Về nơi xuất quân của Tiểu đoàn 307 oai hùng
Xã Đại Điền thuộc huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) là nơi xuất quân của Tiểu đoàn 307 anh hùng đã đi vào bài hát nổi tiếng "Tiểu đoàn Ba lẻ bảy" do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ thơ Nguyễn Bính.
Cách nay hơn nửa thế kỷ, Đại Điền là vùng đất rộng, rất trù phú như tên gọi, nhưng đất đai phần lớn tập trung vào tay các địa chủ khét tiếng giàu có ở Bến Tre lúc bấy giờ như Tri huyện Liêm, Hội đồng Hoài, Phủ Kiểng. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân, thực dân, tay sai và địa chủ sụp đổ, ruộng đất được chia lại cho nông dân, tá điền. Nhưng không lâu sau đó quân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Cả nước sôi sục hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, quyết tâm đem hết tinh thần, lực lượng, đoàn kết toàn dân tộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 1-5-1948, tại căn cứ Đồng Tháp Mười, Tiểu đoàn 307 được thành lập gồm lực lượng của Khu 8 và một bộ phận của Trung đoàn 99 Bến Tre hợp thành. Tiểu đoàn làm lễ xuất quân ngày 5-7-1948 tại căn cứ Giồng Luông, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; ban đầu có tên gọi "Tiểu đoàn Liên quân lưu động", về sau đổi lại ngắn gọn thành Tiểu đoàn 307.
Đình Đại Điền - nơi xuất quân của Tiểu đoàn 307. |
Ngay sau khi thành lập, Tiểu đoàn đã đánh thắng hai trận lừng lẫy ở Mộc Hóa và La Bang (Trà Vinh). Để động viên, cổ vũ tinh thần bộ đội, Khu 8 thời ấy đã phát động cuộc thi sáng tác ca khúc ngợi ca Tiểu đoàn 307 dù mới thành lập nhưng “đánh đâu thắng đó”. Nhà thơ Nguyễn Bính đã sáng tác bài thơ "Cửu Long Giang" đăng trên báo "Tổ quốc" Khu 8, sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng "Tiểu đoàn Ba lẻ bảy".
Bài hát có xuất xứ ở vùng Ðồng Tháp Mười lan truyền rất nhanh, phổ biến khắp Nam Bộ. Tối 1-10-1950, lần đầu tiên bài hát được phát sóng trên Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến do Tổ quân nhạc Khu 8 trực tiếp biểu diễn. Với những lời ca mạnh mẽ, nhịp điệu hùng tráng, ca từ dễ nhớ: “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long giang sóng trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng Tiểu đoàn, tiếng Tiểu đoàn 307! Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy, cả Tiểu đoàn thề dưới sao vàng, người chiến sĩ tiếc gì máu rơi…”, bài hùng ca ấy đã in sâu vào lòng nhiều thế hệ người Việt Nam.
Chỉ trong 6 năm (1948 - 1954), Tiểu đoàn 307 đã đánh hơn 110 trận lớn nhỏ. Sau Hiệp định Geneve, Tiểu đoàn 307 về tiếp quản thị xã Cà Mau và thị trấn Tắc Vân, sau đó xuống tàu tập kết ra Bắc. Hiện nay ở Bến Tre vẫn còn vài chiến sĩ của Tiểu đoàn 307 ngày ấy như cựu chiến binh Ngô Thận Trọng (86 tuổi, quê ở xã Bình Khánh,huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đã có mặt trong buổi xuất quân tại xã Đại Điền năm 1948, từng tham gia những trận đánh lẫy lừng nhất của Tiểu đoàn 307.
Ngày 4-7-2018, UBND huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) đã tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Tiểu đoàn 307 tại xã Đại Điền, đồng thời khánh thành Bia lưu niệm Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 310 và đón nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh Tiểu đoàn 307.
Ngoài là nơi ghi dấu tích buổi xuất quân của Tiểu đoàn 307 oai hùng, ở Đại Điền còn có nhà cổ Huỳnh Phủ nổi tiếng với kiến trúc rất đặc sắc, độc đáo, hiếm có còn sót lại ở miền Tây. Nhà cổ Huỳnh Phủ được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2011. Chủ nhân ngôi nhà là ông Hương Liêm (Huỳnh Ngọc Khiêm sinh năm 1843, mất năm 1927), gốc Huế, một trong những người giàu có nổi tiếng ở vùng Cù lao Minh và tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ.
Theo lời kể, nhà cổ Huỳnh Phủ đến nay đã có trên 100 năm tuổi. Ngôi nhà cất theo hình chữ nhật, có diện tích khoảng 500 m2, gồm 48 cột lớn nhỏ bằng gỗ lim và căm xe núi. Tất cả xiên, kèo, cột được vào niêm, ghép mộng, kết cấu, liên thông chắc chắn. Nhà được trang trí với nhiều hoa văn chạm khắc tinh xảo trên nền gỗ quý, đặc biệt là các họa tiết trên các khung cửa, đố ngang, đố dọc, đố đứng, xiêng, xà. khung, viền, hoành phi, liểng. Nhà cổ Đại Điền là một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa cao, ghi dấu ấn của một thời kỳ quá khứ với nhiều biến động lịch sử tại Cù lao Minh.
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc