Multimedia Đọc Báo in

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tuyến đường Trường Sơn

09:54, 27/05/2019

Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Đúng vào ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao cho Đoàn 559 nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng chiến lược quân sự cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.

Đầu tháng 6-1959, công việc chuẩn bị tạm ổn, trước lúc lên đường, Đoàn nhận được chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải tuyệt đối giữ bí mật. Lúc này mà giữ được bí mật sẽ cầm chắc thắng lợi”. Thực hiện chỉ thị của Người, Ban Cán sự của Đoàn quy định bộ đội phải triệt để cải trang thành nhân dân từ trang phục đến cách thức sinh hoạt. Hoàn tất lần cuối các khâu chuẩn bị, ngày 26-6-1959, Đoàn hành quân vào phía Nam, chọn Khe Hó nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát đầu tiên tiến vào Trường Sơn xoi đường, lập trạm, gùi hàng.

Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên được lệnh vượt Trường Sơn vào tuyến. Sau nhiều ngày trèo đèo, lội suối, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã chuyển giao được 60 súng trung liên, 100 súng tiểu liên, súng trường và hàng nghìn viên đạn súng bộ binh cho Liên khu 5. Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên và căn dặn Đoàn 559: Các chú cần khôn khéo giữ bí mật bất ngờ mới thắng địch... Muốn làm cách mạng phải có dân, có bộ đội mạnh khỏe. Các chú phải chăm lo đời sống bộ đội hơn nữa và giúp đỡ dân. Các chú cần mở thêm đường, cần có nhiều cách vận chuyển, tiến tới vận chuyển lớn mới đáp ứng được yêu cầu cách mạng miền Nam”.

Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ. Ảnh tư liệu
Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Tháng 3-1965, cùng với việc leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân đến vĩ tuyến 20, giới cầm quyền Mỹ đưa lính thủy đánh bộ Mỹ vào chiến trường miền Nam. Nhằm đẩy mạnh chi viện cho miền Nam, tiến lên một bước ngoặt mới trong đối phó với chiến tranh cục bộ của Mỹ, Bộ Chính trị quyết định mở rộng Đường Trường Sơn từ con đường chủ yếu là đi bộ, gùi thồ thành hệ thống vận chuyển, cơ giới đi lại suốt tuyến vào cả hai mùa mưa và khô; đồng thời cử đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ tham gia Quân ủy Trung ương.

Trước khi Bộ Tư lệnh mới di chuyển sâu vào rừng núi Trường Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đồng chí Phan Trọng Tuệ lên gặp Người. Sau khi nghe báo cáo về kế hoạch xây dựng lực lượng vận tải và mở hệ thống đường cơ giới xuyên Trường Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc mở đường chi viện cho cách mạng miền Nam là nhiệm vụ cấp bách và có nhiều khó khăn. Nhưng vì miền Nam ruột thịt đang chờ đợi hậu phương tiếp tế, do đó phải hết lòng hết sức khắc phục khó khăn để cho tiền tuyến. Đoàn kết một lòng, mưu trí sáng tạo thì khắc phục được. Phải chăm lo cho các cháu thanh niên xung phong... Bác gửi lời hỏi thăm các chiến sĩ, thanh niên xung phong và quân dân ở các tuyến đường”.

Trước hành động mở rộng chiến tranh của giới cầm quyền Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 (tháng 3-1965) và lần thứ 12 (tháng 12-1965) bàn về các chủ trương lớn để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 12, Người dự và chủ trì nhiều Hội nghị của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị bàn về những vấn đề trọng đại của đất nước; quan tâm theo dõi mặt trận giao thông vận tải, nhất là trên địa bàn nóng bỏng Quân khu 4 và tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.

Trong suốt 16 năm chiến tranh cách mạng, hệ thống tuyến giao thông Trường Sơn không những là tuyến vận tải quan trọng mà còn là căn cứ hậu phương trực tiếp và mặt trận chiến đấu ác liệt, phối hợp với các chiến trường để tiêu diệt quân thù, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Trang Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.