Multimedia Đọc Báo in

Một thoáng Tây Giang

14:35, 18/07/2020

Tây Giang là huyện miền núi giáp biên giới với nước bạn Lào, là vùng sâu xa nhất của tỉnh Quảng Nam. Theo Quốc lộ 14G đến thị trấn Prao (huyện Đông Giang), gặp đường Hồ Chí Minh đi hơn 20 km nữa đến xã Bhalêê, từ đây đi thêm về hướng tây 14 km đường dốc vòng vèo xuyên qua những cánh rừng hoang sơ sẽ đến xã Tây Giang. 

Đến vùng biên giới Tây Giang, du khách sẽ gặp những cánh rừng nguyên sinh hoang dã đẹp đến nao lòng. Cánh rừng nguyên sinh từ Lăng đến Tr’hy đang kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái, mở tuyến du lịch văn hoá thôn Pơr’ning, thác Achia, H’xoo... hùng vĩ; xã A Vương nằm dọc đường Hồ Chí Minh có khu du lịch sinh thái A’ur, Apát nhiều thác ghềnh, rừng nguyên sinh hùng vĩ. Hiện nay, các khu du lịch cộng đồng ở Tây Giang như khu du lịch cộng đồng Talang, Pơ’ning; khu du lịch làng truyền thống Cơ Tu, rừng Pơmu, Đỉnh Quế, điểm dừng chân Aliêng… là những điểm thu hút rất đông du khách.

Cảnh quan thôn  Tà Làng, xã A Vương (huyện Tây Giang).
Cảnh quan thôn Tà Làng, xã A Vương (huyện Tây Giang).

Trên cung đường này có những điểm dừng chân lý tưởng như đỉnh Quế là nơi lý tưởng ngắm núi rừng, mây và sương; đỉnh Chơlang cao nhất vùng, có quần thể hoa đỗ quyên rộng 50 ha vừa được khám phá. Những dòng sông mây trắng phau dưới thung lũng vào buổi sớm mai tạo nên cảnh sắc thơ mộng chẳng thua gì vùng Tây Bắc nước ta. Ruộng bậc thang thôn Arầng là thắng cảnh văn hóa cấp tỉnh.

Đỉnh núi L’gôm có độ cao 1.583 m so với mực nước biển, xung quanh chân núi là lòng hồ thủy điện A Vương bao bọc, sáng sớm mây phủ mát rượi. Thời Pháp thuộc, trên núi L’gôm này đã trồng thông Caribê và 3 hố nước được đào trên đỉnh. Đỉnh núi L’gôm không nhọn như các núi khác mà trải dài, nhiều đồi bát úp, có mặt bằng rộng, dễ đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch.

Huyện Tây Giang còn nhiều rừng nguyên sinh quý hiếm như khu rừng di sản pơmu có 2.011 cây, trong đó có 725 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam… Địa phương chủ trương lấy văn hóa làng Cơ Tu làm nét chủ đạo, từ đó phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch canh nông dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào. Phương hướng phát triển du lịch của địa phương đặc biệt chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa làng Cơ Tu, bảo vệ môi trường để phát triển du lịch xanh, bền vững, hài hòa với thiên nhiên.        

Già làng Cơ Tu thổi khèn trong lễ hội.
Già làng Cơ Tu thổi khèn trong lễ hội.


Đến Tây Giang vào mùa lễ hội, du khách sẽ có dịp tham dự Lễ hội mừng lúa mới mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Lễ cúng mừng lúa mới thường diễn ra tại nhà gươl của các thôn rộn rã với tiếng trống chiêng, tưng bừng với điệu nhảy múa tung tung - da dá, hát lý, nói lý... Mừng lúa mới là một trong những lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang, thể hiện được tất cả các nét đặc trưng văn hóa trong ẩm thực, trang phục truyền thống, nghệ thuật trống chiêng, dân vũ, dân ca.

Tiên Sa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.