Multimedia Đọc Báo in

Gặp những người lính một thuở "đi không dấu, nấu không khói …"

15:52, 15/02/2018

Được gặp gỡ, nghe những câu chuyện kể của các cựu chiến binh (CCB) thuộc Tiểu đoàn Đặc công 401 năm xưa, chúng tôi càng biết ơn những người đã đổ máu xương vì nền độc lập dân tộc và thêm trân trọng giá trị cuộc sống an bình hôm nay.

Chiến công trên đồi Núi lửa 

Theo Đại tá Nguyễn Văn Xích, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 401, ngày 7-11-1967, tại xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana), Tiểu đoàn Đặc công 401 được thành lập, với sự hợp nhất của 4 đơn vị: Đại đội Bộ binh 307, Đại đội 308 (Đặc công hóa), Đại đội Pháo binh 306 và Tiểu đoàn 401; có nhiệm vụ tiêu diệt và làm suy yếu sinh lực địch ở khu vực phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột. Với phương châm chiến đấu, “Lấy ít địch nhiều”, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, lính đặc công là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, sẵn sàng độc lập tác chiến hoặc phối hợp với lực lượng bộ binh, pháo binh tiến đánh kẻ thù, lập nên những chiến công hiển hách, khiến kẻ thù khiếp sợ. 

Cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 401 Anh hùng kết nối liên lạc ngày hội ngộ.
Cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 401 Anh hùng kết nối liên lạc ngày hội ngộ.

Một trong những kỷ niệm được Đại tá Nguyễn Văn Xích nhớ nhất là trận đánh ở đồi Núi Lửa khu căn cứ địa H5 (nay thuộc thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) năm 1970. Địch bố trí lực lượng hùng hậu, gồm 1 tiểu đoàn trên 500 quân, rải  nhiều tầng lớp bảo vệ, vũ khí trang bị tối tân, địch xem đây là pháo đài “bất khả xâm phạm”, án ngữ khu vực phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột, cắt đứt liên lạc giữa quân với dân của ta. 

Được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) giao nhiệm vụ, Tiểu đoàn Đặc công 401 đã lựa chọn những chiến sĩ ưu tú nhất do thủ trưởng Tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy tiến công cứ điểm này. Đêm 11 rạng sáng 12-5-1970, lực lượng của ta chia thành 2 mũi, hướng thứ nhất đánh trực diện vào sở chỉ huy địch, hướng thứ hai yểm trợ phía ngoài. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như nắm được “đường đi lối lại”, khi được lệnh, các chiến sĩ đồng loạt đánh từ trong ra ngoài, khiến địch không kịp trở tay, chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ, quân ta bắt gọn những tên cầm đầu, thu và đốt cháy nhiều vũ khí, cắm cờ trên nóc sở chỉ huy địch. 

Chiến thắng này buộc địch phải co cụm về thế phòng thủ, ta giành thế chủ động trong việc tiếp tế chi viện cho các lực lượng chiến đấu ở khu vực phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột.

Về đây đồng đội ơi!

Sau ngày đất nước thống nhất, do yêu cầu nhiệm vụ, Tiểu đoàn Đặc công 401 giải thể, những người lính đặc công có người công tác trong lực lượng quân đội, công an, chuyển sang cơ quan Nhà nước hoặc xuất ngũ trở về địa phương lao động, sản xuất nhưng vẫn giữ phẩm chất người lính Cụ Hồ. 

Lực lượng Đặc công diễu hành kỷ niệm ngày truyền thống.
Lực lượng Đặc công diễu hành kỷ niệm ngày truyền thống.

 

 
“Buổi gặp mặt thật sự có ý nghĩa, làm sống lại một quá khứ đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào trong mỗi chúng tôi. Nhờ cuộc hội ngộ này mà chúng tôi biết tin tức về đồng đội để cùng động viên, sẻ chia trong cuộc sống”.
CCB Nguyễn Xuân Quánh (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột)

 

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (7-11-1967 - 7-11-2017), tại huyện Cư M’gar, Ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công 401 đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Đắk Lắk. 50 năm trôi qua, những người lính năm xưa giờ tóc đã pha sương nhưng tình cảm dành cho nhau vẫn nồng ấm như thời trai trẻ. Những cái ôm, cái bắt tay thật chặt, giọt nước mắt tuôn rơi trên những gương mặt in đậm dấu thời gian như thay lời muốn nói về tình đồng chí, đồng đội cùng “vào sinh ra tử” thời trận mạc. 

CCB Nguyễn Xuân Uẩn, dù tuổi cao sức yếu nhưng đã lặn lội từ tỉnh Ninh Bình vào gặp lại đồng đội cũ để ôn lại những kỷ niệm một thời cùng vào sinh ra tử. Khi đến thắp hương trên từng phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Cư M’gar, đọc dòng chữ ngắn ngủi ghi trên bia mộ, nhận ra đồng đội của mình, ông không ngăn nổi dòng nước mắt tuôn rơi. Trong trận đánh ở đồi Núi Lửa năm 1970, ông bị thương nặng ở chân, phải bò lết giữa rừng trong đêm tối rồi bất tỉnh, đến sáng hôm sau mới được đồng đội tìm thấy. Khi đất nước hòa bình, ông trở về quê sinh sống và đến ngày hôm nay mới có dịp quay lại mảnh đất từng chiến đấu. Ông cho biết: “Sau trận đánh ngày hôm ấy tôi mất đi một chân nhưng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác đã hy sinh khi tuổi đời còn trẻ. Hiện nay, đồng đội tôi vẫn còn hơn 300 người hy sinh trên khắp các chiến trường chưa tìm được hài cốt. Với tình cảm và trách nhiệm, chúng tôi vẫn đang cùng các cấp, ngành, địa phương nỗ lực tìm kiếm thi hài để đưa các anh về với đất Mẹ”.

Cuộc gặp mặt ngày hôm ấy đã làm sáng rõ hơn hình ảnh, phẩm chất người lính đặc công là anh dũng trong thời chiến, nghĩa tình giữa thời bình, xứng đáng với 16 chữ vàng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lực lượng đặc công: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”.

Thế Hùng

 

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.