Người "giữ hồn" bản sắc buôn làng
Chị H’Juen Knul được nhiều người biết đến không chỉ là “thầy” thổ cẩm ở buôn Kram (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) mà còn là một Chi hội trưởng phụ nữ đầy tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế gia đình cho chị em trong buôn.
Sinh ra và lớn lên tại buôn Kram, chị H’Juen Knul được nuôi dưỡng trong một không gian thấm đẫm văn hóa buôn làng. May mắn hơn, mẹ chồng chị lại là nghệ nhân dệt thổ cẩm đã truyền cho chị niềm say mê từng nét hoa văn, mũi chỉ trên khung dệt. Năm 2005, chị được tham gia lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại huyện Krông Ana và chỉ sau một thời gian đã có thể dệt thành thạo nhiều hoa văn, mẫu mã thổ cẩm khác nhau. Điều khiến chị H’Juen lo lắng là số chị em gắn bó với nghề dệt thổ cẩm ngày càng ít đi, và nguy cơ mai một nghề truyền thống này đang thấy rõ. Ý tưởng thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm đã nảy ra trong đầu chị và phải trải qua rất nhiều khó khăn, cuối cùng chị cũng đã biến nó thành hiện thực. Hợp tác xã dệt thổ cẩm Ea Tiêu ra đời vào đầu năm 2006, gồm 30 xã viên chính thức và hợp đồng thêm 18 người ở các buôn khác trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động, Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn do không có vốn nên phải tạm nghỉ. Thời gian trôi qua, chị H’Juen vẫn kiên trì vận động những chị em có tâm huyết tiếp tục bám nghề, cho đến năm 2010 thì thành lập tổ dệt thổ cẩm với 22 tổ viên do chị làm tổ trưởng. Được sự hỗ trợ của UBND xã, chị đã tổ chức 3 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em trên địa bàn xã; đến nay đã tạo việc làm ổn định cho các tổ viên, với mức thu nhập bình quân từ 1,5-2 triệu/tháng/người. Không chỉ thế, chị còn tạo điều kiện cho các tổ viên tự làm, tự bán theo đơn đặt hàng từ quần áo, túi xách đến drap giường, chăn… Chị tâm sự: nghề dệt truyền thống rất khó vì nhiều hoa văn phức tạp, có khi dệt cả tuần mới xong một sản phẩm. Hiện nay nhiều gia đình ở buôn đã có khung dệt và nhiều người biết dệt thổ cẩm, nhiều phụ nữ đã tự dệt được quần, áo, tấm chăn, khăn địu… để sử dụng trong nhà mà không phải đi mua, thuê như trước kia mỗi khi có lễ hội. Chị dự tính sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất khi có quyết định thành lập tổ hợp tác của cơ quan chức năng để tạo việc làm ổn định cho các tổ viên và duy trì nghề truyền thống. Không chỉ vực dậy được nghề dệt thổ cẩm, chị còn lập các lớp dạy múa dân gian, hát Ay ray… cho thanh, thiếu niên trong buôn để duy trì nét văn hóa dân tộc. Thấy chị làm tốt, UBND xã đã cử lớp hát, múa của chị đại diện địa phương đi tham gia các cuộc thi ở huyện, tỉnh đạt giải cao và được đại diện tỉnh đi tham gia liên hoan dân ca dân vũ khu vực Tây Nguyên nhiều lần.
Sản phẩm thổ cẩm do tổ hợp tác của chị H’Juen Knul sản xuất. |
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Kram, chị cũng đã không ngại khó khăn, vất vả đi vận động chị em trong buôn tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh ăn uống… Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam về việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi và vay vốn ưu đãi để mua bò, chị đã đứng ra thành lập tổ nuôi bò liên kết với 25 tổ viên, đến nay đã có 15 tổ viên được mua bò, xây dựng chuồng; dự kiến sau 3 năm những tổ viên này sẽ trả xong nợ thì 10 tổ viên còn lại sẽ được tiếp tục hỗ trợ chăn nuôi. Chị H’Juen cho biết: muốn chị em yên tâm gắn bó với nghề truyền thống thì trước hết phải tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, nhất là những hộ nghèo. Chính vì vậy, chị đã tham mưu để ưu tiên cho những hộ khó khăn được nhận nuôi bò trước, đồng thời luôn theo sát hoạt động của họ từ cách làm chuồng đến vệ sinh, chăm sóc bò…Đến thời điểm này, đàn bò phát triển rất tốt, chị em trong tổ rất phấn khởi và tin tưởng chị, thậm chí khi bò bị bệnh họ cũng gọi chị, mặc dù đã có số điện thoại của thú y.
Hơn 10 năm làm công tác hội, cũng là hơn 10 năm chị rảo bước khắp buôn làng để góp phần giúp nhiều chị em có việc làm và thu nhập ổn định; đồng thời truyền ngọn lửa đam mê đối với văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn nét văn hóa dân tộc bản địa.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc