Multimedia Đọc Báo in

Một số lưu ý khi bàn về luật tục

08:05, 11/12/2010

Luật tục có vai trò rất quan trọng trong quản lý xã hội tại các cộng đồng dân tộc thiểu số. Nhưng hiện nay trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu luật tục, có một số quan niệm chưa đúng về luật tục khiến quá trình vận dụng luật tục gặp khó khăn.

Thứ nhất, một số ý kiến cho rằng luật tục chỉ tồn tại ở xã hội bộ lạc. Trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng luật tục tồn tại ở mọi xã hội, kể cả xã hội công nghiệp.

Thứ hai, một bộ phận công chức cho rằng luật tục thường khuyến khích các hoạt động lạc hậu, ngăn cản sự phát triển và hiện đại hóa.  Quan niệm này là phiến diện bởi luật tục có hiệu lực cao hay không phụ thuộc vào tình huống cụ thể ở từng địa phương. Có nhiều trường hợp luật tục thích ứng rất tốt với điều kiện xã hội hiện đại.

Thứ ba, trong quan niệm của một số luật gia, luật tục mang tính tùy tiện. Xét về bản chất, luật tục trong vài trường hợp có thể không chú ý tới công bằng cho cá nhân nhưng lại hướng tới sự đồng thuận xã hội. Luật tục được áp dụng trong những bối cảnh xã hội đặc biệt, không chỉ thực hiện với mục đích đạt được công lý mà còn có cả sự hài hòa xã hội.

Lễ cúng bến nước của người Êđê. (Ảnh: Lan Anh)
Lễ cúng bến nước của người Êđê. (Ảnh: Lan Anh)


Thứ tư, có quan niệm cho rằng luật tục không có văn bản nên không có tính hiệu lực. Mặc dù phần lớn luật tục không có văn bản nhưng luật tục lại được tồn tại thông qua truyền miệng và chính vì không có văn bản nên tính cơ động của luật tục cao. Và vì thế, trong điều kiện xã hội phù hợp, luật tục có thể có hiệu lực cao.

Thứ năm, nói tới luật tục là nói tới “luật cũ kỹ”. Nhưng các nghiên cứu sưu tầm cho thấy một số luật tục có từ rất lâu nhưng cũng có luật tục có nguồn gốc gần đây.

Thứ sáu, luật tục là bất biến, lạc hậu, không thay đổi và không tiến triển. Đó là quan niệm chưa đúng bởi vì luật tục thường xuyên biến đổi thông qua các hành động, có thể thay đổi từ nhẹ tới mạnh để ứng phó với những thay đổi bên trong hoặc bên ngoài.

Thứ bảy, có ý kiến cho rằng luật tục sẽ biến mất khi luật Nhà nước xuất hiện. Tuy nhiên, luật tục là một bộ phận cấu thành của văn hóa. Luật tục sẽ còn tồn tại, ngay cả ở những xã hội có luật Nhà nước chặt chẽ.

Trên đây là một số lưu ý khi bàn về luật tục nhưng những “quan niệm sai” vẫn có phần đúng và những “quan niệm khác” chưa hẳn đã đúng ở mọi xã hội. Tuy vậy, về cơ bản, nếu chúng ta có cái nhìn phiến diện về luật tục thì sẽ rất khó khăn khi vận dụng luật tục trong quản lý xã hội.

 

Trương Thị Hiền

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.