Multimedia Đọc Báo in

Tháng Ba người Tày, Nùng đi tảo mộ

20:11, 08/04/2017

Cứ vào mùng 3 tháng 3 (âm lịch) hằng năm, người Tày, Nùng dù đi đâu xa cũng không quên về sắm sửa mâm cỗ, vàng hương… để đi tảo mộ cho những người thân đã khuất. Bởi thế, không chỉ ở miền núi phía Bắc mà những người Tày, Nùng di cư vào Đắk Lắk vẫn duy trì tục lệ này.

Đối với người Tày, Nùng đây là ngày có ý nghĩa đặc biệt, là dịp để con cháu bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Chị Mông Hải Phương (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo) cho biết, từ đêm mùng 2 (âm lịch), gia đình chị đã chuẩn bị đầy đủ các thủ tục cùng hoa quả, bánh kẹo, thức ăn… để làm mâm cỗ. Mâm cỗ của gia đình chị năm nay gồm: xôi “đăm đeng”, gà luộc, cá rán, lòng heo xào, trứng luộc, thịt heo luộc. Cũng theo chị, tùy gia đình, ai có nhiều thì cúng nhiều hơn, nhưng cơ bản phải có gà và đặc biệt là món xôi “đăm đeng” (còn gọi là xôi đỏ đen), đây là món xôi nhiều màu sắc được nhuộm bằng lá cẩm, lá nghệ, lá gấc…, năm nay vì bận buôn bán nên chị không có thời gian làm thêm bánh gai như mọi năm. Không chỉ riêng gia đình chị Phương mà những gia đình người Tày, Nùng ở Ea H’leo, cứ đến ngày này mỗi nhà đều chuẩn bị một mâm cỗ tươm tất để kính dâng lên ông bà tổ tiên.

Vào sáng mùng 3, mọi người mang mâm cỗ ra nghĩa trang nơi có người thân yên nghỉ, sửa sang lại mộ cho sạch sẽ, tươm tất rồi bày mâm cỗ ra, cắm một cây hoa được cắt khéo léo bằng giấy màu lên ngôi mộ và thắp hương mời vong linh người đã khuất về hưởng. Sau đó, mọi người cùng nhau ngồi trò chuyện, đợi đến khi hương tàn thì dọn mâm cỗ ra ăn uống. Riêng những ngôi mộ mới được chôn cất, người ta đi tảo sớm hơn từ hôm mùng 2 (âm lịch). Bên cạnh ý nghĩa hướng về cội nguồn, việc tảo mộ sớm còn thể hiện tình cảm sâu sắc, sự thương nhớ, nặng lòng hơn đối với người mới khuất.

Chị Lý Thị Mây dù đi lấy chồng xa đã hơn chục năm nhưng năm nào đến ngày này cũng đưa chồng, con về nhà bố mẹ đẻ ở xã Ea Tân (huyện Krông Năng) để tảo mộ. Chị tâm sự: “Người xưa bảo, cả năm chỉ có dịp này là ông bà, cha mẹ và những người đã mất được về gặp mặt con cháu. Thế nên dù ở xa, bận rộn cỡ nào tôi vẫn cố gắng về để được thắp nén hương cho cha mẹ, vừa để tỏ lòng thành kính, vừa cầu mong ông bà phù hộ sức khỏe, cuộc sống sung túc cho cả năm”.

Theo quan niệm của người Tày, mỗi năm chỉ vào ngày tảo mộ, người đã khuất mới nhận được tiền vàng, quần áo… của người sống gửi đi. Việc trò chuyện, ăn uống cùng nhau giúp cho người sống thoả đi nỗi nhớ mong và giúp người đã yên nghỉ vơi bớt nỗi cô quạnh. Đây cũng là dịp để con cháu trong dòng họ đoàn tụ sum vầy, gắn kết tình cảm với nhau.

Nguyễn Huyền


Ý kiến bạn đọc