Multimedia Đọc Báo in

Trận chiến Điện Biên Phủ qua góc nhìn của dư luận Pháp và Mỹ

10:16, 27/05/2019
Tháng 5-1964, khi người Mỹ chuẩn bị đưa quân vào miền Nam Việt Nam, tờ Thời báo New York của Mỹ đã đăng bài viết “Dienbienphu: Battle to Remember” (Trận chiến nhớ đời) cảnh báo quân Mỹ nên tránh xa vết xe đổ của người Pháp. Tuy nhiên, do quân Mỹ bỏ qua sự cảnh báo đó, 11 năm sau dự báo của tờ báo nổi tiếng này đã trở thành hiện thực.

Thất bại của người Pháp, bài học cho người Mỹ

Bài báo của Thời báo New York khái quát trận chiến Điện Biên Phủ kinh hoàng. Theo bài viết, bắt đầu từ tháng 5-1954, đội quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ bắt đầu suy sụp tinh thần. Sau 54 ngày bị vây hãm, ăn uống kiêng khem chỉ có cà phê hòa tan và thuốc lá, quân đội Pháp nhanh suy kiệt cả tinh thần lẫn thể chất. Chuyện gì đến sẽ đến, vào chiều muộn ngày 7-5-1954, pháo binh của Pháp hầu như bất lực, thay vào đó là những trận mưa pháo chính xác và dồn dập của bộ đội Việt Nam kèm theo những biển người xông lên, tràn qua tuyến phòng thủ cuối cùng của Pháp. Tướng De Castries và quân Pháp đã phải ra hàng.

Thung lũng Điện Biên Phủ  năm 1954. Ảnh tư liệu
Thung lũng Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu

Theo Thời báo New York, về mặt lịch sử, trong trận chiến Điện Biên Phủ, người Pháp đã đánh giá quá thấp đội quân Việt Minh của ông Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp. Không nắm được thực lực của đối phương, quá tin vào vũ khí hiện đại cũng như sức mạnh đồng minh để rồi hối hận không kịp. Và hôm nay (tức tháng 5-1964), khi chuẩn bị đổ quân vào miền Nam Việt Nam, người Mỹ cần rút ra bài học cay đắng từ cuộc chiến này, bởi du kích quân mà Mỹ gọi là VC (Việt cộng) không phải đội quân dễ chinh phục. Bởi họ là cư dân sở tại, đại diện cho chính nghĩa, không xâm lược ai, lại có lịch sử hơn 4.000 năm dựng và giữ nước, với lòng yêu nước nồng nàn và được dư luận khắp nơi ủng hộ. Còn quân Mỹ và đồng minh dù mạnh hơn, lại là kẻ xâm lược từ xa đến nên trước sau cũng vấp phải thất bại khó tránh mà người Pháp đã vấp phải.

Thất bại Điện Biên Phủ qua điều trần của chính phủ Pháp

Sau gần 1 năm Điện Biên Phủ thất bại, chính phủ Pháp thành lập một ủy ban chuyên trách - The Catroux Commission (TCC) - để điều tra nguyên nhân thất bại. Hồ sơ của TCC rất đồ sộ, được lưu trữ tại Phân ban lịch sử và tư liệu Bộ Quốc phòng Pháp và được giữ kín trên nửa thế kỷ bằng dấu "Tuyệt mật".

Qua điều tra, TCC đã phát hiện nhiều chuyện động trời về chiến thuật, các mâu thuẫn cá nhân, sai lầm chính trị… Ví dụ, hồ sơ GR 1R231 đề cập tới sai lầm của Pháp khi đánh giá quân đội Việt Minh. Thực ra Việt Minh không yếu như người Pháp tưởng mà do được dư luận ủng hộ, đặc biệt là các nước trong phe xã hội chủ nghĩa nên tiềm lực mạnh; việc nước Pháp bị hất ra khỏi Đông Dương là hệ quả của hàng loạt những sai lầm từ chính trị, ngoại giao cho tới quân sự. Chẳng hạn, đến tháng 3-1954 đội quân Việt Minh của tướng Giáp đã vượt qua con số 40 nghìn, được trang bị cả vũ khí hạng nặng trong khi đó Pháp chỉ có dưới 15 nghìn, mọi sự chi viện đều từ bên ngoài và liên tục bị gián đoạn. Chưa kể vị trí của Điện Biên Phủ lại ở cách xa biển (cảng Hải Phòng) tới 400 km, cách các căn cứ không quân của Pháp 300 km và gần biên giới với Trung Quốc..., mọi thứ đều khiến quân đội Pháp hoàn toàn bất lợi khi bị tấn công.

Kết quả điều tra không được công bố, lý do là vì giới chính trị gia Pháp muốn trốn tránh trách nhiệm và không muốn nhiều người biết. Vả lại, thời kỳ đó Pháp vẫn đang phải đối mặt với các cuộc chiến khác ở Bắc Phi. Chính sự bưng bít này làm cho các cựu binh tham gia Điện Biên Phủ bất bình với chính phủ, khiến việc điều hành tại chỗ của De Castries, Navarre, hay Rene Cogny không mang lại hiệu quả. Thậm chí, ngay cả khi về Pháp họ còn bị đối xử bất công. Đại tá Jacques Allaire, thuộc binh đoàn 6 tham chiến tại Điện Biên Phủ cho biết, qua điều tra của TCC mới vỡ lẽ mâu thuẫn giữa tướng Navarre và tướng Cogny cũng là một trong những nguyên nhân gây thất thủ tại Điện Biên Phủ.

Khắc Duy

(Dịch từ Net/NYT/Gaurdian)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.