Ấm nồng làn điệu dân ca Cor
Các làn điệu dân ca là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống của bà con dân tộc Cor ở huyện miền núi Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam). Không biết từ bao giờ các làn điệu dân ca độc đáo ấy đã thấm sâu vào tâm thức của họ như máu thịt để hôm nay âm hưởng của nó vẫn được bà con Cor nơi đây gìn giữ và bảo tồn gần như nguyên vẹn...
Clu là một điệu dân ca của người Cor có từ lâu đời. Trong các lễ hội truyền thống như: Lễ ăn mừng lúa mới (Xa-pa-nưu), Lễ ăn mừng nhà mới (Xa-như-ra-vát), Lễ hội ăn trâu huê (Xa-ố-Piêu), Tết mùa (Xa-a-ní)... không thể thiếu làn điệu dân ca độc đáo này với lối diễn xướng vừa hát Clu vừa cúng. Clu còn được người Cor sử dụng trong các dịp cúng trâu, heo, cúng gà để cầu đất, trời phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình khỏe mạnh, dân làng đoàn kết...Theo truyền thống, Clu chỉ được người Cor sử dụng trong nghi thức cúng tế là chính. Làn điệu Clu mang dáng dấp của một bài văn tế thể hiện tấm lòng thành của gia đình đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người đã khuất. Nội dung dân ca Clu, ngoài ý nghĩa mời gọi tổ tiên, ông bà, cha mẹ, ma tốt về chứng giám cho lòng thành của con cháu còn thể hiện sự cầu khẩn thần linh hoặc người đã khuất bỏ qua những sai sót, lỗi lầm của người còn sống, phù hộ cho cá nhân, gia đình, cộng đồng được khỏe mạnh, an lành trong cuộc sống. Trong mâm cỗ cúng trong nhà, bên mâm để đầu heo, gà, các già làng ngồi quanh để hát Clu, tốp múa Kađấu vẫn diễn bình thường.
Đối với lễ hội đâm trâu huê, từ khi người Cor bắt đầu nấu rượu làm bánh, người ta đem trâu vào cột ở cây nêu để chuẩn bị cho lễ đâm trâu và cả trong lúc đâm trâu thì một nhóm già làng từ hai đến sáu người vẫn hát Clu. Có thể nói, Clu là một loại hình hát kể về những câu chuyện, những bài học quí, những nghĩa cử tốt đẹp của ông bà, cha mẹ những người đã khuất nhằm giáo dục con người làm những điều thiện và tốt đẹp trong cuộc sống.
Các thiếu nữ Cor đang hát đối đáp (Agiới) dưới mái nhà làng của cộng đồng. |
Người Cor còn có hình thức hát đối đáp gọi là A giới gần giống như hát hò khoan của người Kinh, giống hát lý của người Cơ Tu. Đây là loại hình hát ứng đáp tại chỗ với nội dung thường là động viên nhau trong lao động và sản xuất, dặm hỏi vợ chồng, thông gia hát đối đáp với nhau để thăm hỏi sức khỏe công việc đồng áng nương rẫy... Thường chỉ có nam giới tham gia hát A giới, đôi khi cuộc hát đối đáp kéo dài cả đêm tới tận khi gà trong bản cất tiếng gáy mới kết thúc. Người hát phải ứng khẩu, diễn đạt tốt những lời hay ý đẹp. Một câu hát ấy thường mở đầu với nốt Rê kéo dài tự do rồi đến giai điệu lý láy chủ yếu ở nốt Si và La và kết thúc bằng nốt La. A giới là điệu hát gần giống với Clu nhưng chỉ khác là A giới mạnh mẽ và thường ngắn gọn hơn trong ca từ, còn Clu thì nhẹ nhàng hơn, tiếng đệm kéo dài và ca từ thì dài hơn. Chẳng hạn:
Khi dặm hỏi vợ chồng cho con thì nhà trai thường hát A giới với nhà gái: " Khi tôi đến đây, thấy nhà anh có bông hoa đẹp, muốn hái nhưng sợ anh không cho?”. “Hoa nhà tôi thì rất đẹp nhưng chưa có ai hái, nếu anh muốn hái thì chúng tôi bằng lòng". Nếu như cô con gái đã có người thương hoặc đã có chồng, thì nhà gái thường hát A giới với điệu dứt khoát: “Hoa nhà tôi thì rất đẹp nhưng nó có nhiều gai nên anh không dễ hái được đâu..."
Nếu như làn điệu Clu được sử dụng trong các lễ cúng thì làn điệu Xadru được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, động viên nhau trong lao động và sản xuất. Cả nam và nữ đều có thể hát Xadru trong dịp làng tổ chức lễ hội truyền thống, họ cùng hát chung cả nóc với phần đệm của các nhạc cụ truyền thống như: đàn Vơ ró, kèn A máp, kèn Ra ngoái... Nội dung Xadru trước đây thường nói về lao động sản xuất, động viên nhau làm ăn... ngày nay chủ yếu ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Chính phủ với những đường lối đúng đắn giúp đồng bào thoát cảnh đói nghèo, ca ngợi cuộc sống chan hòa tình cảm và những việc làm tốt đẹp, đồng thời cũng phê phán những suy nghĩ, những thói hư tật xấu, những việc làm không tốt của một số bộ phận không nhỏ hoặc cá nhân người Cor...
Ví như trong cúng cơm mới, hát Xadru để kêu gọi thần linh về đón nhận lễ vật:
”Ơ...ơ... lúa này từ nương rẫy của ta. Bắp này từ rẫy của ta... Ta không còn sợ con ma đói. Nay ta có lúa, có bắp. Ta cúng cho rẫy bảy con gà. Ta cúng cho nương ba con lợn... Ơ...ơ...” Chẳng hạn khi đám rẫy bị bạc màu, đất xấu, để kịp thời động viên nhau làm ăn...Xadru thường được người Cor hát với nhau: " Lúa, bắp nhà anh ít hạt kém quả vì lẽ bị chim chuột nó ăn, anh nên giữ lúa, bắp thì chắc nó sẽ có nhiều hạt và quả thôi. "
Ca ngợi công cuộc đổi mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ; phê phán những thói hư tật xấu trong buôn làng, người Cor hát ơ... ơ... Anh em mình ơi xuống đồng bằng. Mình đừng học những điều xấu. Đừng bắt chước điều không hay. Quên cội, quên nguồn...”
Người già làng Cor đang hát điệu Clu mời gọi thần linh, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, ma tốt về dự lễ hội truyền thống của làng. |
Khác với A giới, hát A ly là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ với nhau (cũng có trường hợp nam hát với nam, nữ hát với nữ nhưng ít phổ biến). Thường nội dung hát A ly đề cập đến tình yêu đôi lứa nam nữ. Nam nữ gặp nhau, hát đối đáp bằng những lời hát "bóng gió" văn hoa. Chẳng hạn cô con gái Cor thổ lộ: " Anh ơi, anh đứng đó làm gì, anh chờ ai ?”. Người con trai trả lời: " Anh đứng đây chờ đợi một mình em, em đừng đi đường khác mà không biết đường về ! "
Đã có rất nhiều đôi nam nữ Cor nên duyên chồng vợ qua những lần gặp gỡ giao lưu trong những ngày hội hát A ly. Khi hát A ly, nam sẽ là người hát trước, sau đó mới đến nữ hát đối đáp lại.
Nếu như A giới bắt đầu nốt Rê kéo dài tự do thì A ly cũng có nốt Rê, nhưng lại có hai đến ba nốt lấy đà. Kết thúc một câu ca lưu luyến lên Si rồi lại nghỉ đột ngột. Nhìn chung giai điệu A Ly cũng giống như A giới nhưng ca từ trong sáng và mạch lạc hơn.
Trong các dịp lễ hội truyền thống, bà con người Cor hát những làn điệu dân ca của dân tộc mình giữa không gian bao la của núi rừng đại ngàn. Những làn điệu dân ca thân thiết ấy thấm vào họ như máu thịt tự thuở nào mà người già không nhớ nữa, chỉ biết rằng từ ngàn xưa con trai, con gái, đàn ông, phụ nữ Cor đã biết làn điệu dân ca. Đặc biệt khi Tết đến xuân về những âm hưởng đó vẫn ngân nga nơi non ngàn vùng Trường Sơn - Tây Nguyên... Đến nay, những làn điệu dân ca của dân tộc Cor vẫn được bảo tồn, gìn giữ và nâng niu trân trọng, một cách nguyên vẹn. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc của người Cor huyện miền núi Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc