Multimedia Đọc Báo in

Vẻ đẹp thơ mộng của hồ T'Nưng

20:35, 13/12/2013

Trong hành trình du lịch từ Pleiku lên Kon Tum, du khách không thể không dừng  lại ở hồ T’Nưng. Đây là một thắng cảnh lộng lẫy và càng quyến rũ hơn khi bạn đến nơi này vào buổi sáng, khi mặt trời còn chưa lên cao, trong cái lạnh của cao nguyên, mặt hồ dờn dợn màu bạc của ánh nắng ban mai phản chiếu...

Hồ T’Nưng (T'Nưng, có nghĩa là "biển trên núi") hay còn được gọi là hồ Ia Nueng nằm ở phía bắc tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7km, thuộc xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Mọi người gọi là Biển Hồ vì diện tích hồ rất rộng, lên tới 230 ha bao quanh những rừng thông  và núi,  vào mùa mưa, mặt nước có thể lan rộng ra trên 400 ha.  Độ sâu của lòng hồ có nơi lên tới 30 mét, đến nỗi từng có lời đồn đại là dưới lòng hồ nước chảy ra tới biển Đông. Diện tích hồ rộng như thế nên để đi hết hồ phải mất nhiều ngày.  Ngày 16-11-1988, Biển Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng  Di tích danh thắng, dù vậy đến nay đây vẫn là một thắng cảnh còn nhiều nét hoang sơ đến lạ...

Hồ T’Nưng - một thắng cảnh đẹp thu hút nhiều du khách.
Hồ T’Nưng - một thắng cảnh đẹp thu hút nhiều du khách.

Quanh hồ T’Nưng còn có cả một truyền thuyết rất hấp dẫn du khách. Chuyện rằng: ngày xưa tại đây có một làng tên T’ Nưng, con gái và con trai trong làng đều xinh đẹp, sống chung  với nhau rất vui vẻ. Thế rồi một ngày nọ trời đất chuyển mình, mây mưa dữ dội. Từ dưới lòng đất ngọn lửa phun lên ào ạt,  trong phút chốc  ngọn lửa ập xuống xóa tan ngôi làng. Sau khi lửa tắt, ngôi làng chỉ còn là một hố sâu thăm thẳm. Những người dân làng T’Nưng còn sống đã  đứng trên hố sâu ấy mà khóc, nước mắt họ đã chảy đầy hố sâu ấy thành hồ T’ Nưng.

Con đường rẽ vào hồ T’Nưng được điểm xuyết bởi hai hàng thông ba lá, tỏa bóng mát cả ngày. Con đường chùng xuống, quanh co thơm mùi nhựa thông, mát mẻ kể cả khi nắng lên. Một căn nhà kiên cố được xây dựng ngay  mũi  đất nhô ra hồ. Chưa vội lên trên căn nhà kiên cố để ngắm nhìn, du khách có thể nhón chân  giữa cỏ cây bên dưới ấy mà chụp ảnh hoặc ngắm nhìn hồ. Rừng nối rừng với một màu xanh miên man, mặt hồ long lanh trong ánh nắng khiến cho lòng du khách dấy lên một cảm giác khó tả. Lên ngôi nhà cao để ngắm nhìn, ta có thể thấy bao quát mặt hồ với nhiều tầm nhìn khác nhau.

Để khám phá hồ T’Nưng kỹ hơn, bạn có thể lên một chiếc thuyền  độc mộc (loại thuyền làm bằng nguyên một thân cây cổ thụ) để đi trên mặt hồ. Chuyến đi sẽ đưa du khách len lách vào trong rừng, khám phá sự kỳ vĩ của núi chen rừng, gặp rất nhiều  loại chim trời tự nhiên sinh sống ở đây: sin sịt, bói cá, cuốc đen, kơ túc, kơ vông, le le, ngỗng trời, đ’rao, trắc la… bay lượn mà chẳng hề sợ sệt con người. Chen ở những ngõ ngách của hồ chính là  những vạt hoa súng, hoa sen tuyệt đẹp.

Chưa hết, chỉ cần một chiếc cần câu mang theo, thả xuống hồ là có thể  dễ dàng câu cá. Ở hồ  có cá chép, cá trôi, cá đa, cá trắm… và không hiếm những con rùa, con ba ba sống ở đây cả trăm năm thỉnh  thoảng trồi lên mặt hồ tò mò ngắm nhìn cuộc sống.

Đi tiếp du khách có thể gặp những buôn làng Ba Na, J’rai… đậm chất Tây Nguyên sống dựa vào nguồn lợi của  hồ T’ Nưng. Người dân ở đây rất hiếu khách. Nếu thích, bạn có thể ở lại đêm, đốt lửa trại và thưởng thức chính những con cá mà bạn đánh bắt được từ hồ T’Nưng nướng trên lửa than cùng với rượu cần.

Còn nếu không rong chơi như thế, bạn cứ bước chân theo những bậc cấp lên tận căn nhà xây kiên cố dành cho khách tham quan để phóng tầm mắt nhìn T’Nưng rộng thênh thang trong nắng ngập tràn, sẽ thấy lòng mình thơi thới, thênh thang… 

Từ Trung tâm thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đi về hướng  Kon Tum khoảng 7 km, gặp ngã ba (Quốc lộ 14) thì rẽ về  bên phải khoảng 1 km là gặp Biển Hồ, du khách rẽ  trái đi sâu xuống thêm 500 mét, vượt qua một rừng thông, con đường dốc khá nguy hiểm. Hiện ở đây chỉ bán vé giữ xe và các dịch vụ giải khát đơn giản, nếu có nhu cầu đăng ký tour tuyến khám phá lòng hồ bằng thuyền cũng có thể đăng ký tại đây.
 
Khuê Việt Trường

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.