Multimedia Đọc Báo in

Di tích khảo cổ thành An Thổ - "Địa chỉ đỏ" của Phú Yên

10:04, 14/07/2014

Nằm ở thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, thành An Thổ không chỉ được biết đến là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến ở Phú Yên vào thế kỷ 19 mà còn là một địa chỉ “đỏ” ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của vùng đất Phú Yên...

Thành An Thổ nằm ở khu vực hạ lưu sông Cái, được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1832 đến năm 1836 dưới thời vua Minh Mạng. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Yên từ năm 1836 đến năm 1899 và phủ Tuy An từ năm 1899 đến cuối thập niên 30 của thế kỷ 20.
 
Thành An Thổ có bình đồ hình vuông, với diện tích khoảng 6.400m 2, bốn góc được đắp nhô hẳn ra phía ngoài, xung quanh có hào nước rộng khoảng 15m, tường thành cao khoảng 3,5m. Bốn cửa thành quay ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc với tên gọi: cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Hữu, cửa Tả. Các công trình phía trong thành gồm có: “ở chính giữa thành dựng hành cung, phía trước dựng kỳ đài, phía sau lưng dựng kho tàng; bên tả thành là dinh tổng đốc, tuần vũ, án sát; bên hữu là dinh bố chánh, lãnh binh; trại lính thì chia đặt ở các cửa; nhà ngục thì đặt ở phía bắc”. Bên ngoài thành An Thổ còn một số công trình phụ trợ. Phía nam có con đê Hộ Thành chống ngập lụt, bên trong con đê là Trường Bắn – nơi binh sĩ tập luyện. Sát bờ sông Cái có một khu đất gọi là Gò Tượng, là nơi đóng quân của đội Tượng binh. Chợ thành nằm gần cửa hữu là nơi trao đổi hàng hóa của bộ máy quan lại và nhân dân ở khu vực thành An Thổ. Sau khi xây dựng xong, thành An Thổ trở thành trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến tỉnh Phú Yên. Năm 1888, lỵ sở của Phú Yên dời từ thành An Thổ ra Vũng Lắm nằm trong vịnh Xuân Đài, cách thành An Thổ khoảng 10km về phía bắc song cũng chỉ ở đây trong khoảng 1 năm rồi lại chuyển về An Thổ. Đến năm 1899, lỵ sở Phú Yên lại dời từ An Thổ về đóng tại thôn Long Bình (nay thuộc thị xã Sông Cầu). Từ năm 1899 trở đi, thành An Thổ tiếp tục đảm nhận vai trò là phủ lỵ của phủ Tuy An. Đến khoảng năm 1939, phủ lỵ Tuy An chuyển đến vị trí khác thì vai trò lịch sử của thành An Thổ xem như kết thúc.
Nơi trưng bày lưu niệm về đồng chí Trần Phú.
Nơi trưng bày lưu niệm về đồng chí Trần Phú.

Không chỉ là nơi đặt các công sở của chính quyền phong kiến đương thời, thành An Thổ còn lưu dấu lịch sử quan trọng trong phong trào Cần Vương chống Pháp dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Lê Thành Phương cuối thế kỷ 19. Vào năm 1886, nghĩa quân Cần Vương do Lê Thành Phương chỉ huy đã bao vây đánh chiếm thành An Thổ. Nhưng sau đó bị thực dân Pháp phản công và đàn áp khốc liệt, Lê Thành Phương bị bắt và bị xử chém tại bến đò Cây Dừa (thuộc xã An Dân, huyện Tuy An ngày nay). Đặc biệt, thành An Thổ còn là nơi sinh của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian từ năm 1901-1906, ông Trần Văn Phổ, thân phụ của đồng chí Trần Phú, được cử vào Phú Yên giữ chức Giáo thụ tại phủ Tuy An. Ông Phổ đã đưa cả gia đình vào sinh sống tại thành An Thổ. Và cũng chính nơi đây, vào ngày 1-5-1904 đã chứng kiến sự ra đời của người con ưu tú của Đảng Cộng sản Việt Nam là đồng chí Trần Phú. Thành An Thổ cũng là địa danh gắn liền với tuổi thơ của đồng chí Trần Phú từ năm 1904 – 1907.

Thành An Thổ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích khảo cổ cấp quốc gia vào năm 2005. Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm của lịch sự, thành An Thổ ngày nay chỉ còn vài dấu tích ít ỏi, đó là những đoạn nền móng một số công trình kiến trúc trong thành, những đồ gốm Biên Hòa, Bát Tràng cổ xưa được khai quật... Trong dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển và năm Du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ-Phú Yên 2011, di tích thành An Thổ đã được đầu tư xây dựng gồm nhà trưng bày lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú và một số công trình phụ xung quanh.

Đến với di tích thành An Thổ, du khách không chỉ được sống lại những câu chuyện lịch sử năm xưa mà còn được tận hưởng vẻ đẹp yên bình, mộc mạc của một làng quê vùng duyên hải Nam Trung bộ; thăm thú những cảnh đẹp nổi tiếng của vùng đất Tuy An như: ghềnh Đá Đĩa, đầm Ô Loan, bãi biển Long Thủy...

Hải Như 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.