Đi tìm dấu tích tù trưởng Ama Thuột
Nước ta có 2 thành phố hiếm hoi mang tên người, đó là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk. Thế nhưng trong khi Danh nhân Văn hóa Thế giới Hồ Chí Minh đã quá rõ ràng cho việc cắt nghĩa nguồn gốc của địa danh thì với địa danh mang tên Ama Thuột, việc cắt nghĩa nguồn gốc không phải dễ dàng.
Cho đến nay, người ta chỉ biết đến Ama Thuột là một tù trưởng nổi tiếng của người Êđê xưa, còn ông là người thế nào, công trạng của ông, cũng như gia thế, dòng họ ra sao… thì không có câu trả lời nào cụ thể và chính xác. Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm - người đã có hơn 40 năm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Tây Nguyên nói: “Tôi cho rằng Ama Thuột là có thật - một tù trưởng nói theo kiểu của người Êđê là dũng mãnh, và không chỉ dũng mãnh mà còn là người biết thương dân, biết nhìn xa trông rộng vì buôn làng vì quê hương. Một tù trưởng có ảnh hưởng trong khắp vùng.”.
Buôn làng Êđê xưa. Ảnh tư liệu |
Theo những lời truyền tụng trong dân gian, ông Ama Thuột có hai vợ nhưng không có con đẻ, và có tới 5 người con nuôi. Còn theo tư liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa thì Ama Thuột có tên khai sinh là Y Mun H’Dơk. Trong quá trình đi tìm dấu vết Ama Thuột, chỉ có duy nhất một ghi chép được biết đến là của một người Pháp tên Roland Dorgeles thuộc Viện Hàn lâm Goncuort, đăng trên tạp chí Les Aunales số ra ngày 15-5-1930 về đám tang Ama Thuột. Sau này được tác giả Minh Mẫn dịch lại với câu chuyện “Đám tang Ama Thuột” đăng trên tạp chí Xưa và Nay, hiện đang lưu giữ tại bảo tàng Đắk Lắk. Theo đó, mùa hè năm 1923, một người Pháp tên Roland Dorgeles trong khi đi khám phá Đắk Lắk đã chứng kiến đám tang của Ama Thuột và ông đã ghi chép lại sự kiện này như sau:
“Sinh thời ông Ama Thuột là một nhân vật quan trọng. Ngôi nhà của ông ta rất dài, có nghĩa là ông ta rất giàu… Ngay sau khi vị tộc trưởng già qua đời, cả vùng sôi động hẳn lên. Đó không phải là cái chết của ông trùm tang tóc lên Đắc Lắc mà vì không biết ai sẽ là người thừa hưởng những con voi, trâu, ché rượu, cồng chiêng và thóc lúa ông ta để lại. Toàn thể dân Ban Mê Thuột đến dân làng lân cận, và cả các tay thợ săn voi của Bản Đôn đều có mặt lên đường từ ngày hôm trước với ngọn đao trên vai, họ đã phải qua đêm sau hàng rào của trạm bảo vệ nghỉ vì sợ bị cọp vồ. Đàn voi và bầy ngưạ dẫn đầu đám tang… Để đưa được một bậc kỳ hào đến nơi an nghỉ cuối cùng thì gào thét tốt hơn là khóc lóc. Và do đó tiếng gào thét của đám đông xô bồ ấy át cả tiếng trống… Đám tang vị tù trưởng có rất đông người dân Ban Mê Thuột, các buôn lân cận và cả thợ săn voi vùng Bản Đôn đến đưa tang. Huyệt mộ nằm trong một khoảnh rừng thưa, phải dùng đàn voi giày, làm ngã cây mới có lối vào…”.
Bản dịch bài báo về đám tang ông Ama Thuột. |
Bàn về các chi tiết trong ghi chép này, Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm chia sẻ: “Sau năm 1975 tôi và một số nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian có đến thăm ngôi nhà cũ của Ama Thuột. Người ta bảo ngày xưa ngôi nhà cũ nó dài ra đến tận ngoài đường lớn (tức là quốc lộ 14 ngày nay ) sau đó bị cháy rồi mới làm lại. Trong nhà có 2 người cao tuổi trong đó có bà H’ Xuân là dòng họ của Ama Thuột. Đường vào nhà cụ khi xưa có 5 cây Pơ lang cổ thụ 2 người ôm không hết (vì trước đây người ta hay đánh dấu buôn bằng cây gạo), nay là đường Ama Khê. Lúc đó trong nhà vẫn còn ngồn ngộn những hiện vật văn hóa như chiêng, ché, ghế kpan dài, ngắn, to nhỏ... Sau này người ta bán đi lúc nào không biết”.
Cũng theo các nhà nghiên cứu văn hóa, xưa kia nhiều buôn làng của người Êđê, với nhiều ngôi nhà dài nằm dọc theo suối Ea Tam, xuôi theo dòng đổ ra sông Sêrêpôk. Các buôn được điều hành bởi già làng cho mỗi buôn. Những buôn làng đầu tiên trên địa bàn thành phố là: Buôn Kram, buôn Alê, buôn Păn Lăn, buôn Kô Sier... Theo tư liệu lịch sử, năm 1904, người Pháp chuyển Đại lý hành chính từ Bản Đôn, tức huyện Buôn Đôn ngày nay về khu vực buôn của Ama Thuột cai quản, lấy tên là Đại lý hành chính Ban Mê Thuột. Ngày 22-11-1904, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Đắk Lắk, tỉnh lỵ là Buôn Ma Thuột. Cũng trong Ghi chép của nhà văn Roland Dorgeles thì:“Một cách đương nhiên những người Pháp đầu tiên đi ngang vùng này đã lấy tên ông ta để đặt cho nơi này sau trở thành tỉnh lỵ sở của tỉnh Đắk Lắk. Buôn Ma Thuột nghĩa là thành phố của cha ông Thuột. Bởi tại xứ xở kỳ lạ này chính con cái cho cha mẹ tên”.
Bản đồ Buôn Ma Thuột năm 1930. |
Để làm rõ thân thế lai lịch của vị tù trưởng năm xưa, TS. Văn hóa Lương Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk) cũng cho biết:“Ama Thuột là nhân vật có thật chứ không phải chỉ là cái tên. Tuy nhiên do hình ảnh không có, thông tin ít không rõ nét, nên hơn 30 năm nay tôi nghiên cứu về chủ đề này, đã tìm kiếm khắp các trung tâm lưu trữ quốc gia, nhiều thư viện, nhiều nhà sách…; đã tới buôn Kô Sier phỏng vấn và tìm kiếm thông tin về ông và gia đình ông. Đã ngồi tại ngôi nhà sàn của ông nhiều lần, nhưng đã không có bất cứ một hình ảnh nào về ông.
Tôi luôn đặt câu hỏi: Tại sao trên bản đồ của người pháp năm 1905 chỉ có buôn Gram mà không có buôn của Ama Y Thuột. Ông ấy không giống như những người trưởng buôn khác. Tôi nghiên cứu đặt ra nhiều câu hỏi để trả lại đúng tên đúng bản chất của ông. Vậy ông có theo Pháp hay không theo Pháp? Vì những người theo Pháp thì ai cũng được chụp hình còn ông ấy thì không.
Chúng ta lưu ý các thời điểm lịch sử. Bởi con người thì không thoát khỏi lịch sử. Năm 1905, năm 1918, và năm 1930 người Pháp đã có bản đồ hành chính và trên bản đồ đó đã có tên Ban Mê Thuột. Ta thử hình dung thủ phủ tỉnh Đắk Lắk là ở Buôn Đôn từ năm 1889. Sau đó 4 năm người ta dời thủ phủ từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột. Như vậy ông Ama Thuột lúc đó chưa làm trưởng buôn, mà là ông Ama Blơi làm trưởng buôn Kô Sier. Điều này sách của người Pháp có ghi, sách của các nhà khoa học Xã hội học Việt Nam sau 1975 và nhiều sách khác của Viện khoa học Xã hội Việt Nam cũng có ghi Ama Blơi là trưởng buôn - trưởng bến nước Kô Sier. Và Ama Thuột là con rể của Ama Blơi. Dòng họ ông cũng đã và đang được Bảo tàng Đắk Lắk làm gia phả.
Thử hình dung là năm 1904 người Pháp dời thủ phù từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột đến 1923 mới chính thức thành lập lại tỉnh Đắk Lắk. Và cũng trong mùa hè năm này tù trưởng Ama Thuột chết. Ông chết cháy chứ không phải chết do ốm đau bệnh tật và xác được đem về để tại phòng y tế. Cái chết của ông để lại cho tôi nhiều nghi vấn, nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời”.
Đóng góp của Ama Thuột thì chưa rõ thế nào, nhưng cái chết của ông thì qua ghi chép của nhà văn Roland Dorgeles, thì ông chết cháy rồi trong đám tang của ông có xảy ra tình trạng tranh chấp tài sản giữa người con cái nuôi với gia đình của ông. Đám tang ông đông đúc quan khách gần xa đến thăm viếng. Từ ghi chép của nhà văn Pháp, khiến ta dễ dàng hình dung ra tầm cỡ của một tù tưởng năm xưa. Tuy nhiên những gì cụ thể về ông, những đóng góp của ông cho mảnh đất này, thì vẫn còn mơ hồ.
TS. Lương Thanh Sơn cũng cho rằng: “Vì ghi chép về ông ấy rất ít, không rõ nét nên nếu muốn có thì các cấp chính quyền cần căn cứ theo cái phông dữ liệu mà Bảo tàng Đắk Lắk đã tìm mà phát triển thêm, cho dù ít thì cũng phải tìm hiểu để thấy chân dung rõ ràng của ông. Cơ quan có trách nhiệm phải làm rõ. Theo tôi, thậm chí còn phải sang Pháp tra cứu các tư liệu lưu trữ ngày trước nói về Ama Thuột vì ở Việt Nam rất ít, nếu không nói là không có. Điều tôi rất muốn chia sẻ với những con người đang lấy Đắk Lắk làm quê hương của mình: hãy hiểu, hãy tự hào về vùng đất mang tên ông. Vì cội nguồn là cái gì đó mà con người không được quên… nó bao giờ cũng cần cho mỗi con người”.
Còn theo Tiến sĩ sử học Phan Văn Bé: “Lúc cụ ở thế gian do điều kiện lịch sử không có gì lưu lại ngoài một số vật dụng của gia đình nay cũng mất hết. Có thể khi thực dân Pháp đến làm việc với cụ chắc chắn sẽ có hình ảnh và người ta sẽ đang lưu tại Bảo tàng Pháp. Theo tôi thì đây là nhân vật có thật. Vì trong những tư liệu mà người Pháp viết thì lúc Thực dân Pháp muốn đặt tỉnh lỵ tại Buôn Ma Thuột này thì phải tiếp xúc làm việc với cụ và tên tuổi cụ phải được Pháp ghi. Lịch sử đã để lại 1 thành phố mang tên buôn của cụ, thành phố gắn với 1 sự kiện lịch sử nữa là nơi là điểm đầu tiên mở màn cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam bắt đầu từ Buôn Ma Thuột. Khái niệm Buôn Ma Thuột mang tính chất lịch sử rất lớn đối với thế giới. Thành phố gắn liền với tên nhân vật tù trưởng người Êđê thì chúng ta phải biết rõ lai lịch thân thế của cụ để giải thích với khách thập phương đến với Buôn Ma Thuột. Muốn vậy thì phải tiếp tục nghiên cứu về Cụ”.
Thành phố Buôn Ma Thuột mang tên của một người Êđê. Vinh dự ấy không phải đâu cũng có. Thiết nghĩ niềm tự hào đó cần phải được tìm hiểu một cách đầy đủ nhất. Tiếc là, hiện vẫn chưa có công trình nào tiếp tục nghiên cứu về ông một cách bài bản. Và liệu rằng, cái chết của ông, cuộc đời thân thế sự nghiệp của ông có được ghi vào sử sách hay sẽ mãi mãi hư hư thực thực? Câu trả lời vẫn đang còn ở phía trước.
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc