09:08, 31/08/2011
Với người dân thôn 13 (xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar) Tết Độc lập là dịp để mọi người cùng tưởng nhớ về tổ tiên, công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giáo dục cho con cháu về tinh thần Cách mạng của quê hương, về truyền thống yêu nước của dân tộc.
Thôn 13 hiện có 151 hộ với hơn 764 khẩu, trong đó 99% là dân tộc Dao từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào sinh sống từ những năm 1990. Cũng như bao vùng quê khác, vào những ngày Tháng Tám lịch sử, bà con dân tộc Dao nơi đây náo nức chuẩn bị các lễ vật để đón chào ngày Tết Độc lập đang về. Theo bà Dương Thị Náy, một người già trong thôn cho biết: Trước năm 1945, người dân quê bà vô cùng khổ cực dưới chế độ cai trị hà khắc của thực dân phong kiến, nhưng từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dân làng được hưởng tự do, độc lập, được làm chủ ruộng vườn, nương rẫy nên ai cũng vui. Kể từ đó trở đi, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 2-9 là dân làng lại hân hoan tụ hội mở tiệc ăn mừng... Về thôn 13 vào những ngày này, từ đường làng, ngõ xóm đến mỗi nếp nhà, tất cả đều được dọn dẹp ngăn nắp, khang trang, rực rỡ cờ hoa. Bà con trong thôn đã tạm gác lại cái cày, cái cuốc sau một vụ làm mùa mệt nhọc để sắm sửa mâm cỗ cúng mời gia tiên về ăn Tết, chia vui cùng con cháu.
|
Phụ nữ Dao duyên dáng trong trang phục truyền thống. |
Từ đêm 1-9, trong mỗi gia đình, mọi người thường tập trung lại, đàn ông, con trai làm thịt lợn, còn chị em phụ nữ thì gói bánh, đồ xôi và chuẩn bị sẵn rượu ngon, thịt lợn, gà, vịt, cơm nếp mới để thiết đãi anh em, bà con. Thường để chuẩn bị cho cái Tết Độc lập được đầy đủ tươm tất, từ đầu năm, sau khi ăn Tết Nguyên đán xong, mỗi nhà trong làng mua một con lợn, chục con gà, vịt… về nuôi sẵn. Nếu nhà nào khó khăn hoặc ít người thì góp chung với gia đình hàng xóm để nuôi. Tết Độc lập với người Dao không chỉ là một ngày kỷ niệm thuần túy mà còn là ngày hội lớn để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng. Từ sáng sớm trên một bãi đất đã được phát quang sạch sẽ, các cụ già, trẻ em, nam thanh nữ tú trong những bộ váy áo truyền thống cùng tụ về đông đủ để tham gia cổ vũ, chơi các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao, đốt lửa trại, hát đối…mừng ngày Độc lập. Đây cũng là dịp để trai gái trong làng có cơ hội tìm hiểu, trao duyên. Có lẽ vui nhất là các em nhỏ, bởi ngày Tết Độc lập không chỉ được vui chơi thỏa thích, được mặc quần áo mới cùng bố mẹ đi thăm người thân trong họ hàng mà với các em sau Tết Độc lập là một năm học mới với niềm vui gặp lại bạn bè, thầy cô sau 3 tháng hè. Với người dân nơi đây, Tết Độc lập đã trở thành một dấu mốc quan trọng để đánh giá thành tích các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa… của mỗi hộ trong thôn. Những năm qua, nhiều gia đình nhờ chịu khó học hỏi, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế nên tỷ lệ hộ khá đạt 60%, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 13%, thôn không còn hộ đói. Công tác xã hội hóa giáo dục, đền ơn đáp nghĩa luôn được chú trọng, 100% trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường, các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi đã dỡ bỏ, 100% hộ gia đình được dùng điện thắp sáng, đường làng ngõ xóm bảo đảm vệ sinh sạch sẽ… Trong năm 2010, toàn thôn có gần 70% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Ông Đặng Hữu Kim, thôn phó chia sẻ: “Nhờ thực hiện phong trào "Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", ăn Tết Độc lập tiết kiệm, không tổ chức linh đình kéo dài ba, bốn ngày lãng phí như trước, hạn chế được người dân say rượu quậy phá nên an ninh-trật tự thôn xóm luôn được giữ vững”. Với những kết quả trên, thôn 13 vinh dự được công nhận danh hiệu Thôn Văn hóa cấp huyện năm 2010.
Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc