Qua miền mơ tưởng
LTS: Năm 2009, loạt phim 36 tập “Tây Nguyên - Miền mơ tưởng” do VTV Đà Nẵng sản xuất và phát sóng, sau đó phát lại trên các kênh VTV, kênh truyền hình của các đài địa phương được khán giả đón nhận tích cực.
Có thể nói, “Tây Nguyên - Miền mơ tưởng” đã giới thiệu một cái nhìn tương đối toàn diện, hệ thống về nhiều khía cạnh của một Tây Nguyên đã và đang phát triển, một Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa… Dưới đây là hồi ức của nhà báo Phạm Xuân Hùng, một thành viên trong êkip làm phim, với những ấn tượng sâu đậm về miền đất Tây Nguyên những ngày ấy…
Tôi may mắn nằm trong nhóm thực hiện loạt phim “Tây Nguyên - Miền mơ tưởng” với các đạo diễn đàn anh và bạn bè: Đoàn Huy Giao, Trương Vũ Quỳnh, Trà Xuân Phương. Sau nhiều lần bàn bạc, thảo luận, chúng tôi nhất trí lấy tên chung cho loạt phim và cũng thống nhất kịch bản gồm 36 tập, thời lượng mỗi tập là 20 phút. Trước khi bấm máy chúng tôi cũng thống nhất dù mỗi người có phong cách làm phim khác nhau nhưng format chung của các tập là sự pha trộn giữa nội dung chính luận với các yếu tố khác như khám phá (discovery), lịch sử - văn hóa, địa chí… Vì sự pha trộn đó mà kịch bản riêng lẻ cho từng tập khá đa dạng, có tập phim nói về vùng đất cụ thể, có tập gắn bó với nhân vật, có tập lại là câu chuyện phối trộn giữa ký ức với thực tại.
Tôi không có ý định kể chuyện bếp núc của nhóm làm phim, chỉ kể lại những cảm nghiệm cá nhân khi thực hiện phần việc của mình với vùng đất mà tôi gắn bó phần lớn thời gian làm báo. Còn nhớ năm 1996, lần đầu tiên đặt chân lên Buôn Ma Thuột tôi đã choáng ngợp trước sự hùng vĩ của núi non, sông suối miền cao nguyên đất đỏ bazan này. Từ đó, tôi đã thực hiện hàng chục phim tài liệu nghệ thuật tại đây như các phim: “Sắc màu Êđê”, “Hùng vĩ Yok Đôn”, “Nơi những dòng sông đi qua”, “Krông Năng, hương đất hương rừng”, “Huyền thoại của rừng”, “Hồ Lắk - buôn Jun”, “Thảo nguyên xanh”, “Dọc đường 27”, “Da diết Êi ray”, “Sử thi M’nông”, “Voi Tây Nguyên”… Vì đã có nhiều chuyến đi lại vùng đất phía nam Tây Nguyên nên khi tham gia dự án phim “Tây Nguyên - Miền mơ tưởng”, tôi được phân công sản xuất 7 tập ở địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Rất vui, cả vinh dự, nhưng với tôi trên hết là có được thêm lần nữa “nhìn” thật gần vùng đất mà mình gắn bó.
Trước hết, là dịp được đọc lại những tài liệu về Tây Nguyên, trong nước có, ngoài nước có. Trong nước là sách dân tộc học của các tác giả nổi tiếng như Từ Chi, Đặng Nghiêm Vạn…, các tập san Sử Địa xuất bản thời chính quyền Sài Gòn. Ngoài nước là các tác giả nghiên cứu chuyên sâu Tây Nguyên như Georges Condominas, Jacques Dournes... Thậm chí còn tìm đến bạn bè để trò chuyện khai thác thêm về Tây Nguyên. Chính sự “lang thang” qua sách vở này cho tôi cái nhìn tổng quan, logic hơn về Tây Nguyên, là sự "gây men" cảm xúc cho những hình ảnh ghi nhận được về sau.
Giữ nếp nhà dài của người Êđê. Ảnh: Hoàng Gia |
Nhưng “miền mơ tưởng” thực sự tôi nhìn thấy ở Tây Nguyên trong những ngày làm phim là luôn có một Tây Nguyên thăm thẳm và một Tây Nguyên quẫy cựa. Tây Nguyên thăm thẳm bởi chiều sâu không gian sinh tồn của rừng núi, sông, suối, buôn làng bên cạnh một Tây Nguyên khao khát để phát triển. Có gì khác nhau đâu, bởi trước tôi rất lâu, Jacques Dournes - trong những nghiên cứu của mình đã chỉ ra sự mâu thuẫn ở vùng đất này, giữa ước vọng tìm về văn minh và sự níu kéo của đại ngàn hoang dã. Đó là một Buôn Đôn từng là “siêu thị voi” lớn nhất Đông Dương giờ chỉ còn âm vọng trong tiếng tù và của Ama Kông (trong tập phim “Xứ sở của thần Ngoach Ngoal”), là những dòng sông đầy huyền tích đang dần mất đi vẻ đẹp ngàn đời (trong tập phim “Dàn đồng ca Sêrêpốk”)…
Trong hành trình làm phim, tôi cũng đã nhìn thấy những biến động trong suốt chiều dài lịch sử của Tây Nguyên, nhất là ở phía nam cao nguyên M’nông. Thời hiện đại, nếu tính bắt đầu từ những cuộc di dân theo chế độ dinh điền của Ngô Đình Diệm (như ở Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) thì người Kinh mới xuất hiện. Nhưng trước đó, khi người Pháp đặt ách cai trị và tiếp theo trải dài hai cuộc kháng chiến vệ quốc, người dân Tây Nguyên đã đứng lên bằng tinh thần thượng võ và hào khí miền sơn cước (trong tập phim “Hào khí Nơ Trang Lơng”, “Theo dấu chân Đam San”). Có thể nói, Tây Nguyên đã ghi tên mình vào lịch sử bằng những sự kiện lớn như Khởi nghĩa Tây Sơn, Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10-3-1975… Những dấu mốc lịch sử đó đã khiến Tây Nguyên luôn hiện diện trong niềm say mê, háo hức của những ai yêu mến vùng đất này.
Trong các tập phim của tôi, hai thành phố lớn ở phía nam cao nguyên là Buôn Ma Thuột và Gia Nghĩa đều xuất hiện. Là đô thị hạt nhân, cả hai đều đang vươn mình trong tấm áo văn minh, hiện đại. Nhưng thật khó khăn khi phải giải quyết bài toán quy hoạch và phát triển, làm sao để thoát khỏi chiếc bóng đô thị Đà Lạt sừng sững, làm sao để làn sóng công nghiệp không “nuốt chửng” hình ảnh những ngôi nhà dài, những “giọt” nước, tiếng chiêng vang ngân? Không phải là nhà hoạch định chính sách, với tư cách của người làm phim, tôi chỉ “vẽ” lên những khát vọng và mong cho những khát vọng ấy trở thành hiện thực (trong các tập phim “Buôn Ma Thuột”, “Giấc mơ Gia Nghĩa”).
Một nhà văn hóa nào đó đã nói: Có những vùng đất phải hiểu rồi mới yêu, có những vùng đất phải yêu rồi mới hiểu. Nhưng Tây Nguyên trong tôi luôn song hành: Càng yêu càng muốn hiểu, và hiểu nhiều chừng nào thì tình yêu cũng lớn lên chừng ấy. Và để khép lại bài viết này, xin được mượn lời hát của người Ba Na đươc dùng làm đề từ cho seri phim “Tây Nguyên - Miền mơ tưởng”: “Chán kẻ khác xin hãy đến với ta. Cho bữa cơm không bao giờ hụt hẫng. Cho ghè rượu không bao giờ vơi”. Một lời mời gọi khiêm tốn nhưng ăm ắp tấm chân tình của Tây Nguyên.
Bút ký của Phạm Xuân Hùng