Multimedia Đọc Báo in

Nặng lòng với Kon H'ring

20:47, 25/06/2014

Ở đó, trong ngôi làng bé nhỏ Kon H’ring nằm dưới chân ngọn núi Cư Dlie M’nông quanh năm mây trắng kia, tôi có những người bạn thân quen nên hay về đây thăm chơi mỗi khi dân làng mở hội. Trong những lần như thế, tôi hòa chung cảm xúc vui buồn với họ, để rồi như một mối ân tình sâu nặng, tôi đã cùng với những con người hiền lành chân chất ấy trải mình đi qua từng “khúc quanh” đáng nhớ.

Một đêm khó quên

Đêm ấy, đêm đầu xuân 2001, lửa thắp sáng một góc làng cùng tiếng người, tiếng chiêng vang dậy trong lễ mừng hội mùa truyền thống. Trong không gian huyền hoặc kia, tôi đã thấy những khuôn mặt sạm đen của người già lẫn đôi mắt ngây thơ của lũ trẻ thơ như có lửa, thổi lên trong cộng đồng người Sê đăng ở đây khát vọng và đam mê cuồng nhiệt. Lửa sáng trước ngôi nhà rông và lửa thắp lên trong mắt người như một nguồn năng lượng nội sinh tiềm tàng đủ sức làm thao thức một đời người.        

Anh bạn tôi, Nguyễn Văn Thiên cùng A Mang đều là cán bộ Phòng VH-TT Cư M’gar lúc ấy kéo tôi lại góc sân trước ngôi nhà rông cao lớn nằm giữa buôn Kon Hring thầm thì: “Ông nhìn xem ngọn lửa vươn lên bầu trời đêm đầy sao kia có phải tí tách reo như tiếng người không?”. Tôi nhìn và thầm cảm nhận được không gian sống của họ trong đêm nay sao mà lung linh, ấm áp và huyền bí lạ lùng. Phải rồi, đêm nay ngọn lửa như một sự hiến dâng, sau đó lan tỏa, len lỏi đánh thức những tâm sự của mỗi người. Và từ những tâm sự ấy, tôi đã mang theo về cùng những ám ảnh. Viết như thế nào đây từ ánh lửa? Sẽ không bao giờ có câu trả lời và càng không thể đặt bút thể hiện được, dù chỉ một dòng nếu như tôi không ngủ lại với A Mang đêm hôm ấy. Cảm ơn trời đất đã sắp xếp để cho tôi gặp được A Mang - một chàng trai Sê đăng như được sinh ra để ôm hết vào lòng cả những nhọc nhằn lẫn bi hùng của dân tộc mình qua mỗi chặng đường. Những  tâm sự mà anh bạn mới quen lần đầu này giúp tôi hình dung, đúc rút được một một bài học về... ngọn lửa. Một ngọn lửa không bao giờ tắt, vì nó được thổi lên từ tiếng vọng của suối khe, vách núi và cả ước mơ của bao người...

Vòng xoay của dân làng Kon H’ring trong Lễ hội mừng mùa  khi còn ngôi nhà rông cũ.
Vòng xoang của dân làng Kon H’ring trong Lễ hội mừng mùa khi còn ngôi nhà rông cũ.

Ngoài kia, trước sân ngôi nhà rông, lửa vẫn cháy và tiếng chiêng, tiếng kèn càng vang xa hơn. Nghe âm thanh thân quen ấy, lòng tôi thêm mơn man. Chắc A Mang cũng thế, từ ký ức của bạn đã dẫn dắt tôi ngược dòng thời gian trở về với Kon Hring của đêm hôm trước. Cái đêm ấy bắt đầu từ cuối năm 1972 - khi cả làng Kon Hring nằm yên bình bên cạnh thị tứ Kon Tum bé nhỏ bỗng dưng nháo nhác và tan hoang vì bom đạn của kẻ thù. Hơn 200 hộ gia đình đồng bào dân tộc Sê đăng bị dồn đuổi sang sống tập trung trong các đồn trại Mỹ – ngụy quanh thị xã Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ. Họ rời làng ra đi chỉ kịp mang theo... ngọn lửa! Và ngọn lửa ấy đã giúp họ vượt lên trong hoàn cảnh “cá chậu, chim lồng”. Sau ngày giải phóng-1975, những con người ấy lại cùng ngọn lửa kiến tạo nên một ngôi làng mới dưới chân núi Cư Dlie Mnông - huyện Cư M’gar bây giờ. Cuộc sống tuy còn khó khăn, nhưng đổi lại được tự do, được có quyền nghĩ về tiếng chiêng, tiếng kèn của tổ tiên, ông bà. Một vài người trong làng đã bắt đầu quay trở lại buôn cũ ở tận Kon Tum để mong đào bới và tìm kiếm trong đống đổ nát kia một vài cái chiêng đem về đánh lên cho lũ làng đỡ nhớ. Nhưng có còn gì đâu, tất cả đều biến mất theo khói lửa chiến tranh.

A Mang nói rằng: “Không có tiếng chiêng cuộc sống buồn lắm. Đêm đêm bên bếp lửa, dưới ánh sao trời, cả làng như chìm trong thanh vắng. Thi thoảng trong ngôi nhà của A Nul ở cuối làng mới dìu dặt lên một điệu kèn Klông pút. Trai làng tụ lại nghe A Nul thổi kèn rồi học được một vài bài Rngê, Rngoi đem lên nương, lên rẫy làm bạn”. Tôi nghe những khát khao, bồn chồn thúc giục của cả một cộng đồng người đang quay quắt muốn tìm về với vốn văn hóa của mình vào thời điểm khó khăn ấy mà lòng dạ cứ nao nao như vừa đánh mất một thứ gì quý lắm; huống hồ A Mang là người trong cuộc, không ngẩn ngơ, ray rứt sao được? Cái ăn, cái mặc hàng ngày vẫn còn khó khăn chồng chất, nhưng gắng một chút là vượt qua được. Còn đời sống tinh thần, dù gắng hết sức mà không giữ được cái chiêng, cái cồng của ông bà thì lấy gì mà bù đắp, vượt qua?

Đầu năm 2014, Lễ hội mừng mùa của Kon H’ring được tổ chức trước sân nhà văn hóa cộng đồng buôn chứ không phải ở ngôi nhà rông khiến nhiều người kém vui.
Đầu năm 2014, Lễ hội mừng mùa của Kon H’ring được tổ chức trước sân nhà văn hóa cộng đồng buôn chứ không phải ở ngôi nhà rông khiến nhiều người kém vui.

Anh Lê Đức Thắng và chị H’Năm, lúc ấy còn công tác ở Phòng VH-TT huyện Cư M’gar đã nghe và thấu hiểu bao điều trăn trở ấy. Những chiếc chiêng đầu tiên được ngành văn hóa đưa về Kon Hring đưa người già chỉnh sửa lại đúng với thang âm của bộ tộc Sê đăng, sau đó mở nhiều lớp dạy chiêng cho thanh niên trong làng. Chỉ một thời gian sau, khoảng năm 1999-2000, tiếng chiêng đã trở lại rộn rã giữa buôn làng. Cứ như thế, đến nay làng người Sê đăng duy nhất trên cao nguyên Dak Lak này là một trong những nơi lưu giữ nhiều bộ chiêng nhất. Có chiêng, có kèn Rwai, Klông pút, làng Kon Hring không năm nào là không tổ chức Hội diễn văn hóa ngay tại địa phương mình, ở trước sân nhà rông, mà trong một đêm tôi may mắn có mặt.

Mỏi mòn chờ đợi

Thế rồi, trong ngày mưa gió cuối đông 2008, ngôi nhà rông của làng Kon H’ring đổ sụp, khiến dân làng lo lắng, buồn theo. A Mang gọi tôi về chia sẻ: “Không có cái nhà rông thì không được, vì thế bà con rất mong chính quyền quan tâm. Vậy mà đã lâu vẫn chưa thấy động tĩnh gì, dân làng đang thấp thỏm mỏi mòn…”. Sự mỏi mòn ấy, nói như buôn trưởng ANít là đã khiến những sinh hoạt cộng đồng ở đây trở nên buồn tẻ và nhạt nhòa. Đến bây giờ, đã sáu mùa rẫy trôi qua, làng Kon Hring dần thưa thớt tiếng chiêng, tiếng đàn T’rưng và kèn Rwai, Klông pút trong lễ hội mừng mùa vì không có nhà rông. Khoảng trống ấy, tôi đã nhận ra không những trên từng gương mặt của mỗi người, mà ngay cả trong từng nếp nhà quá lặng thinh và yên ả dưới rặng núi Cư Dlei M’nông này. Tôi cùng AMang và trưởng buôn Y Nít đứng trước khoảng sân rộng mênh mông của làng - nơi đã từng có một mái nhà rông trước đây được dân làng Kon H’Ring dựng lên bằng tất cả tâm huyết của mình mà cảm thấy chạnh lòng, trống vắng… Không biết sao cứ mỗi lần về đây là trong tôi cứ cảm giác ấy cứ trào dâng. Cũng phải thôi, cứ tưởng chiến tranh, tù túng đã vắt kiệt sức dân làng Kon H’ring, nhưng không- họ đứng dậy bằng nội lực tiềm tàng của mình để xây dựng lại cuộc sống mới. Cây cà phê, cao su trên vùng đất này đã nhanh chóng giúp 278 hộ gia đình ở đây có cái ăn, cái mặc và dần dà khá lên từng ngày. Ngôi nhà rông- “trái tim” của làng được dựng lên như một sự khẳng định sức mạnh và tâm thế sống của  cả cộng đồng, dù trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh khó khăn nào. Vậy mà giờ đây nhà rông đã trở thành dĩ vãng…

Chỉ hy vọng rằng, rồi một ngày “trái tim” của ngôi làng sẽ được dựng lên bằng sức vóc của cộng đồng và sự quan tâm, chia sẻ của những ai thấu hiểu được tâm tư của một cộng đồng giàu bản sắc và đầy khát vọng vươn lên như Kon H’ring.             

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc