Vẻ đẹp của… “góc con người”
“Hàm răng cái tóc - là góc con người” - câu ca ấy đã nói lên vẻ đẹp không thể thiếu của một nụ cười với hàm răng đẹp. Tuy nhiên, “cái đẹp” của răng của tóc ở mỗi dân tộc cũng được quan niệm một cách khác nhau. Hơn thế, ở mỗi thời điểm, cái đẹp về hàm răng mái tóc cũng được thể hiện theo một cách riêng...
Răng đen ai nhuộm cho mình!
Thời xa xưa, hàm răng đẹp của người Kinh là hàm răng phải được nhuộm cho đen bóng: “Răng đen ai nhuộm cho mình/ Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say” ; hoặc: “Năm quan mua lấy miệng cười/ Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen”. Thủa ấy, khi trai gái đã được mười tuổi, nghĩa là hàm răng sữa đã được thay thế hoàn toàn, thì có thể nhuộm răng được rồi. Việc nhuộm răng phải tuân thủ theo từng công đoạn nghiêm ngặt: Đầu tiên là dùng nước chanh trộn với cánh kiến giã nhỏ, đậy kín ngâm trong vòng 7 ngày. Khi cánh kiến đã tan thành một chất sền sệt thì lấy hai mảnh lá dừa hoặc lá cau nhỏ quết vào rồi ấp vào hai hàm răng. Công việc này phải làm vào buổi tối trước khi đi ngủ, sau khi đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Thời gian 5 đến 7 ngày sau đấy, người nhuộm răng chỉ được ăn thức ăn mềm (nuốt chứ không được nhai) để giữ cho màu nhuộm khỏi phai. Khi thấy răng chuyển sang màu đỏ ngà (màu cánh kiến) thì bắt đầu bôi thuốc đen (thuốc đen là hỗn hợp được pha trộn bởi phèn đen và cánh kiến). Sau cùng dùng sọ dừa đốt cho chảy nhựa; dùng nhựa đó quết vào răng (gọi là “giết răng”) để màu đen đã nhuộm khó có thể phai ra được. Mỗi năm nhuộm như thế một lần; nhuộm cho đến năm ba mươi tuổi thì dừng, và răng cứ thế đen mãi.
Hàm răng đen đã là vẻ đẹp một thời của người Việt. Hàm răng đen kèm với tục ăn trầu đã khiến cho người phụ nữ Việt Nam có một nét duyên riêng: “ Đỏ trầu nhuộm với răng đen/ Cho duyên thêm thắm, cho anh nhớ mình...”
Phụ nữ thiểu số các tỉnh phía Bắc, phổ biến là người các dân tộc Mông, Dao, Tày lại có tập quán bịt răng bằng bạc hoặc vàng. Còn đối với một số tộc người ở vùng Tây Nguyên lại có tục cà răng, tức là dùng đá để mài hoặc dùng dao để cắt cho sát lợi. Tùy tập quán, phong tục từng vùng mà người ta cà đi 4 hoặc 6 chiếc răng cửa hàm trên. Đối với người dân tộc Giẻ Triêng, sau vụ thu hoạch lúa rẫy, ăn tết mừng lúa mới xong dân làng thường tổ chức cà răng một lần cho tất cả trai gái đến tuổi (thường từ 15 -16 tuổi). Trai gái thuộc lứa tuổi này được tập trung về ngôi nhà chung của làng. Trong tư thế nằm ngửa, họ được những người đã từng cà răng dùng hòn đá mài dần cho đến khi 4 chiếc răng cửa hàm trên cụt sát lợi; sau đó dùng quả chuối non nướng mềm cắn chặt cho lợi đỡ chảy máu. Đây là một việc làm gây đau đớn đến tận óc cho những người được cà răng, nhưng do không khí ngày hôm đó như ngày hội nên khiến họ nguôi ngoai được phần nào; bởi làng giết trâu, mổ gà làm lễ cúng thần mừng có thêm các thành viên trong làng đến tuổi trưởng thành, mọi người vui vẻ ăn uống, nhảy múa và chơi các nhạc cụ truyền thống. Trong suốt thời gian cà răng, khách lạ không được phép vào làng.
Người dân tộc Êđê thì cà 6 chiếc răng cửa. Người chịu cà răng sau lễ cúng xin Yàng, cũng nằm giữa sàn nhà, miệng ngậm miếng gỗ mềm. Một người có kinh nghiệm dùng một dụng cụ bằng sắt kiên trì cưa đứt từng răng một, trong khi chung quanh có nhiều người động viên, an ủi cho người bị cà răng bớt đau đớn. Khi 6 răng đã được cưa đứt, người đó súc miệng nước ấm rồi dùng nhựa cây Krai bôi vào cho chân răng chắc và đen. Còn đối với người M’nông sau khi dùng đá cà cụt 4 chiếc răng, họ dùng que tăm khóet bỏ hết tủy răng. 4 chiếc răng cửa hàm dưới thì được gọt nhọn đi...
Nhìn chung, theo quan niệm truyền thống của người Tây Nguyên thì hàm răng có cà mới là hàm răng đẹp, mới là bình thường. Thanh niên nam nữ có cà răng mới được coi là người trưởng thành thực thụ. Có như vậy, họ mới không bị cộng đồng chê cười, và mới được lấy vợ lấy chồng một cách bình thường. Vì vậy, người ta chịu đựng đau đớn và chấp nhận đau đớn để được cà răng như một lẽ đương nhiên; chưa một ai né tránh để rồi mang tiếng là kẻ dị thường.
Có thuyết cho rằng: tục cà răng liên quan sâu xa đến tục “ Thành Đinh” từ thời nguyên thủy. “Thành Đinh” là lễ công nhận một thành viên trong cộng đồng đã đến thời gian trưởng thành; lễ này thường kèm theo những thử thách nghiệt ngã buộc mỗi người phải trải qua để” trở thành người lớn”. Tục cà răng này cũng có thể liên quan đến tín niệm Tô-tem giáo thời nguyên thủy có liên quan đến con trâu, bởi từ xa xưa người ta tôn sùng con trâu làm vật tổ; và, để cho giống với vật tổ, họ đã cưa cụt hàm răng trên (con trâu không có hàm răng trên).
Như vậy là : cái đẹp được xuất phát từ quan niệm rất khác nhau của mỗi tộc người. Đối với người kinh thủa xưa là hàm răng đen nhóng nhánh hạt huyền; người dân tộc thiểu số phía Bắc là răng bịt vàng, bịt bạc; người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên là hàm răng bị khuyết từ 4 đến 6 chiếc răng cửa. Ngày nay, quan niệm về vẻ đẹp của hàm răng mái tóc đã khác xưa nhiều lắm. Tuy nhiên, dầu sao thì chúng ta cũng thấy được rằng sự đa dạng ấy đã làm nên sự phong phú, đậm đà của văn hóa các dân tộc trên đất nước Việt Nam thân yêu...
Ý kiến bạn đọc