Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong cảm hứng thơ ca
Trong tiến trình thơ Việt Nam từ 1945 đến nay, cảm hứng tự hào về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 luôn có một vị trí quan trọng với nhiều tác phẩm hay được tiếp nối qua các thời kỳ.
Ngay sau ngày 2-9-1945, trong niềm vui bất tận, Xuân Diệu nhanh chóng đến với thơ ca cách mạng và hân hoan chào đón nước Việt Nam mới bằng trường ca Ngọn quốc kỳ. Qua biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc được tập trung khắc họa, ông bày tỏ niềm vui sướng, hạnh phúc, nồng nhiệt trước sự “tái sinh” màu nhiệm của dân tộc bằng những vần thơ nồng nàn, say mê: “Gió reo! Gió reo! Gió Việt Nam reo!../Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!/Những ngực nén hít thở ngày độc lập/Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp” (Ngọn quốc kỳ).
Cách mạng Tháng Tám thành công, mùa thu năm 1945 đi vào lịch sử dân tộc với những ý nghĩa thiêng liêng nhất. Đó là mùa thu mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta, kỷ nguyên độc lập tự do và tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Bằng niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng của dân tộc, Thanh Hải viết: “Mùa thu từ năm đó/Mùa thu từ bắt đầu/Cho năm tháng mai sau/Cho những ngày rực rỡ” (Mùa thu ở Huế).
Cũng trong mùa thu độc lập đầu tiên, tại miền Nam, trong niềm xúc động nghẹn ngào trước sự thành công rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám và sự kiện các chiến sĩ cách mạng bị giam ở Côn Đảo được trở về đất liền, Bảo Định Giang có những vần thơ ngập tràn cảm xúc: “Tháng Tám mùa thu vui vận mới/Hai bờ Bảo Định rực cờ son” (Nhìn về quê ngoại).
Niềm vui độc lập đến quá bất ngờ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi như chưa thể tin vào mắt mình trước những đổi thay lớn lao của dân tộc. Một thoáng ngỡ ngàng để rồi vỡ òa hạnh phúc, tác giả của bài Đất nước viết: “Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay/Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say/Reo reo hò cờ rực rỡ đỏ ánh cây/Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy”.
Với Tố Hữu, cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng nước ta, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là luồng gió tươi mới thay đổi lớn lao vận mệnh dân tộc. Ông viết về ngày vui của cả nước bằng những vần thơ hào hứng, sôi nổi, ngất ngây: “Gió ơi gió! Hãy làm giông làm tố!/Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi !/Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác” (Huế Tháng Tám). Một năm sau, đúng vào ngày Tết Độc lập thứ hai của dân tộc, trong niềm vui bất tận, Tố Hữu có bài thơ Vui bất tuyệt chiêm nghiệm về tầm vóc thời đại của dân tộc trong cảm hứng tự hào: “Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử/Đêm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi/Ta đi đây với thế kỷ hai mươi/Mạch suối trẻ trong dòng người vô địch”.
Từ sau năm 1945, cảm hứng về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 vẫn luôn được kế tiếp. Sau độ lùi thời gian, những vần thơ về Tết Độc lập những năm trở lại đây mang nhiều sắc thái hơn. Vẫn là niềm tự hào, kiêu hãnh về ngày Quốc khánh thiêng liêng nhưng trong thơ còn có những sự chiêm nghiệm mới với giọng thơ có phần sâu lắng hơn. Đặc biệt, bên cạnh niềm vui ngày Độc lập, hình tượng Hồ Chủ tịch, vị Cha già của dân tộc cũng được khắc họa bằng những vần thơ thật đẹp.
Nhớ về ngày 2-9 đầu tiên, ta lại nhớ về Bác Hồ, nhớ đến công ơn trời bể của Người đối với dân tộc Việt Nam. An Nguyên thể hiện tình cảm ấy một cách đơn sơ mà đằm thắm của những câu thơ lục bát lắng sâu: “Hôm nay cả nước vui hơn/Mừng ngày Quốc khánh nhớ ơn Bác Hồ” (Mừng Quốc khánh).
Hình ảnh Bác Hồ giản dị mà trang nghiêm trong buổi lễ đọc Tuyên ngôn lịch sử năm xưa cũng được Thanh Đạm tái hiện lại một cách trang trọng trong một số bài thơ gần đây: “Lá cờ Tổ quốc bay cao/Mùng hai tháng Chín Bác chào toàn dân/Lời Bác như tiếng chuông ngân/Tuyên ngôn độc lập quốc dân đồng bào” (Bác Hồ).
Tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc là cảm hứng chủ đạo trong những bài thơ viết về ngày Quốc khánh. Ở đó, lịch sử nước nhà qua một mốc son trọng đại là ngày 2-9-1945 được thể hiện bằng những tình cảm trang trọng nhất. Đây là một trong những lý do khiến hầu hết các bài thơ viết về đề tài Quốc khánh đều chọn hình thức truyền thống. Chẳng hạn, trong bài Ngời trang lịch sử, Đức Chính đã chọn thể song thất lục bát để thể hiện cảm xúc của mình trong ngày Quốc khánh: “…Tuyên ngôn Bác đọc vang trời đất/Độc lập Người thề vọng núi sông/Tháng Tám chói ngời trang lịch sử/Ngàn năm xứng mãi với cha ông”.
Bảy mươi năm đã qua, nhưng cứ mỗi lần mùa thu về, trong ta lại ngập tràn nhiều cảm xúc. Ta sống lại những ngày mùa thu lịch sử năm xưa, nhớ lại cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, nhớ về công ơn của Đảng và của Bác Hồ kính yêu, về sự hy sinh của những anh hùng liệt sỹ cho Việt Nam được tự do độc lập, cho cuộc sống thanh bình như hôm nay. Đọc lại những vần thơ viết về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ta càng thêm tự hào về lịch sử dân tộc, về ngày tết Độc lập thiêng liêng của dân tộc ta.
Tư Hương
Ý kiến bạn đọc