Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Các Mác (5-5-1818 - 5-5-2018)
Tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác
Nếu tính từ năm 1841, khi Mác bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học cho đến khi qua đời vào năm 1883, Mác có 42 năm hoạt động đầy tâm huyết trên cả hai lĩnh vực nghiên cứu lý luận và hoạt động xã hội.
Ở Người, hoạt động khoa học gắn liền với hoạt động cách mạng. Những phát hiện khoa học của Mác đã trở thành các nguyên lý soi đường cho giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, trở thành cương lĩnh, nguyên tắc hành động của các Đảng Cộng sản và công nhân các nước, của Quốc tế I và Quốc tế II.
Hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lý luận, nhất là tiếp thụ ảnh hưởng của triết học Phơbách đã giúp Mác chuyển từ lập trường duy tâm sang lập trường duy vật, thể hiện ở tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844. Bằng thế giới quan duy vật và sự từ bỏ lập trường dân chủ cách mạng, tiến gần tới lập trường vô sản, Mác đi sâu nghiên cứu kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội không tưởng, sử học... và cho ra đời một loạt tác phẩm lý luận xuất sắc như: “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen” (1844); “Gia đình thần thánh” (1845); “Hệ tư tưởng Đức” (1845 - 1846, viết chung với Ăngghen); “Luận cương về Phơ bách” (1845) và “Sự khốn cùng của triết học” (1847)...
Các Mác (1818 - 1883). |
Năm 1847, khi ở Brúcxen, Mác gia nhập Liên đoàn những người cộng sản và được Liên đoàn ủy nhiệm cùng với Ăngghen viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, xuất bản đầu năm 1848. Tác phẩm vĩ đại này đánh dấu bước chuyển hẳn sang lập trường cộng sản của Mác và cũng đồng thời đánh dấu sự ra đời một học thuyết mới mà Mác là người sáng lập. Với việc hoàn thành tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - vừa là một luận văn khoa học, vừa là một văn kiện mang tính cương lĩnh - Mác và Ăngghen đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại trong khoa học lý luận và đặt cách mạng vô sản trên một cơ sở khoa học.
Cùng với những hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi, Mác đã đi sâu phân tích, tổng kết thực tiễn cách mạng, phát triển lý luận của mình. Trong thời kỳ này, Mác đã xuất bản một loạt tác phẩm lớn mang tính tổng kết kinh nghiệm cách mạng: “Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 – 1850”, xuất bản năm 1850; “Ngày 18 tháng sương mù của Lu-i Bô-na-pác-tơ”; “Đấu tranh giai cấp ở Pháp”, xuất bản năm 1871. Trong các tác phẩm này, Mác đã có những phát triển rất quan trọng trong lý luận về cách mạng vô sản và đấu tranh giai cấp, đặc biệt là những tư tưởng về chuyên chính vô sản, về chiến lược và sách lược của giai cấp vô sản trong cách mạng tư sản, về tính tất yếu khách quan của sự liên minh giữa giai cấp vô sản với nông dân.
Trong thời kỳ này, Mác đã dành nhiều công sức nghiên cứu kinh tế học chính trị, vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng vào phân tích đời sống kinh tế, vạch ra bản chất đích thực và sâu xa nhất của chủ nghĩa tư bản. Quyển I bộ “Tư bản” của Mác được xuất bản năm 1867 và trên cơ sở bản thảo của Mác, Ăngghen đã cho xuất bản quyển II và quyển III vào các năm 1885 và 1894. Bộ “Tư bản” là một công trình khoa học vĩ đại, sáng tạo hiếm có của loài người. Từ những sự nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, Mác và Ăngghen đã xây dựng nên học thuyết của mình bao gồm ba bộ phận cấu thành cơ bản: Triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, tương ứng với ba phát minh lớn của Mác: Tư tưởng duy vật và biện chứng về lịch sử xã hội; học thuyết về bóc lột thặng dư giá trị; học thuyết về sứ mệnh của giai cấp vô sản. Đó là những phát minh vượt thời đại, vượt lên tất cả các nhà tư tưởng đương thời. Trong quá trình phát triển lý luận của mình, Mác và Ăngghen luôn luôn đấu tranh chống lại những tư tưởng phản động xuyên tạc và cơ hội chống chủ nghĩa Mác hoặc vô tình hiểu sai chủ nghĩa Mác. Những cuộc đấu tranh lý luận đáng chú ý đó là chống lại tư tưởng của Pru-đông, Duy-rinh, Lát-xanx...
Trong tác phẩm “Phê phán Cương lĩnh Gôta” viết năm 1875, Mác đã làm phong phú thêm một bước quan trọng học thuyết về hình thái kinh tế xã hội, luận chứng khoa học về tính tất yếu lịch sử của sự tồn tại một thời kỳ quá độ đặc biệt từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản cùng những nội dung kinh tế, chính trị của thời kỳ ấy. Trong tác phẩm này, lần đầu tiên, Mác đã chỉ rõ hai giai đoạn của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, chỉ ra cơ sở khoa học của sự phân chia đó và những đặc điểm cơ bản nhất của mỗi giai đoạn.
Mác viết “Bản thảo kinh tế - triết học” năm 1844 khi mới 26 tuổi, viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” khi vừa tròn 30 tuổi, sáng lập và phát minh đến đỉnh cao học thuyết của mình, để lại cho nhân loại và giai cấp vô sản một kho tàng khổng lồ các tác phẩm về nhiều lĩnh vực khoa học và đời sống xã hội.
Những cống hiến đó của Mác đã chứng tỏ Người là nhà bác học vĩ đại nhất của thời đại ngày nay.
Chủ nghĩa Mác từ trong bản chất của nó đã mang tính khoa học và cách mạng, tính nhân văn và tính chiến đấu, tính hiện thực và sáng tạo.
Mác và Ăngghen đã giải đáp được câu hỏi cơ bản và phức tạp nhất của lịch sử đương thời, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn và đã mở ra một thời đại mới trong thế giới quan lý luận về khoa học xã hội - một hệ tư tưởng mới; tổ chức ra một lực lượng người cộng sản với tư cách là đội tiên phong của giai cấp công nhân toàn thế giới; đồng thời mở ra phong trào tự giác của giai cấp công nhân, những người lao động, các dân tộc bị áp bức trong quá trình lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội văn minh tiến bộ hơn.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trí tuệ uyên bác của nhà bác học và trái tim đầy nhiệt huyết cách mạng đã tạo nên một Các Mác mà tên tuổi, sự nghiệp và những cống hiến của Người cho nhân loại đã trở nên bất hủ.
Nguyễn Xuyến
Ý kiến bạn đọc