Multimedia Đọc Báo in

Rực rỡ sắc màu trang phục của phụ nữ Pà Thẻn

09:10, 29/06/2014

Với số dân trên 5.000 người, dân tộc Pà Thẻn định cư và sinh sống trên những đỉnh núi cao của khu vực các tỉnh Đông Bắc. Trong suốt cuộc mưu sinh trên những núi đá đầy nắng, đầy gió, người Pà Thẻn đã tạo ra cho mình một sắc màu văn hóa đặc trưng, thể hiện rõ nét ở trang phục của phụ nữ dân tộc này.

Khi nhìn qua trang phục của phụ nữ Pà Thẻn, hẳn nhiều người sẽ nhầm với trang phục của phụ nữ Dao hoặc Mông. Song, quan sát kỹ sẽ thấy nét riêng đặc sắc trong mỗi bộ trang phục của người phụ nữ Pà Thẻn. Do định cư trên núi cao, thường xuyên phải chống chọi với thiên tai, nắng gió nên trang phục truyền thống của người phụ nữ Pà Thẻn hết sức kín đáo từ bàn chân, ống chân cho đến đỉnh đầu. Theo truyền thống, một thiếu nữ Pà Thẻn trưởng thành, chuẩn bị đi lấy chồng thì phải tự tay mình thêu, dệt được bộ khăn, váy, áo cùng các vật dụng khác như chăn, gối để mang về nhà chồng. Vì vậy, trang phục của phụ nữ Pà Thẻn còn đánh dấu sự trưởng thành của người con gái mới lớn, là truyền thống trong mỗi gia đình.

Sự độc đáo trong trang phục của phụ nữ Pà Thẻn được thể hiện khá tỉ mỉ từ khăn đội đầu cho đến yếm, áo, váy, quần và xà cạp. Khăn đội đầu có vẻ giống khăn xếp của người Kinh nhưng được cuốn nhiều lớp tạo nên bề rộng của cạp lên tới 30cm, dài tới 50cm. Khi thiết kế khăn, người Pà Thẻn dùng vải gấp lại nhiều lần tạo thành nhiều nếp gấp theo chiều nhỏ dần tới đỉnh đầu tạo thành một vòng tròn. Phía ngoài cùng được bọc một vòng vải đỏ xen lẫn màu đen sặc sỡ có thêu hoa văn, kim tuyến, hai đầu khăn để tua tạo trang trí cho khăn. Trước khi đội khăn, người phụ nữ Pà Thẻn thường vấn tóc cho gọn thành vòng tròn ở đầu tạo nên thế chắc chắn để đỡ lấy khăn. Hai bên phía sau khăn để hai tua rua bằng vô số những sợi chỉ nhiều màu tạo sự cân đối cho khuôn mặt. Công phu và tốn thời gian nhất là may áo. Áo của phụ nữ Pà Thẻn xưa kia được dệt thủ công bằng nhiều loại chỉ nhưng hiện nay, người ta có thể mua vải ngoài chợ về để may áo. Cổ áo được tiếp nối với nẹp ngực, viền mép bằng vải màu xanh. Thân áo trước chia làm 3 phần, ngực áo ghép bằng vải thổ cẩm màu đỏ, phần bụng là một mảng vải trắng công nghiệp, vạt nhỏ dần tạo thành hai dải dây dài. Phía bên trong, phụ nữ Pà Thẻn mặc áo hoa màu hồng nhạt để lộ cổ áo ra phía ngoài rất cân đối.

Phụ nữ Pà Thẻn trong trang phục truyền thống.
Phụ nữ Pà Thẻn trong trang phục truyền thống.

Giống như các dân tộc khác, phụ nữ Pà Thẻn cũng dùng yếm trước ngực để tạo nên sự kín đáo và duyên dáng. Không đặc một màu trắng, yếm của phụ nữ Pà Thẻn có hình vuông, có thêu hoa văn màu đỏ, màu vàng xen lẫn những đường kẻ trắng làm tôn thêm vẻ sặc sở của thân áo ngoài. Để cho thân hình gọn gàng, không vướng víu vào cây rừng mỗi khi lên nương rẫy, phụ nữ Pà Thẻn sử dụng thêm đai bó thân phía thắt lưng. Dây buộc được kết từ nhiều màu chỉ khác nhau nên rất hài hòa với vải áo và làm cho thân hình thon gọn. Góp phần làm nên sự duyên dáng của thiếu nữ Pà Thẻn là váy. Thường váy của phụ nữ Pà Thẻn có màu đỏ giống như màu của thân áo. Các viền váy được khâu bằng vải phin trắng. Thân váy ghép từ 5 mảnh vải theo chiều dọc, bố cục đăng đối trước sau, bắt đầu từ màu đen, thổ cẩm, mô típ kẻ ngang, ô trám, sóng nước, móc xích. Phía dưới buông xuống tận quá đầu gối những vạt vải trắng, đỏ tạo nên nhiều lớp vải của chân váy. Phía dưới ống chân là xà cạp được may bằng hai lớp vải, phía trong là màu trắng, phía ngoài là màu sọc đỏ xen lẫn màu đen. Xà cạp quấn chân là cho thân hình gọn gàng, kín đáo. Phụ nữ Pà Thẻn thường đeo 4 chiếc vòng bạc có bán kính nhỏ dần về phía cổ. Màu trắng của vòng bạc nổi bật trên nền đỏ của hoa văn áo. Phía trước ngực thường gắn một hình vuông những hàng đồng tiền xu tạo nên âm thanh leng keng mỗi khi bước đi.

Trang phục của người phụ nữ Pà Thẻn thường được mặc vào những dịp quan trọng của bản làng như lễ tết, lễ cưới, ngày hội văn hóa dân tộc và những dịp ra phố…

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.