15:24, 28/10/2010
Dân tộc Brâu còn gọi là Brao, cư trú tập trung ở làng Dak Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Tiếng Brâu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer.
Đồng bào quan niệm "vạn vật hữu linh". Pa xây là vị thần sáng tạo ra vũ trụ, trời, đất, sông, suối, mưa, gió, sự sống và cái chết.
|
Người Brâu ở Kon Tum |
Dân tộc Brâu đã bao đời du canh du cư. Người Brâu chủ yếu đốt rừng làm rẫy để trồng các loại lúa, ngô, sắn, với công cụ sản xuất thô sơ như: rìu, rựa và chiếc gậy chọc lỗ tra hạt, năng suất cây trồng thấp. Ngôi nhà truyền thống của người Brâu là nhà sàn, bếp đun nấu ở ngay trên sàn.
|
Sắc phục của thiếu nữ Brâu |
Người Brâu có tục xăm mặt, xăm mình và cà răng. Phụ nữ đeo nhiều vòng trang sức ở tay chân và cổ, đeo hoa tai lớn làm bằng ngà voi hoặc khanh ống nứa. Thường ngày nam đóng khố, nữ quấn váy, đều ở trần.
Thanh niên nam nữ Brâu được tự do lấy vợ, lấy chồng. Nhà trai tổ chức hỏi vợ phải nộp lễ vật cho nhà gái, nhưng đám cưới thì tiến hành tại nhà gái và chàng rể phải ở lại nhà vợ khoảng 2 đến 3 năm rồi mới được làm lễ đưa vợ về ở hẳn nhà mình.
|
Chiếc áo dệt bằng sợi cây rừng - một trang phục xưa của người Brâu |
Theo phong tục người Brâu, người chết được đưa ra khỏi nhà, cho vào quan tài độc mộc và quàn tại một căn nhà riêng do dân làng dựng lên. Mọi người đến chia buồn, gõ chiêng cồng, mấy ngày sau mới mai táng. Những ché, gùi, dao, rìu... bỏ lại trong nhà mồ là số của cải gia đình cho người chết.
|
Nhạc cụ gõ (bằng đồng) của người Brâu |
Người Brâu ưa thích chơi cồng chiêng và các nhạc cụ cổ truyền. Chiêng cồng có các loại khác nhau. Đặc biệt có bộ chiêng tha chỉ gồm hai chiếc, nhưng có thể trị giá từ 30 đến 50 con trâu. Các thiếu nữ thường chơi Klong pút là nhạc cụ gồm 5-7 ống lồ ô dài ngắn không đều nhau đem ghép với nhau, tạo âm thanh bằng đôi bàn tay vỗ vào nhau ngoài miệng ống. Khi ru con hoặc trong đám cưới, người Brâu có những điệu dân ca thích hợp. Những trò thả diều, đi cà kheo, đánh phết cũng là sinh hoạt vui chơi của thanh thiếu niên.
|
Trống là nhạc cụ không thể thiếu cho các cuộc vui |
Đây là một trong số tộc người có số dân ít nhất ở nước ta hiện nay, chỉ có khoảng trên dưới 200 người.
Đ.T (giới thiệu)
(Nguồn tài liệu: Việt Nam hình ảnh cộng đồng 54 dân tộc - NXB Văn hóa dân tộc)
Ý kiến bạn đọc