Multimedia Đọc Báo in

NHỮNG NĂM NGỌ TRONG CUỘC ĐỜI BÁC HỒ

09:37, 30/01/2014

Năm Ngọ đã để lại những dấu son chói lọi trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi đầy gian khổ, hy sinh, vô cùng oanh liệt, sáng ngời nhân cách và tài năng của một vĩ nhân: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.  Đó đồng thời cũng là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử của dân tộc.

Năm Giáp Ngọ (1894). Nguyễn Sinh Cung mới 4 tuổi, ông thân sinh - Nguyễn Sinh Huy - đậu cử nhân, khoa thi Giáp Ngọ năm Thành Thái thứ 6 tại trường thi Nghệ An.

Năm Bính Ngọ (1906). Cung 16 tuổi, đã mang tên Nguyễn Tất Thành, cùng anh là Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế trong dịp ông Nguyễn Sinh Huy đến kinh đô nhậm chức. Tháng 9, Nguyễn Tất Thành vào học lớp sơ đẳng (élémentaire) Trường tiểu học Đông Ba (Huế).

Năm Mậu Ngọ (1918). Từ nước Anh trở về nước Pháp khoảng cuối năm trước, Nguyễn Tất Thành, chàng thanh niên 28 tuổi, đã trưởng thành như một nhà hoạt động chính trị, bước đầu có chính kiến riêng của mình so với những nhà yêu nước Việt Nam đương thời. Bọn mật thám Pháp theo dõi gắt gao mọi hoạt động của anh. Bộ thuộc địa Pháp đã gấp rút cử một nhân viên điều tra “về con người bí ẩn, một nhân vật mới xuất hiện trên chính trường Paris”. Theo bà Sophie Quinn - Judge (giáo sư đại học LSE London) viết trong cuốn Hồ Chí Minh: những năm tháng chưa được biết đến thì cảnh sát Pháp đã có những báo cáo rằng người thanh niên này mang tên là Nguyễn Ái Quốc bí ẩn “như là một người  trí thức và có kinh nghiệm xã hội bên cạnh hai ông họ Phan (chỉ Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường) chứ không phải là một chú bé ngây ngô… Còn Pierre Guesde, chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương căn cứ vào các báo cáo từ các điệp viên của ông ta đã cho thấy Quốc thực sự là một nhà hoạt động chính trị, một người tích cực đấu tranh cho quyền con người ở Việt Nam, một nhà hoạt động chính trị tâm huyết… Quốc thường xuyên liên hệ với các đại biểu có tinh thần dân tộc Ireland, Trung Quốc, Triều Tiên. Các bản báo cáo ghi lén được những cuộc nói chuyện của Quốc với bạn bè trong hội người Việt cho thấy anh nhận thức được rất rõ những vấn đề mà dân tộc anh đang phải hứng chịu. Quốc không đồng tình với Phan Chu Trinh khi ông này phản đối Phan Bội Châu về quan điểm đấu tranh bạo động nhưng anh lại đồng tình với Phan Chu Trinh - bậc tiền bối của mình - về phát triển kinh tế và giáo dục. Anh nhanh chóng rời bỏ Phan Chu Trinh về phương pháp yêu sách đòi nhân quyền một cách “nhẹ nhàng, từ từ bước, và bền bỉ…”. Bà Sophie Quinn-Judge cho rằng cần căn cứ vào “nhiều nguồn tài liệu cung cấp của Phòng Nhì Pháp để có một bức tranh khách quan về con người mà sau này là Hồ Chí Minh tại thời điểm mới đến Paris, sau đó lần ngược trở lại những năm tháng trước, từ khi anh rời Việt Nam năm 1911 đến khi anh xuất hiện dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc. Sau khi cân nhắc các bằng chứng, chúng tôi cho rằng cho tới thời điểm 1918-1919, ông Hồ đã là một nhà hoạt động chính trị có kinh nghiệm, và ông đã tích cực trong khoảng thời gian đó chuẩn bị cho vai trò của mình sau này trong công cuộc giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp” (1).

Chúng tôi cho rằng những ý kiến trên của bà giáo sư Sophie Quinn-Judge là khách quan, có căn cứ khoa học đáng tin cậy, góp phần vào nhận thức chính xác hơn về Hồ Chí Minh ở  thời  điểm này.

Năm Canh Ngọ (1930). Nguyễn Tất Thành khi ra đi là một thanh niên 21 tuổi (năm 1911), sau 29 năm bôn ba tìm đường cứu nước, nay trở về đã 40 tuổi, với cái tên Nguyễn Ái Quốc, Ủy viên Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế cộng sản, ngày 3-2-1930 đại diện của Quốc tế Cộng sản, đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành lập một Đảng thống nhất. 

Các văn kiện của Hội nghị hợp nhất (Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng) do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất nhất trí đã ghi đậm dấu ấn của nhà chính trị lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc. Các văn kiện đó thể hiện ở sự độc lập về tư duy lý luận, thấu hiểu tình hình thực tiễn của đất nước, tầm nhìn chiến lược và sự sáng suốt của các quyết sách chính trị, khả năng vượt trội trong phân tích các mâu thuẫn xã hội, giải quyết tài tình mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa  mục tiêu lý tưởng  lâu dài và những mục tiêu cụ thể. Do đó, có thể phân hóa, tranh thủ được các lực lượng trung lập, cô lập được kẻ thù chủ yếu, tập hợp lực lượng cách mạng, đoàn kết toàn dân tộc giành độc lập tự do. Thực tiễn đã chứng minh hùng hồn và khẳng định đó chính là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, một văn kiện chính trị là ngọn cờ tập hợp toàn dân tộc trong suốt quá trình đấu tranh phản đế, phản phong, giành và giữ vững chính quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Lịch sử bao giờ cũng có những bước thăng trầm, chân lý lớn cũng thường phải qua thời gian kiểm chứng với những thử thách ngặt nghèo. Lịch sử Đảng và lịch sử hiện đại của dân tộc sẽ mãi mãi ghi nhận mùa xuân năm Canh Ngọ (1930) mở đầu bằng những văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mang đậm dấu ấn của thiên tài Hồ Chí Minh là mùa xuân khởi đầu cho một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ cộng hòa; cho một thời đại mới: thời đại Hồ Chí Minh.

Năm Nhâm Ngọ (1942). Mở đầu năm này Nguyễn Ái Quốc cho đăng bài thơ chúc tết trên báo Việt Nam độc lập, tờ báo do Người sáng lập nhằm tuyên truyền cổ động toàn dân đoàn kết  đứng lên đánh đuổi kẻ thù, giành độc lập tự do cho xứ sở. Có lẽ đây là bài thơ chúc tết đầu tiên của Người, mở đầu cho một truyền thống văn hóa đẹp giàu bản sắc của Việt Nam - giờ phút thiêng liêng đón năm mới toàn dân náo nức nghe thơ chúc tết của Bác Hồ:

Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,

Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:

Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi;

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt Minh ta càng tấn tới,

Chúc toàn quốc ta trong năm này,

Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới” (2)

Nhằm thức tỉnh tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài khuyên mọi người Việt Nam nên học lịch sử dân tộc: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Với trí nhớ tuyệt vời, trong điều kiện ở rừng núi, không hề có nguồn tài liệu nào, Nguyễn Ái Quốc đã viết tác phẩm Lịch sử nước ta bằng hình thức văn vần, thể lục bát để dễ nhớ, dễ phổ cập trong nhân dân; các chú dẫn “Những năm quan trọng” của cuốn sách khá chính xác so với văn bản của hính sử, đặc biệt là đã có dự báo năm 1945 Việt Nam độc lập, đó là một trong nhiều sự kiện chứng tỏ khả năng dự báo chính trị tài tình của Nguyễn Ái Quốc.

Trong năm này Nguyễn Ái Quốc tập trung sức lực vào việc tuyên truyền, cổ động, xây dựng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của các tầng lớp nhân dân, xây dựng căn cứ cách mạng để chờ thời cơ nổi dậy giành chính quyền. 

Ngày 18-3-1942, với tên mới HỒ CHÍ MINH, Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng Minh. Nhưng ngày 27-8-1942, Hồ Chí Minh bị bọn Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắt, áp giải đi giam ở nhiều nhà tù tại tỉnh Quảng Tây. Trong lao tù khổ sai  Hồ Chí  Minh chỉ tức cảnh viết những dòng thơ cho khuây khỏa: “Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm sao đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm, vừa đợi đến ngày tự do” (3), không ngờ lại tạo thành tập thơ Nhật ký trong tù- một thi phẩm sánh ngang những tên tuổi bất hủ của Đường thi, Tống thi như nhận xét của đại văn hào Trung Hoa - ông Quách Mạt Nhược.

Năm Giáp Ngọ (1954). Năm này, đất nước ta có nhiều sự kiện quan trọng. Cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước bước sang một thời kỳ mới. Hồ Chủ tịch đã có những căn dặn, tới nay nhắc lại vẫn thấy rõ đó là những chỉ dẫn mang giá trị kinh điển. 

Đầu năm, chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, chỉ định cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch, điều động lực lượng lên Tây Bắc, Hồ Chủ tịch nói khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không thắng không đánh” (4). Một câu nói thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ về nhiều vấn đề: xác định nhiệm vụ chính trị; nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách; chọn cán bộ và tin dùng cán bộ.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã đồng thời bộc lộ phẩm chất của hai thiên tài: một của nhà chiến lược, lãnh tụ chính trị vĩ đại: Hồ Chí Minh, và một của vị tướng huyền thoại khi cầm quân: Võ Nguyên Giáp. 

Giữa năm, khi chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, nói về phương thức làm việc, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: Trong khi tiến hành công tác phải có sự “phân công rành mạch” nhưng lại phải có “phối hợp ăn khớp, chỉ đạo chặt chẽ” (5). Khi căn dặn cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong về tiếp quản Thủ đô, Hồ Chủ tịch dặn: “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (6).

Cuối năm, khi chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị thảo luận đề án khôi phục kinh tế, Hồ Chủ tịch đã ngợi khen tinh thần hăng hái của cán bộ nhưng phê bình tính “đại khái” của cán bộ các ngành; ngay cả Trung ương cũng chỉ lãnh đạo về đường lối, còn kỹ thuật, kế hoạch tổ chức cụ thể thì không biết. Để khắc phục tình trạng đó thì phải học, phải đào tạo. Về phương hướng phát triển kinh tế thì phải độc lập tự chủ, không nên giáo điều bắt chước, “làm trái với Liên Xô cũng là mác-xit (7).

Năm Bính Ngọ (1966). Đây là năm Ngọ cuối cùng của cuộc đời Bác Hồ. Năm này Bác Hồ đã 76 tuổi; sức khỏe có phần giảm sút. Nhưng ý chí đánh đuổi ngoại bang vẫn sôi nổi, kiên cường, sáng suốt và mềm dẻo. Người đã tuyên bố: “Chính phủ Mỹ gửi quân đội đến đây, bây giờ Mỹ phải đình chỉ xâm lược, như vậy vấn đề sẽ được giải quyết. Mỹ phải cút đi. Giônxơn miệng nói hòa bình nhưng tay lại ký lệnh điều động quân… nhân dân chúng tôi phải được yên ổn. Chúng tôi không muốn trở thành người chiến thắng. Chúng tôi muốn Mỹ cút đi. Dù Mỹ có tăng thêm quân bao nhiêu cũng không làm gì được chúng tôi. Nhân dân Việt Nam không sợ. Nếu đời chúng tôi không hoàn thành thì con cháu chúng tôi sẽ hoàn thành” (8).

Sau này chúng ta mới được biết rằng, cùng thời gian đó Bác kính yêu của chúng ta đã ngày đêm suy nghĩ, sửa chữa, bổ sung bản Di chúc lịch sử-một bản Di chúc như là Cương lĩnh xây dựng đất nước sau ngày thống nhất mà Người để lại cho Đảng, cho dân tộc ta.

[1]Theo bản dịch của Diên Vĩ và Hoài An, Diễn đàn www.x-cafevn.org

2 Hồ Chí Minh: toàn tập, t3, NXBCTQG, 1995, tr210.

3 Hồ Chí Minh: toàn tập, t3, NXBCTQG, 1995, tr266.

4Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 5, NXBCTQG, 1995, tr443.

5Sđd, t5,1995, tr508.

6 Sđd, tr533.

7Sđd, tr57

8 Sdd, t8, tr358

PGS. Trần Đình Huỳnh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.