Multimedia Đọc Báo in

Sơn Mỹ - 50 năm nỗi đau còn thổn thức

08:58, 29/03/2018

Đến Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) hôm nay, nhìn cảnh làng quê tươi xanh đang từng ngày đổi mới, ít ai biết rằng 50 năm trước nơi đây từng gánh chịu biết bao mất mát, đau thương.

Ngày 16-3-1968, một đơn vị thuộc lực lượng đặc nhiệm Barker, Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal của Mỹ đã tàn sát 504 thường dân ở nơi này; phần lớn nạn nhân là người già, phụ nữ, trẻ em không một tấc sắt trong tay, không một hành động kháng cự. Vụ thảm sát ấy được biết đến với tên gọi vụ thảm sát Sơn Mỹ hay vụ thảm sát Mỹ Lai.

Ông Phạm Thành Công, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, chính là một trong những nhân chứng của vụ thảm sát cách đây 50 năm. Ông xúc động tâm sự: “Lịch sử như một dòng chảy, không ai có thể sống mãi với quá khứ, nhưng không ai được phép lãng quên lịch sử. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sơn Mỹ. Những năm 1966 - 1967, nơi đây là khu vực đặc trách của Lữ đoàn 2 Thủy quân lục chiến Nam Triều Tiên. Đến năm 1968, quân Nam Triều Tiên bàn giao địa bàn này lại cho Lữ đoàn 11, một đơn vị nổi tiếng tàn bạo, hung dữ thuộc Sư đoàn Americal (Mỹ). Quân đội Mỹ coi Tịnh Khê - Sơn Mỹ là mục tiêu tùy nghi, là vùng tự do bắn phá, thí điểm chính sách “3 sạch” (giết sạch, đốt sạch, phá sạch). Những tên làng, tên xóm tồn tại từ nhiều đời nay bị chúng xóa bỏ trên bản đồ quân sự, thay vào đó là những con số hay chấm đỏ ám chỉ làng thân Cộng sản. Một ngày đầu tháng 2 -1968, sau khi bắn pháo, Mỹ cho quân vào làng tôi đốt nhà, gom dân tại vạt ruộng, mấy tiếng sau thì chúng rút đi, người dân được thả về. Mọi người có ngờ đâu đó chính là cuộc tập dượt cho vụ thảm sát man rợ một tháng sau đó”.

Ông Phạm Thành Công (áo trắng, đứng hàng giữa) chụp ảnh với khách tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Ông Phạm Thành Công (áo trắng, đứng hàng giữa) chụp ảnh với khách tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Vào lúc 5 giờ 30 phút sáng 16-3-1969, từ phía núi Răm, xã Bình Liên, Chi khu Sơn Tịnh và Tiểu khu Quảng Ngãi, Mỹ bất ngờ pháo kích dữ dội vào 4 thôn của xã Sơn Mỹ. Nhiều trẻ em và nông dân ở hai xóm Bình Đông, Bình Tây bị giết hại ngoài đồng do đạn pháo. Pháo vừa dứt thì hai chiếc trực thăng UH-1A bay đến bắn rốc két và đại liên vào các điểm dân cư của hai thôn Tư Cung, Cổ Lũy. Kế đó, một tốp trực thăng gần chục chiếc từ hướng Chu Lai bay vào đổ quân xuống vạt ruộng của xóm Thuận Yên ở phía tây thôn Tư Cung. Một tốp trực thăng khác đổ quân xuống gò đất trống ở rừng Bà Chín Chưu, từ đây lính bộ binh băng qua cầu Khê Hội vào thôn Cổ Lũy.

Tại thôn Tư Cung, Đại đội Charlie do tên Đại úy Ernest Medina chỉ huy tỏa ra chặn các ngả đường và cánh đồng, vừa đi vừa xả súng vào bất cứ ai mà chúng gặp. Gia đình bà Nguyễn Thị Đốc đang quây quần bên mâm cơm sáng đạm bạc với cơm nguội và vài củ khoai thì lính Mỹ bất thần xông đến xả đạn kết liễu 9 người. Cạnh nhà bà Đốc, gia đình ông Đặng Hãnh cũng bị lính Mỹ đốt nhà, bắn chết 6 người. Cụ Trương Thơ, 72 tuổi bị lính Mỹ nắm râu lôi từ nhà ra sân đánh đập, cắt râu, xô xuống giếng rồi ném lựu đạn sát hại.

Quân Mỹ cũng thẳng tay sát hại trẻ em. Cháu Đức (8 tuổi) – con chị Trinh từ hầm chạy ra liền bị bắn chết khi trong miệng còn đang nhai đầy cơm. Giết xong cháu bé, tốp lính Mỹ đặt mìn, giật tung hầm giết chết cả 7 người gồm mẹ con chị Trinh, ba mẹ con chị Hòa, không một ai toàn thây. Một sản phụ là chị Võ Thị Mại vừa mới sinh hôm trước, sức yếu không kịp xuống hầm đã bị lột hết quần áo, đè xuống hãm hiếp cho đến chết. Đứa bé sơ sinh gào khóc và hai đứa con nữa trong hầm cũng bị gọi ra bắn chết. Chị Ngôn ở Mỹ Lai đang có thai, đến gần ngày sinh, bị lính Mỹ hãm hiếp rồi dùng lưỡi lê đâm thủng bụng, bào thai lòi hai chân ra ngoài. Trên một đoạn mương chưa đầy 30 m đầu làng, 170 người dân bỏ mạng.

Cụ Hà Thị Quý (93 tuổi), thôn Tư Cung, nhân chứng lớn tuổi nhất trong vụ thảm sát Sơn Mỹ kể lại: “Tôi đang băm rau lang thì bất ngờ lính Mỹ ập vào nhà, lùa tôi, mẹ chồng, con gái, đứa cháu ra đường. Rồi chúng đốt nhà, bắn chết mẹ chồng, con gái và cháu ngay trước mặt tôi. Hoảng sợ, tôi cắm đầu chạy thì bị chúng bắn vào hông, rớt xuống con mương. Nhiều phụ nữ ở làng Hồng còn bị lính Mỹ giở trò thú vật ghê tởm trước khi sát hại một cách dã man. Cháu Phạm Thị Mùi (14 tuổi) bị nhiều tên lính thay nhau hãm hiếp ngay cạnh xác người mẹ và đứa em thơ vừa bị bắn. Hiếp xong, lính Mỹ đẩy Mùi vào nhà rồi châm lửa đốt. Mỗi lần con bé bò ra lại bị chúng đẩy lại vào, mãi cho đến khi nó bị lửa thiêu chết. Cháu Đỗ Thị Nguyệt (12 tuổi) bị mổ bụng. Bà Trương Thị Đâu (45 tuổi) bị hai lính Mỹ hiếp rồi giết. Ngay cả nhà sư Thích Tâm Trí (Đỗ Ngộ) - trụ trì ngôi chùa nhỏ ở xóm Thuận Yên cũng bị chúng bắn vỡ đầu…”. Lớp người trước trúng đạn ngã xuống rồi đến lớp người sau, sau nữa. Xác người ngổn ngang trên đường làng, ngõ xóm, nhà cửa cháy rụi.

Du khách tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Du khách tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Nhắc đến gia đình mình, ông Công nấc nghẹn: “Khoảng 8 giờ sáng hôm đó, 3 tên lính Mỹ kéo đến nhà tôi. Phát hiện 6 mẹ con tôi (gồm mẹ tôi, chị tôi, tôi và 3 đứa em, đứa bé nhất mới 2 tuổi) đang núp dưới hầm tránh pháo, chúng lôi cả lên, bắt dồn vào một chỗ, rồi bắt đầu đốt nhà. Đốt xong, chúng lại lùa mẹ con tôi xuống hầm. Với bản năng người mẹ, mẹ bảo chị em tôi chui xuống trước, còn mẹ xuống sau. Trong góc hầm, chị em chúng tôi sợ run bần bật, ra sức bấu chặt vào người mẹ. Địch thả lựu đạn, căn hầm sập xuống, bóng tối bao trùm. Mẹ, chị và 3 đứa em tôi chết cả, thi thể tan tác văng dính cả vào người tôi… 50 năm qua, chưa hôm nào tôi có một giấc ngủ ngon, vừa nhắm mắt lại là những ký ức đau thương cứ thế ùa về”.

Trong số 504 người bị sát hại trong vụ thảm sát Sơn Mỹ có 182 phụ nữ (17 người đang mang thai), 178 trẻ em (56 em dưới 5 tháng tuổi)... Có 247 căn nhà bị thiêu rụi, hàng nghìn trâu bò, gia súc bị giết.

Dẫn khách đi thăm khu Chứng tích Sơn Mỹ, hướng dẫn viên Nguyễn Thị Hữu Lộc bồi hồi: “Không chịu nổi cảnh tượng giết người man rợ, anh lính da đen Herbert Carter quay súng tự bắn vào chân mình để không phải tham gia vào cuộc thảm sát. Sau này anh kể lại, tình báo Mỹ cho rằng tiểu đoàn 48 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ẩn náu tại làng Sơn Mỹ nên lục quân Mỹ quyết định tổ chức một cuộc tấn công lớn vào những thôn bị nghi ngờ. Tuy nhiên, khi vào làng họ chẳng thấy một Việt Cộng nào mà chỉ toàn là những nông dân đang chạy khỏi những túp lều bị đốt và đều bị lính Mỹ bắn chết. Tất cả hình ảnh về cuộc thảm sát mà chúng tôi có được đều do Trung sĩ Ronald Haeberle - nhiếp ảnh viên quân đội Mỹ cung cấp. Hôm đó Haeberle được lệnh theo Đại đội Charlie hành quân vào Làng Hồng (tức Mỹ Lai 4 theo bản đồ quân sự của Mỹ) với tư cách là phóng viên quân đội”. Sau vụ thảm sát, Haeberle chỉ nộp 40 tấm ảnh đen trắng cho quân đội Mỹ và giữ lại 18 bức ảnh màu. Haeberle chính là nhân chứng quan trọng trong hành trình đưa vụ thảm sát ra ánh sáng sau đó 18 tháng.

Vào ngày 5-12-1969, tạp chí LIFE đã đăng toàn bộ seri ảnh của nhiếp ảnh gia Haeberle cùng câu chuyện đằng sau những tấm hình. Cả thế giới khi ấy bàng hoàng trước cuộc tra tấn, thảm sát dân thường ghê rợn của lính Mỹ tại đất nước cách xa họ nửa vòng trái đất. Sự kiện này càng làm dấy lên phong trào phản chiến và là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam những năm sau đó. Khắp nơi trên thế giới bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành động dã man và so sánh vụ Mỹ Lai với những vụ thảm sát khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, 8 năm sau vụ việc, tháng 3-1971, người duy nhất bị kết án là thiếu úy William Calley vì phạm tội ác chiến tranh. Số người thiệt mạng dưới họng súng của Calley là khoảng 22 người. Ông ta chỉ phải ngồi tù 3 năm rưỡi với hình thức quản thúc tại gia.

Về Sơn Mỹ hôm nay, chứng kiến cảnh làng quê thanh bình đang từng ngày thay da đổi thịt, ít ai có thể hình dung được những đau thương, mất mát mà người dân nơi đây đã phải trải qua vào 50 năm trước. Bà Cao Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ kể: “Mỗi năm, Khu chứng tích đón khoảng 200.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng hương. Đã có rất nhiều người nước ngoài đến đây xem lại phim tài liệu, hiện vật, bức ảnh, nghe lại câu chuyện về vụ thảm sát đã không cầm được nước mắt. Nhiều du khách quá sốc trước sự tàn ác khủng khiếp của chiến tranh. Có lần chúng tôi đón đoàn khách từ Mỹ đến tham quan, nhưng mới chỉ xem bộ phim tư liệu, một số khách nữ đã bỏ ra ngoài với những khuôn mặt thất thần, họ đã bị sốc nặng. Họ không thể tiếp tục đi thăm thêm bất cứ một nơi trưng bày nào trong khu chứng tích”.

Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.