Multimedia Đọc Báo in

Cây thị bên địa đạo Kỳ Anh

17:53, 26/08/2019
Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), địa đạo Vĩnh Mốc (tỉnh Quảng Trị), địa đạo Kỳ Anh (tỉnh Quảng Nam) từng là nơi chiến đấu, trú ẩn, sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí... trong lòng đất của quân và dân ta.
 
Với phương châm “Một tấc không đi, một ly không rời”, quyết bám đất bám làng, tận dụng mọi thời cơ để đánh địch nên mỗi địa đạo có một đặc điểm. Địa đạo Kỳ Anh được xây dựng ngay dưới chân đình cổ làng Thạch Tân, nơi thờ tự các bậc tiền nhân khai lập xã Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam nhằm bảo đảm bí mật và an toàn. Ít ai biết rằng những cây thị bên địa đạo Kỳ Anh cũng rất đặc biệt.

Người dân thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng tự hào gọi Kỳ Anh là “Địa đạo trong lòng đất”, “Địa đạo trong khu dân cư” và “Địa đạo trong lòng dân”. Cụ bà Tám Thương (thôn Thạch Tân) năm nay đã ngoài 90 tuổi vẫn hằng ngày ra cổng hóng mát. Trước nhà cụ là chiếc giếng cổ, đình làng và cây thị cổ thụ. Gần nhà cụ có ba cửa hầm của địa đạo Kỳ Anh, gồm: cửa hầm cứu thương, cửa hầm ông Tân, cửa hầm cây rơm.

Cụ Tám Thương kể: “Hồi nớ trong xã ai được tin tưởng mới được cho đi đào hầm. Cả nhà tui đêm nào cũng đào hầm. Đất đào đem đắp vào những hầm trú ẩn bom đạn, đổ nền nhà mới, đắp bờ ruộng hoặc mang ra sông đầm đổ, tránh được sự phát hiện của địch. Miệng hầm cái thì đặt trong gian bếp, cái để dưới chỗ rương đựng đồ, cái đặt ở chuồng bò, bụi tre, giếng nước, gốc rơm rồi ngụy trang cẩn thận. Còn cửa hầm thoát nạn thì nằm ở mương nước, rặng tre, ở vùng đất nơi có những cây thị tỏa bóng mát quanh năm”.

Một cửa hầm ở địa đạo Kỳ Anh.
Một cửa hầm ở địa đạo Kỳ Anh.

Nhiều cửa hầm địa đạo được đặt dưới gốc những cây thị và xung quanh đình Thạch Tân, thôn Thạch Tân có rất nhiều thị. Những ngày hè, quả thị chín vàng ươm rơi rụng dày đặc dưới tán cây, thơm ngát cả một vùng quê. Cây thị sát chân đình trước cửa nhà cụ bà Hai Lan ngày nào cũng có trẻ đến lượm quả chín rồi ăn tại gốc cây. Trong trí nhớ của cụ Hai Lan, thời kháng chiến ai ở dưới địa đạo lâu ngày cũng bị bệnh ngứa da, đau xương. Cũng nhờ quả thị mà quân dân sống trong địa đạo có thêm nguồn lương thực ăn đỡ đói, đỡ khát; lá và rễ cây thị dùng làm thuốc chữa bệnh.

Cuộc sống của người dân thôn Thạch Tân từ xa xưa đã gắn bó với cây thị. Thời xưa, các cô gái trẻ thường lấy trái thị chín giấu trong túi áo để “đi đâu thơm đó”. Hương thơm này có tác dụng thư giãn rất cao. Còn lá thị tươi, người dân nơi đây vẫn thường dùng để trị chứng táo bón, giã đắp làm vỡ mủ mụn nhọt, vỏ quả thị chín phơi khô tán nhỏ dùng điều trị bệnh ngoài da. Hạt thị khô pha chế làm nước trà thanh nhiệt. Trái thị chín ăn rất ngon, từng là nguồn thực phẩm quý giá của thời khốn khó.

Cửa hầm cây rơm nằm trong sân nhà cụ Tám Thương.
Cửa hầm cây rơm nằm trong sân nhà cụ Tám Thương.

Ông Nguyễn Văn Ta, quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia địa đạo Kỳ Anh cho biết, du khách đến tham quan nơi này không chỉ được nghe kể về những năm tháng chiến đấu oanh liệt, hiểu hơn về truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông mà còn được thưởng thức hương thơm của những cây thị nơi này. Bên gốc thị già hàng trăm năm tuổi, các cô gái trẻ lượm trái thị mới rụng hít hà hương thơm, bỏ trái thị chín thơm vào ba lô, túi xách để lưu giữ hương thơm. Bên cây thị, nhiều bạn trẻ hồn nhiên cất cao giọng hát, bài hát mà thuở xưa các bà các cô đã từng rất mê: “Xưa có cô Tấm nhỏ, ở trong quả thị vàng, đẹp người lại đẹp nết, bàn tay khéo léo đảm đang, thương bà neo đơn, cô nhận làm tất cả, đỡ đần mẹ già, cho ai chiến đấu ngoài xa”… Lời bài hát như là lời căn dặn các bạn trẻ hôm nay, hãy sống tốt, hãy thơm thảo, luôn là người biết ơn thế hệ đi trước, như cô Tấm bước ra từ trái thị chín vàng bên địa đạo Kỳ Anh…

Xuân Hòa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.