Multimedia Đọc Báo in

Liên kết 4 nhà trong sản xuất cà phê: Cần một vai trò “nhạc trưởng”

09:41, 08/03/2013

Những năm gần đây, việc liên kết 4 nhà (khoa học, nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước) trong quá trình sản xuất cà phê đã có chiều sâu và bước đầu phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh mặt hàng chiến lược này. Tuy nhiên, để mối liên kết này chặt chẽ hơn, còn không ít những hạn chế cần phải quan tâm khắc phục.

Hiệu quả bước đầu

Chế biến cà phê ướt đang là hướng đi mới cho nhiều hộ dân trong sản xuất bền vững.
Chế biến cà phê ướt đang là hướng đi mới cho nhiều hộ dân trong sản xuất bền vững.

Một trong những điểm sáng của mối liên kết 4 nhà trong sản xuất cà phê thời gian qua là các doanh nghiệp (DN) đã chú trọng đến việc liên kết với dân, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu. Tính đến nay, tại các vùng trọng điểm cà phê của tỉnh như Krông Buk, Buôn Hồ, Krông Năng, Cư M’gar, Cư Kuin, Buôn Ma Thuột… việc liên kết trồng cà phê bền vững của các hộ dân với một số DN chế biến - xuất khẩu cà phê đã và đang thu hút đông đảo người dân trong tỉnh tham gia (với khoảng 39.186 hộ dân tham gia trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ và 4C, trên tổng diện tích khoảng 56.140 ha). Qua đó, người trồng cà phê được các DN hỗ trợ nhiều mặt, nhất là tập huấn tiến bộ kỹ thuật giúp người nông dân từ bỏ dần thói quen canh tác truyền thống thiếu bền vững như trước. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng cà phê Dak Lak từng bước được nâng cao, khẳng định được vị thế trong hoạt động mua bán và xuất khẩu hiện nay. Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng trồng trọt - Sở NN-PTNT cho biết, việc liên kết sản xuất cà phê bền vững của người dân với một số DN trên địa bàn tỉnh đem lại nhiều lợi ích thiết thực, người dân được DN hỗ trợ về kỹ thuật, một phần vật tư nông nghiệp, đồng thời cập nhật đầy đủ thông tin về thị trường mua bán cà phê mỗi thời điểm… nên không lo bị các điểm thu mua cà phê ép giá như những năm trước đây. Chưa kể, nông dân cũng được DN liên kết nhận thu mua, bao tiêu sản phẩm kèm theo mức trợ giá cao hơn cà phê sản xuất bình thường từ 200- 400 đồng/kg. Bà Trần Thị Ngọc, tổ dân phố 1, phường Đoàn Kết, TX. Buôn Hồ chia sẻ: Gia đình bà trồng 1,5 ha cà phê theo mô hình bền vững tiêu chuẩn 4C với Công ty TNHH Armajaro Việt Nam, chi nhánh tại Dak Lak, qua đó bà được chỉ dẫn về kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch đúng cách, khoa học, nên năng suất luôn giữ ổn định ở mức 3,5-4,5 tấn/ha. Bên cạnh đó, đơn vị liên kết còn đặt các đại lý thu mua tận cơ sở, cam kết mua đúng giá thị trường, nhờ vậy lợi nhuận thu được trên diện tích cà phê liên kết của bà Ngọc cao hơn lúc sản xuất thường từ 20- 30 triệu đồng/ha.

Để nông dân và DN gắn bó nhau hơn

Bà Trịnh Thị Ngọc (tổ dân phố 1, phường Đoàn Kết, TX. Buôn Hồ) đang chăm sóc vườn cà phê nhà liên kết theo tiêu chuẩn bền vững.
Bà Trịnh Thị Ngọc (tổ dân phố 1, phường Đoàn Kết, TX. Buôn Hồ) đang chăm sóc vườn cà phê nhà liên kết theo tiêu chuẩn bền vững.

Có thể nói rằng, thành tựu rõ nhất trong thực hiện liên kết 4 nhà là đã hình thành nhiều vùng sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến; nông dân và DN đã làm quen và từng bước hình thành các hợp đồng liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Song, chủ yếu mới hình thành đơn lẻ giữa DN và người dân, chưa xác định được nhà nào là “đầu tàu”, chưa có chế tài xử lý vi phạm cam kết giữa các bên nên cũng thường xuyên xảy ra tình trạng… vỡ cam kết. Giám đốc một công ty cà phê cho biết, mặc dù có cam kết nhưng cứ đến vụ thu hoạch là người nông dân lại bán sản phẩm cho người khác. Việc bán sản phẩm cho người khác có thể là để cấn trừ các khoản nợ mà họ đã vay mượn trong năm; cũng có thể do lái buôn đưa ra giá mua cao hơn công ty. Còn ông Đỗ Đăng Thìn, người trồng cà phê liên kết bền vững tại thôn 3, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, hiện nay một số đại lý nằm trong hệ thống của công ty liên kết, được giao nhiệm vụ hỗ trợ giá cho người dân theo tiêu chuẩn cà phê sạch, bền vững vẫn chưa cập nhật và ghi công khai giá thu mua từng thời điểm để người dân biết, việc thu mua cà phê đủ tiêu chuẩn bền vững thì lại đặt ra thời hạn mua quá ngắn (từ đầu mùa vụ đến tháng 2 năm sau), trong khi tâm lý người dân thường trữ cà phê chờ giá lên mới bán. Đây được coi là khó khăn lớn nhất trong liên kết cà phê bền vững, làm cho người nông dân thiếu lòng tin vào các đại lý thu mua. Từ những lý do trên, rất cần Nhà nước tăng cường vai trò quản lý trong mối liên kết này, nhất là đưa ra chính sách hợp lý, kịp thời để khuyến khích nông dân sản xuất cà phê đúng quy trình kỹ thuật, bán đúng địa chỉ… Bên cạnh đó cũng rất cần tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, cùng với đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến công, xây dựng hệ thống cung cấp thông tin về giá cả thị trường kịp thời và chính xác đến người dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất cà phê bền vững gắn với lợi ích kinh tế-xã hội-môi trường…

 Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.