Nghìn năm tháp cổ...
Nhóm tháp Chiên Đàn. |
Cách tháp Bằng An khoảng 50 km về phía nam là khu tháp Chăm Chiên Đàn nằm cạnh Quốc lộ 1A thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam), cách thành phố Tam Kỳ khoảng 10 km. Khu tháp Chăm Chiên Đàn gồm có 3 tháp xếp thành một hàng theo trục Bắc Nam, cửa ra vào ở hướng Đông, thứ tự lần lượt là tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam. Cả 3 tháp có hình dạng gần giống nhau, mặt bằng tháp hình vuông, mái tháp là những tầng thu nhỏ dần lên trên. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cũng như các nhóm 3 tháp khác ở miền Trung Việt Nam, trong nhóm tháp này thì tháp Nam Chiên Đàn được xây dựng trước, tiếp theo là tháp Giữa, sau cùng là tháp Bắc. Trong đợt trùng tu di tích vào năm 1989, các nhà khảo cổ học đã khai quật quanh các tháp, làm lộ hệ thống chân tường và các trang trí chân tường bằng sa thạch cùng với hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị. Đặc biệt, phần trang trí chân tường ở tháp Giữa còn tương đối nguyên vẹn, đó là những phiến đá lớn ghép quanh chân tháp, được chạm trổ tinh vi hình ảnh những chiến binh cầm vũ khí nhảy múa cùng các vũ nữ, nhạc công, các Apsara, mặt Kala và Makara... Dựa vào những di vật đã phát hiện được, đa số các nhà nghiên cứu đã sắp xếp các tác phẩm ở Chiên Đàn vào phong cách Chánh Lộ, có niên đại thế kỷ thứ 11 - đầu thế kỷ thứ 12.
Nhóm tháp Chăm Khương Mỹ cách đó khoảng 10 km về hướng nam (thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), sát bên đường tránh Quốc lộ 1A đoạn đi qua thành phố Tam Kỳ. Nhóm tháp Khương Mỹ gồm ba tháp, xếp một hàng theo trục Bắc-Nam, cửa ra vào ở hướng Đông. Cũng giống như khu tháp Chiên Đàn, khu tháp Khương Mỹ cũng gồm tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam. Đây là kiểu tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, mái tháp gồm ba tầng, trên cùng là chóp tháp bằng sa thạch. Các nhà nghiên cứu cho rằng tháp Nam được xây dựng trước tiên, sau đó đến tháp Giữa và cuối cùng là tháp Bắc. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy ở Khương Mỹ đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chămpa Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc này phần lớn mang tính chất Vishu giáo, lại vắng bóng Siva và Braha, nên một số nhà nghiên cứu cho rằng nhóm tháp Khương Mỹ là một khu đền thờ thần Vishu. Tuy số lượng những tác phẩm điêu khắc ở Khương Mỹ không nhiều nhưng chúng thể hiện được sự chuyển tiếp mạnh mẽ của phong cách Đồng Dương sang nét nhẹ nhàng, trang nhã của phong cách Trà Kiệu; do đó các nhà nghiên cứu đã xếp nhóm tháp Khương Mỹ vào một phong cách riêng: Phong cách Khương Mỹ, có niên đại vào đầu thế kỷ 10.
Có thể nói, những ngôi tháp cổ nghìn năm như Bằng An, nhóm tháp Chiên Đàn, nhóm tháp Khương Mỹ như những viên ngọc quý của nền văn hóa Chămpa vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay trên vùng đất xứ Quảng.
Mai Hồng Lâm
Ý kiến bạn đọc