Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ văn hóa cồng chiêng ở Cư Pui

14:45, 26/07/2017

Xã Cư Pui (huyện Krông Bông) có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống với nhiều bản sắc văn hóa có giá trị, trong đó có cồng chiêng của đồng bào Êđê, M’Nông. Những năm qua địa phương đã nỗ lực bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống đó trên vùng căn cứ cách mạng.

Trong 14 xã, thị trấn của huyện Krông Bông thì Cư Pui là địa phương còn gìn giữ được nhiều chiêng nhất với 29 bộ chiêng còn nguyên vẹn, hơn 100 nghệ nhân đánh chiêng và 11 đội chiêng già, trẻ ở 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Ông Y Viên Niê, Đội trưởng đội chiêng già buôn Đắk Tuôr, đồng thời là nghệ nhân dạy chiêng cho lớp trẻ trong buôn, cho biết, ông tham gia vào đội chiêng từ những năm 1978. Nhằm bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình không bị mai một, ông đã động viên con cháu tham gia các lớp dạy cồng chiêng. Hiện tại ông còn giữ được 2 trong tổng số 17 bộ chiêng của buôn. Chính nhờ nỗ lực truyền dạy cho con cháu mà hiện tại buôn Đắk Tuôr dẫn đầu xã về số lượng nghệ nhân, số chiêng và số đội chiêng. Vừa qua đội chiêng của buôn còn vinh dự được chọn tham gia biểu diễn tại “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2017” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) vào tháng 4-2017.

Một tiết mục múa của Đội chiêng buôn Đắk Tuôr.
Một tiết mục múa của Đội chiêng buôn Đắk Tuôr.

Còn với những thành viên trong các đội chiêng trẻ, khi được truyền dạy đánh chiêng, các em đã ý thức và thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Em H’Quý Byă, ở đội chiêng trẻ buôn Đắk Tuôr chia sẻ: “Em tham gia đội chiêng từ năm 2013. Cố gắng gìn giữ nét văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc là điều mà em đã thấy được từ cha ông mình. Em rất vui và vinh dự khi hằng năm được theo đội chiêng đi tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội”.

Ông Trần Thế Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết, để bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng tại địa phương, hằng năm xã đầu tư kinh phí tổ chức các cuộc thi cồng chiêng, các lớp dạy chiêng; duy trì các nghi lễ có diễn tấu cồng chiêng như lễ cúng bến nước, cúng cơm mới... Đồng thời chính quyền, địa phương còn tích cực tuyên truyền, động viên người dân không bán cồng chiêng, đặc biệt quan tâm đến sự ảnh hưởng của các già làng để từ đó tạo tiếng nói đối với người dân trong buôn làng. Thời gian tới xã sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư kinh phí để mở các lớp dạy chiêng trẻ, đồng thời tạo điều kiện để các đội chiêng được tham gia biểu diễn ở các sự kiện diễn ra trong và ngoài huyện”.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.