Chiêu - điệu múa nghi lễ độc đáo của người Xê Đăng
Chiêu là điệu múa nghi lễ độc đáo của tộc người Xê Đăng ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), góp phần tạo nên bản sắc riêng của tộc người này. Sắp tới Bảo tàng tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đối với điệu múa này trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể của tộc người Xê Đăng.
Người Xê Đăng cư trú trên địa bàn trải dài từ những sườn núi cao phía đông nam rồi thoải dần đến những ngọn núi thấp về phía tây bắc của dãy Ngọc Linh trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Địa bàn cư trú của đồng bào Xê Đăng huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) hiện nay là mạn tây bắc của dãy núi Ngọc Linh. Đồng bào Xê Đăng phân bố tập trung tại ba xã vùng cao của huyện là Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang. Cũng như nhiều tộc người anh em sinh sống trong vùng, tộc người Xê Đăng huyện Nam Trà My vẫn còn bảo tồn nhiều phong tục tập quán, lễ hội mang dấu ấn của kinh tế nguyên thủy gắn chặt với cá nhân vào cộng đồng; trong đó múa Chiêu là một trong những biểu hiện quan trọng của sự gắn kết ấy và trở thành biểu tượng của tộc người này.
Đồng bào Xê Đăng trong một lễ hội truyền thống. |
Khi múa Chiêu trong các lễ hội truyền thống, nhìn chung động tác chân của đàn ông, phụ nữ Xê Đăng cơ bản giống nhau, nhưng nhìn vào động tác tay chúng ta có thể phân biệt đó là lễ hội hay lễ tang ma. Khi múa Chiêu trong các lễ hội truyền thống, dù xoay về hướng nào thì hai cánh tay của người múa bao giờ cũng giữ nguyên tư thế đưa vòng ra trước ngực, lòng bàn tay hướng vào trong, các đầu ngón tay chạm nhau với vẻ mặt luôn cung kính, mời thần linh nhận những vật hiến tế như: trâu, dê, heo…đồng thời cầu xin thần linh, tổ tiên, ông bà phù hộ được che chở, giúp đỡ để cộng đồng luôn khỏe mạnh đoàn kết, thóc lúa đầy kho, trâu bò, gà đầy chuồng. Sự thành kính trong động tác múa Chiêu của người múa làm tăng thêm yếu tố tâm linh, huyền bí của lễ hội. Còn múa Chiêu trong đám tang ma khi gia đình có người chết thì hai tay của đàn ông, phụ nữ Xê Đăng bao giờ cũng giang rộng tấm choàng, giống như cánh bướm dập dìu, bay lượn. Nửa thân người phía trên chao nhẹ theo nhịp cồng chiêng, thanh la tạo cảm giác lâng lâng, bay bổng. Theo quan niệm của người Xê Đăng, lúc này người chết chưa về thế giới của ma, họ đang rong ruổi thăm bạn bè đâu đó ở xa. Ý nghĩ ấy được gửi vào điệu múa, biểu hiện sự quyến luyến đối với việc ra đi của một người thân trong gia đình.
Nhìn chung, trong các lễ hội và cả trong lễ tang ma của người Xê Đăng thì cồng chiêng, thanh la, trống và điệu múa Chiêu là những thành tố có mối quan hệ chặt chẽ, hòa quyện không thể tách rời. Ở đó, cồng chiêng, thanh la, trống luôn làm nền, dẫn dắt, thổi sức sống vào từng điệu múa Chiêu. Ngược lại, múa Chiêu cũng nhằm nâng giá trị của cồng chiêng, thanh la. Sự kết hợp đó tạo nên một môi trường diễn xướng hài hòa làm cho mỗi thành tố đều thể hiện được sự độc đáo của mình, nếu thiếu một trong hai thành tố đó thì sự phong phú của lễ hội sẽ giảm đi rất nhiều.
Chiêu là điệu múa nghi lễ độc đáo đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và góp phần làm phong phú thêm vốn văn hóa truyền thống của tộc người Xê Đăng vùng Nam Trà My (Quảng Nam). Điệu múa Chiêu hiện vẫn còn phổ biến tromg các lễ hội truyền thống của người Xê Đăng và là niềm tự hào của tộc người này từ bao đời nay.
Sơn Gia Phúc (Bảo tàng tỉnh Quảng Nam)
Ý kiến bạn đọc