Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa tình khu căn cứ

16:06, 13/02/2021

Gần 46 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những dấu tích xưa của vùng căn cứ cách mạng H9 (huyện Krông Bông) đã có nhiều thay đổi, bị thời gian che lấp, nhưng kỷ niệm về một thời “đói cơm, nhạt muối”, gian khổ, hào hùng cùng tình đồng chí, nghĩa đồng bào vẫn vẹn nguyên trong ký ức của các bậc lão thành cách mạng.

Trở lại xã Cư Pui (huyện Krông Bông) trong dịp khánh thành Bia Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III vào cuối tháng 11 vừa qua, chứng kiến sự đổi thay trên vùng căn cứ cách mạng, ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy không giấu được xúc động, bồi hồi. Trong ký ức của vị lão thành cách mạng nay đã ở vào “tuổi hạc, bóng tùng”, cái thuở “ở rừng” ấy, dù hiểm nguy lúc nào cũng rình rập nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cao đẹp, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; đặc biệt, ơn nghĩa nhân dân đã cưu mang, đùm bọc, chở che cán bộ, chiến sĩ trong những ngày gian lao luôn được khắc ghi, không thể phai mờ.

Ông Lê Chí Quyết nhớ lại: “Người dân ngày ấy cũng rất khổ, nhưng luôn hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng đóng góp nhân lực, vật lực, hưởng ứng mọi lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ. Nhân dân các dân tộc H9 đã đóng góp hàng nghìn ngày công tham gia dân công vận chuyển gạo, muối, quân trang, quân dụng, thuốc men, tải thương và bảo vệ hành lang an toàn phục vụ chi viện cho chiến trường trong tỉnh và khu V…”.

Khánh thành Bia Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III - Ảnh: L.Phương
Khánh thành Bia Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III.  Ảnh: L.Phương
Nằm trên sườn núi Chư Yang Sin (huyện Krông Bông), trong kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn 1965 - 1975, vùng căn cứ cách mạng H9 đã trở thành một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh và cũng là nơi được Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lựa chọn tổ chức 3 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, gồm: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III (tháng 7-1966 tại buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui); Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (tháng 4-1969, tại buôn M’nang Dơng, xã Yang Mao) và lần thứ V (tháng 10-1971, tại buôn H’Ngô, xã Cư Pui, nay thuộc xã Hòa Phong).

Những năm kháng chiến gian khổ ấy, một trong những yếu tố làm nên sức mạnh chiến thắng của ta chính là người dân một lòng son sắt theo cách mạng. Trong các bài học kinh nghiệm quý báu đã được tổng kết qua chặng đường lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh đã đặc biệt nhấn mạnh bài học “lòng dân”. Đó là tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nắm vững và vận dụng đúng đắn chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk, tạo sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong từng giai đoạn cách mạng. Đó là tin dân, dựa vào dân, xây dựng mối quan hệ mật thiết, sống còn giữa Đảng với dân là điều kiện bảo đảm Đảng bộ tỉnh xây dựng và phát triển. Có lẽ bài học về “lòng dân” luôn là bài học quan trọng nhất, đáng ghi nhớ nhất và ở giai đoạn nào, thời kỳ nào cũng luôn vẹn nguyên giá trị. Và tình quân - dân thắm thiết, bền chặt, thiêng liêng của vùng căn cứ H9 chính là một minh chứng rõ nét cho bài học “lòng dân” ấy.

Cùng chung niềm cảm xúc trong ngày trở lại khu căn cứ xưa, ông Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ: “Giờ đây, khu căn cứ cách mạng xưa đã có sự đổi thay rất nhiều. Điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư, xây dựng khang trang, con em được đến trường. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, đường sá đi lại khó khăn, do vậy mong rằng chính quyền các cấp quan tâm đầu tư hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh mà nhân dân các dân tộc nơi đây đã dành cho cách mạng”. Và không chỉ riêng ông Ama H’Oanh, có lẽ với những người đã từng trải qua một phần đời tại khu căn cứ cách mạng H9, khi trở lại vùng đất này trong lòng cũng đều chất chứa nỗi niềm, tri ân với đất và những con người từng một thời bảo bọc, nuôi dưỡng mình.

Được nghe những câu chuyện về truyền thống đấu tranh cách mạng cùng những kỷ niệm của các bậc cha ông đi trước, em H Hiu Niê ở buôn Khanh (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) xúc động chia sẻ: “Qua từng câu chuyện kể của các bậc lão thành cách mạng em càng hiểu rõ những hy sinh, gian khổ mà các thế hệ đi trước đã trải qua để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Càng hiểu lại càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương…”.

Lan Phương

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.