đến. Ngờ đâu, quá nửa đêm bỗng tin anh Thanh ốm nặng phải vào viện cấp cứu, và sáng hôm sau anh đã ra đi vĩnh viễn. Thật là quá đau xót, một tổn thất quá lớn của Đảng, của nhân dân trong tình huống cuộc kháng chiến ác liệt đang trên đà chiến thắng. Riêng tôi, mất anh là mất một đồng chí vô cùng thân thiết, một người bạn chí tình hiếm có” (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-NXB Thuận Hóa, Huế 1997). Quá thương tiếc và đau buồn, nhà thơ Tố Hữu đã xúc động thổ lộ tiếng lòng mình qua bài thơ “Một con người” : “Anh Thanh ơi! Anh mất thật rồi sao?/ Mới hôm qua câu chuyện ra vào/ Anh hăm hở như cờ lên mặt trận/ Giọng say sưa như gió thổi ào ào…/ Tưởng lại đưa anh ra chiến trường/ Đường về vó ngựa thẳng dây cương/ Ngày mai ai biết… chiều nay phải/ Vĩnh biệt Anh nằm dưới bóng dương!/ Có lẽ trong Anh nóng quá chừng/ Đêm ngày quên gánh nặng trên lưng/ Ra đi … bao nỗi mừng vui ấy/ Ngập trái tim anh … mạch máu ngừng”. Bài thơ khắc họa một cách sâu sắc phẩm chất đạo đức trong sáng của người con quê hương Quảng Thọ, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, xuất sắc và lỗi lạc của dân tộc, một con người giản dị, hết lòng vì nước, vì dân: “Cứ nghĩ như Anh vẫn sống hoài/ Mặt hiền như ruộng lúa nương khoai/ Hai con mắt đỏ bừng như lửa/ Cái miệng cười tươi sáng dặm dài/ Ở đâu nghèo đói gọi xung phong/ Lon nước mo cơm, lội khắp đồng/ Ở đâu tiền tuyến kêu Anh đến/ Vượt núi băng rừng lại tiến công!”. Bài thơ xót thương mà không bi lụy: “Tôi chẳng buồn đâu, chỉ nhớ Anh/ Mắt không muốn khóc lệ vòng quanh/ Nước non đau xót như lòng mẹ/ Mất một con người: Nguyễn Chí Thanh”. Thậm chí, nói theo cách nói của ông Xuân Tùng (Đại học Huế) thì bài thơ lại được kết thúc bằng “nụ cười tươi” của nhân vật trữ tình: “Anh vẫn là anh những sớm trưa/ Của quê hương dãi nắng dầm mưa/ Đẩy cày cách mạng vai không mỏi/ Gặt mấy mùa vui,vẫn muối dưa / Ôi! Sống như Anh sống trọn đời/ Sáng trong như ngọc, một con người/ Thanh ơi! Anh mất rồi chăng đấy?/ Cứ thấy như Anh nở miệng cười”. Như lời tâm tình của cố nhà thơ Tố Hữu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất đi, tấm lòng mỗi một người con dân đất Việt như đắng ngắt. Họ như nghe thấy lòng mình “mắt không muốn khóc, lệ vòng quanh”. Đánh giá công đức to lớn của Đại tướng đối với Tổ quốc, với nhân dân, trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu Đại tướng được tổ chức vào ngày 9-7-1967, tại Hà Nội, có đoạn viết: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ trần là một tổn thất rất to lớn của Đảng, Quân đội và Nhân dân ta. Đảng ta mất đi một đồng chí lãnh đạo trung thành, lỗi lạc. Quân đội ta mất một vị tướng lĩnh chỉ huy mưu lược, tài trí, một người đồng chí dũng cảm cương quyết. Nhân dân ta mất một người con ưu tú, một nhà lãnh đạo xuất sắc”.
Thật cảm động tình bạn thắm thiết giữa đôi bạn chí tình bên dòng sông Bồ quê hương được khắc họa trong những câu thơ: “Họ đã đi từ những năm rất trẻ/ Một con đường chiến đấu cho quê hương/ Kìm kẹp, lao tù, đạn bom, cái chết/ Những trái tim cộng sản kiên cường/ Họ ra đi mang dòng sông trong tim/ Sông Bồ xanh câu hát ngã ba Sình/ Những Việt Bắc mù xa, những chiến hào nóng bỏng/ Những Cửu Long tiếng hò lay động/ Sóng xôn xao có tiếng sóng sông Bồ/ Họ đã đi suốt cuộc đời không nghỉ/ Như dòng sông chảy mãi cùng tháng năm/ Đôi bạn ấy cùng đi vào lịch sử/ Những danh tướng và người thi sĩ/ Những con người làm rạng rỡ quê hương” (Tâm sự sông Bồ - Trương Nguyên Kiệt).
Nguyễn Viết Chính
Ý kiến bạn đọc