Tục “ăn trâu” ở Tây Nguyên
Con trâu ở Tây Nguyên không phải là vật nuôi để cày kéo (khác với con bò) mà là con vật gắn liền với tín ngưỡng đa thần của cư dân bản địa. Theo thần thoại của một số tộc người Tây Nguyên, con trâu còn là “Vật tổ” (một số tộc người có tục cưa răng cho giống tổ). Do đó, người ta nuôi trâu chỉ để làm lễ vật hiến sinh trong các lễ cúng quan trọng, hoặc để trao đổi những vật dụng quý như ching (chiêng), ché, voi... chứ hoàn toàn không sử dụng để cày bừa hay kéo xe như ở miền xuôi. Đối với những lễ thức chung của cộng đồng hoặc lễ lớn của những gia đình giàu có như: ăn cơm mới, cúng bến nước, bỏ mả, ăn mừng thắng lợi, mừng năm mới...., nếu không có “ăn trâu” thì chưa được coi là một lễ trọng. Tùy theo mức độ non già của trâu (căn cứ vào độ dài và cong của sừng), đồng bào gọi “trâu một em” hoặc “hai em”, tức đã sinh đẻ một, hai lần mà đánh giá lễ lớn hay nhỏ. Trâu càng già, sừng càng dài, lễ càng được coi là lớn.
“Ăn trâu” là tên gọi chính thức của tục hiến sinh này (“đâm trâu” là cách gọi của người miền xuôi) trong các lễ thức cúng Yang. Tuy nhiên, không phải tộc người nào cũng có nghi lễ đâm trâu. Có nơi, như trong các lễ của người Êđê, người ta chỉ giết trâu, cắt lấy đầu, đuôi bày lên mâm cúng chứ không có nghi lễ đâm trang trọng. Đa số các tộc người khi ăn trâu đều có nghi lễ cụ thể, kết hợp với múa hát.
“Khóc trâu” là một trong những bài ca có giá trị nghệ thuật và mang tính nhân văn sâu sắc. Nội dung là lời tạm biệt, cám ơn con vật đã vì sự tồn tại sống còn của cả cộng đồng mà chịu làm vật hiến sinh. Nghi lễ này hầu như tộc người nào cũng có. Nghệ nhân A Tung Vẻh, người dân tộc Cơ Tu ở Quảng Nam đã từng đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc “Sơn ca 91” tại Đà Lạt và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Buôn Ma Thuột 1993 cũng với bài ca “khóc trâu”. Trong những “lễ đâm trâu” dành cho khách du lịch tháng ba hằng năm ở Buôn Đôn “tiết mục” khóc trâu này vẫn được các thầy cúng thực hiện.
Nói về nghi thức đâm trâu. Để chuẩn bị đâm trâu, dù là lễ của cả plei (làng) hay của một gia đình, người Jrai đều phân công một số trai làng vào rừng tìm chặt một cây Blang (bông gòn, cây gạo) lớn, một số loại cây khác nhỏ hơn và 8 cây tre, cao khoảng 5-6m. Họ cũng đem về nhiều dây rừng hoặc mây để chuẩn bị dựng cột và bện dây buộc trâu. Cột này tương tự như cây nêu của người Kinh, người Chu Ru gọi là K’nơng, người Êđê gọi cột gâng, người Jrai gọi Gâng blang...
Địa điểm dựng cột buộc trâu, nếu làm riêng của gia đình thì ngay giữa sân nhà, nếu là lễ của buôn, bon, kon, plei thì cột gâng sẽ dựng trước sân nhà Rông (nhà làng). Đối với các gia đình làm lễ cầu bình an, ăn mừng lúa mới, bỏ mả..., địa điểm trồng gâng sẽ do thầy cúng chọn và quyết định. Trước hôm làm lễ một ngày, phải hoàn thành việc dựng cột cúng. Gâng của người Jrai được trang trí như sau :
Cây Blang cao 5-6m, trên ngọn có một đàn thờ nhỏ. Đây là nơi hồn của tổ tiên, ông bà hay những người đã mất (Yang Atâo) và các vị thần linh tạm trú ngụ trong thời gian được mời về tham dự lễ hội. Chung quanh đàn thờ có cắm nhiều lưỡi dao và một hình trăng lưỡi liềm, tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực của các Yang. 8 cột tre ngắn trồng xung quanh cây cột chính, trên ngọn có 8 sợi dây rừng buông lòng thòng dài xuống tận sát mặt đất. Mỗi sợi dây buộc nhiều những miếng gỗ nhỏ, vẽ màu sắc rực rỡ, như một cách bày tỏ niềm vui mừng chào đón tổ tiên và các thần linh về dự lễ. Chung quanh cột nêu chính còn có thêm 4 cột nhỏ cao chừng 2m để buộc trâu cúng. Thân cột này có vẽ hoa văn, hình chim, hoa lá...Nếu cúng một trâu thì trồng một cột, nếu cúng nhiều trâu, mỗi con phải một cột riêng.
Cột gâng sau khi cúng thường để vậy cho đến khi nào tự hỏng. Những cột gâng bằng cây blang tươi, nếu mọc lại xanh tốt sẽ là điềm lành cho cộng đồng. Người Sê Đăng, M’nông, Jẻ Triêng…thường làm cột gâng bằng nguyên một cây tre dài.
Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên. Ảnh: T.L |
Dứt lời, chiêng trống nổi lên rộn rã, trai đánh chiêng, gái móc ngón tay út vào nhau thành vòng xoang, theo ngược chiều kim đồng hồ quanh cột nêu buộc trâu. Những người đến tham dự đứng thành vòng ngoài quanh đoàn chiêng, đoàn múa.
Thầy cúng ra hiệu, đội múa tản dần, nhập vào với vòng người phía ngoài. Một số chàng thanh niên khỏe mạnh, giỏi giang săn bắn trong buôn đã được lựa chọn trước cầm theo lao, đao, hoặc kiếm, xà gạc... tiến vào. Nhóm này dẫn đầu đội chiêng trống, vừa múa vũ khí, vừa đi vòng tròn quanh cột để lừa dịp đâm trâu. Nếu người được cắt cử đâm trâu chính khéo léo, giỏi giang, đâm một nhát dao hoặc kiếm vào trúng tận tim trâu, con vật quỵ xuống chết liền, đó được coi là một trong những điềm báo may mắn cho cả cộng đồng, buôn làng (hay gia đình) sẽ được mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi. Trường hợp đâm chưa trúng, nhóm người kế tiếp sẽ vung dao, xà gạc chặt vào khuỷu chân trái sau của con vật, tiếp đó là khuỷu sau của chân phải để con vật không chạy được nữa, chỉ lết quanh cột nêu mà thôi. Nhóm đao kiếm vẫn tiếp tục nhảy múa vòng tròn, đâm chém cho đến khi con vật ngừng thở. Ở một số vùng, sau khi chém khuỷu chân sau để con vật quỵ xuống, người ta sẽ mang nó ra phía sau để hoàn tất các thủ tục cuối cùng cho con vật chết hẳn.
Khi con trâu tắt thở, thầy cúng mang một chiếc nồi đồng nhỏ đến hứng lấy huyết trâu, hòa với rượu cần để thành một thứ coi như “nước phép” đặt lên bàn thờ cùng đầu, đuôi, tai, mũi... để thần linh ban phép. Rượu hòa huyết sau đó sẽ được bôi lên lá trầu âm dương để xem bói. Những người trung niên trong buôn có nhiệm vụ xẻ thịt trâu để cả làng (hoặc gia đình) ăn uống.
Sau khi hoàn tất các lễ thức, tất cả hòa vào vòng múa xoang. Chán chê lại cùng nhau ăn uống, có khi kéo dài tới 6-7 ngày mới dứt. Có vùng đâm một trâu, nhưng cũng có vùng ăn một lúc nhiều trâu. Năm 1964, người Jẻ ở xã Đăk Sút đã đâm 12 con trâu trong một lễ cúng. Người Chu Ru ở Lâm Đồng còn có thêm lễ tiễn đưa ông bà ở trên đỉnh gâng nữa, rồi mới kết thúc lễ hội.
Người Stiêng dựng cột đâm trâu bằng cây lồng mứt gỗ mềm, dễ đẽo gọt, thớ gỗ trắng dễ vẽ hoa văn. Trong lúc một người đâm trâu thì nam nữ vẫn múa vòng quanh theo nhịp giã cối. Có hai đôi nam nữ chưa vợ chồng đứng giã giữ nhịp cho múa.
Ý kiến bạn đọc