Multimedia Đọc Báo in

Những mùa lễ hội của cà phê

09:50, 08/03/2013

Buôn Ma Thuột, Dak Lak nổi tiếng với cà phê. Thăng hoa những giá trị của cà phê, mảnh đất cao nguyên này giờ còn được biết đến với một mùa lễ hội đặc biệt trong tháng 3 - lễ hội cà phê. Cùng điểm lại những mùa lễ hội đã diễn ra và chào đón Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – năm 2013 với nhiều điều hấp dẫn, thú vị.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ I: Diễn ra từ ngày 2 đến 5-12-2005 đã quy tụ được 106 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê từ các tỉnh, thành trong và ngoài nước với gần 300 gian hàng. Lễ hội thu hút gần 300.000 lượt khách, bình quân 73.000 lượt khách/ngày. Các hoạt động thương mại của Lễ hội chủ yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu về cà phê, các sản phẩm phụ trợ cho ngành cà phê. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các doanh nghiệp đã sử dụng hết 10 tấn cà phê bột để phục vụ cà phê miễn phí. Trong khuôn khổ của Lễ hội, các hội thảo về cà phê như: Hội thảo mua bán và giao dịch trực tiếp qua sàn giao dịch Luân Đôn (LIFFE); Phát triển Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột và chiến lược quảng bá cà phê Việt Nam; Trình diễn mô hình chế biến cà phê ướt với quy mô hộ gia đình đã mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành Cà phê Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật bế mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III - 2011.
Chương trình nghệ thuật bế mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III - 2011.

Lễ hội thực sự là dịp để các doanh nghiệp cà phê đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ II: Diễn ra từ ngày 10 đến 14-12-2008, thu hút hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia với hơn 400 gian hàng cùng hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước. Trong Lễ hội có nhiều hoạt động tôn vinh người trồng cà phê như Hội thi “Nhà nông sản xuất cà phê giỏi và hội nhập”, tạo điều kiện để người nông dân sản xuất cà phê được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất cà phê bền vững từ khâu chọn giống, đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản  cũng như việc phát triển cà phê gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái. Sàn giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột chính thức khai trương và đi vào hoạt động trong dịp này. Đây là lần đầu tiên người dân và doanh nghiệp tiếp cận phương thức mua bán của thị trường thế giới thông qua một sàn giao dịch nông sản. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ II được coi như kiểm chứng một kênh xúc tiến thương mại mới.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III: Diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15-3-2011 với quy mô lớn, gồm nhiều nội dung, chương trình phong phú, hấp dẫn, tiếp tục cho kế hoạch quảng bá ngành cà phê Việt Nam lên tầm cao mới và đã tạo ra tiền đề cho một lễ hội cà phê mang tầm cỡ quốc tế. Lễ hội có sự tham gia của 32 tổ chức quốc tế là hiệp hội, ngân hàng của những quốc gia cà phê và 12 doanh nghiệp kinh doanh cà phê lớn trên thế giới. Lễ hội được thiết kế với 3 điểm khác biệt: Tầm vóc của lễ hội, tính quần chúng và nhiều chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại lễ hội. Tất cả các nội dung hoạt động của Lễ hội lần này đều được cà phê hóa. Đó là chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội với chủ đề “Tạ ơn cà phê”, Lễ hội đường phố với chủ đề “Hội tụ cảm xúc”, Hội thảo Phát triển cà phê Buôn Ma Thuột bền vững, Chương trình “Cách cà phê nói”, Chương trình “Du lịch cà phê”... Có thể nói, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III đã xây dựng thành công hình ảnh về một vùng đất huyền thoại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, vùng đất khởi nguồn của ý tưởng và là nơi xây dựng thủ phủ cà phê toàn cầu.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – năm 2013: Được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 12-3-2013 tại TP. Buôn Ma Thuột với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột liên kết, phát triển”. Lễ hội nhằm tiếp tục quảng bá sâu rộng về Chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột”, nâng cao giá trị xuất khẩu, khẳng định thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột; gắn kết sự phát triển cà phê bền vững, góp phần phát triển kinh tế chung của các tỉnh Tây Nguyên; xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch; giao lưu, hợp tác giữa người trực tiếp sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cà phê trong và ngoài nước. Nét nổi bật nhất của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – năm 2013 so với những kỳ lễ hội trước, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo Lễ hội, ông Y Dhăm Ênuôl cho biết, đó là kinh phí để tổ chức lễ hội được xã hội hóa rất cao, ngân sách tham gia một phần. Cụ thể, trong số 13 chương trình diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội thì có nhiều nội dung được xã hội hóa 100%. Đó là: Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê 2013, Lễ hội đường phố, Hội thi pha chế cà phê, Chương trình “Đêm hội vào mùa”, Chương trình “hành trình đi tìm đại sứ Việt Nam danh hiệu nữ hoàng cà phê”, Chương trình hành trình du lịch cà phê. Các chương trình được xã hội hóa một phần gồm: Hội thảo “Giá trị gia tăng của cà phê trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê”, khu phố cà phê, uống cà phê miễn phí.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.