Multimedia Đọc Báo in

Nguyễn Ái Quốc trên quê hương Lênin

14:30, 23/06/2021

Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, tham gia vào Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc biết được nhiều thông tin về nước Nga Xô viết, về cuộc Cách mạng Tháng Mười, về những người Bônsêvích và lãnh tụ Lênin của họ.

Trong Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa, V.I. Lênin đặc biệt nhấn mạnh đến sự đoàn kết quốc tế của những người cộng sản và nhân dân thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù chung là bọn đế quốc, phong kiến vì quyền độc lập của các thuộc địa, quyền tự quyết dân tộc, trong đó có dân tộc thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc nói: “Trong luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Đó là tiền đề để đến năm 1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản). Từ đây, Người trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là bước ngoặt chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản, quyết định đi theo con đường của V.I. Lênin.

Đối với Nguyễn Ái Quốc, việc đến nước Nga là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Ngày 13-6-1923, Người bí mật rời Paris đi qua nước Đức để đến nước Nga. Hơn một năm ở Mátxcơva, ngoài việc học tập, nghiên cứu nâng cao nhận thức lý luận, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc còn tìm hiểu nước Nga Xô viết. Kiến thức trong những năm tháng ở nước Nga đã giúp Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc hơn về Lênin và học thuyết cách mạng của Lênin; về Cách mạng Tháng Mười và những bài học kinh nghiệm quý báu của Nhà nước Nga Xô viết, để từ đó tìm đường trở về gần Tổ quốc, hoạch định một lộ trình cho công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (người ngồi đầu tiên bên trái ) chụp ảnh với một số đại biểu tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản tại Moskva, Nga từ ngày 17-6 đến 8-7-1924.  Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (người ngồi đầu tiên bên trái) chụp ảnh với một số đại biểu tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản tại Moskva, Nga từ ngày 17-6 đến 8-7-1924. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ ba Quốc tế Phụ nữ. Người còn theo học một khóa ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông. Trong thời gian học tập ở đây, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư cho đồng chí Pêtơrốp, Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Trong thư, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: Nguyên nhân đầu tiên đã dẫn tới sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự đơn độc: Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau. Người đề nghị phổ biến cho họ kinh nghiệm tổ chức đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và kinh nghiệm đoàn kết giai cấp chống ách bóc lột của chủ nghĩa tư bản ở các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Ai Cập; đề nghị cử cán bộ nước này sang nước khác hoạt động để tăng cường việc hợp tác trao đổi kinh nghiệm đấu tranh và đoàn kết giữa các dân tộc; đề nghị triệu tập một Tiểu ban Phương Đông họp bàn việc thành lập một nhóm châu Á ở Trường Đại học Phương Đông. Sau nhiều lần đề đạt, nguyện vọng của Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản chấp nhận. Với tư cách là cán bộ Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Người được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước châu Á.

Sau những ngày làm việc bận rộn, Nguyễn Ái Quốc vẫn dành thời gian tìm hiểu nền văn hoá, văn học nghệ thuật Nga: đọc truyện, nghe nhạc, xem kịch hay những phòng tranh và tìm thấy ở đây những kiến thức về đời sống, về cuộc đấu tranh của con người Nga. Sau này, khi nhớ lại thời gian đầu sống ở nước Nga, Bác Hồ thường tâm sự đó là thời gian Người sống sôi nổi và hạnh phúc nhất, cũng chính là thời kỳ Người trưởng thành lên rất nhiều. Từ một người yêu nước nồng nàn, một đảng viên cộng sản, sau một năm rưỡi ở nước Nga, Người trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế có uy tín, là một trong những nhà lãnh đạo của Quốc tế Nông dân, người Việt Nam đầu tiên là cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Nếu thời kỳ ở Pháp, hoạt động của Nguyễn Ái Quốc là tạo liên hệ bước đầu giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới thì những hoạt động của Người ở Mátxcơva đã khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Đó là cơ sở, là tiền đề, là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho giai đoạn chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Nguyễn Cẩm


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.