Du lịch Dak Lak với "bài toán" thu hút đầu tư
Cần một nguồn tài chính dồi dào và đủ mạnh để đầu tư cho du lịch Dak Lak thoát khỏi tình trạng manh mún, chắp vá như hiện nay là yêu cầu bức thiết đặt ra khi “ngành công nghiệp không khói” này được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch Dak Lak vẫn đang là “bài toán” nan giải.
Doanh nghiệp thiếu mặn mà
Sở VH-TT-DL cho biết, trong thời gian qua đã có một số dự án du lịch được các nhà đầu tư “có máu mặt” đến Dak Lak khảo sát, lập dự án đầu tư như: Khu Du lịch Đèo Hà Lan (được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Du lịch Suối Cát - Bình Thuận xây dựng); Khu Du lịch cụm thác Dray Sáp - Dray Nu (do Công ty TNHH Khánh Gia đảm nhận); Khu Du lịch Hồ Ea Kao, Suối Xanh (của Công ty cà phê Trung Nguyên khởi xướng)… với tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Song, đến nay vẫn không thấy tín hiệu lạc quan chút nào, bởi trong đó có không ít dự án đã qua 7-8 năm nay vẫn không thực hiện theo đúng cam kết, hoặc chỉ nằm trên giấy… buộc UBND tỉnh phải thu hồi lại chủ trương đầu tư. Tìm hiểu thêm vấn đề này, được biết sở dĩ các nhà đầu tư thiếu mặn mà với các dự án trên là do ngoài năng lực tài chính không cho phép, họ còn gặp không ít khó khăn trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng và đặc biệt hơn là do vùng dự án được giao để làm du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hóa - sinh thái đang bị xâm hại nghiêm trọng vì nhiều nguyên nhân: hoặc là quy hoạch chồng chéo, thiếu đồng bộ; hoặc là môi trường, cảnh quan bị suy giảm do tình trạng chặt phá rừng bừa bãi và những hệ lụy để lại từ chính sách, chủ trương xây dựng và phát triển một số công trình thủy điện.
Cưỡi voi du ngoạn là một sản phẩm đặc sắc của ngành du lịch Dak Lak. Ảnh: Hoàng Gia |
Từ năm 2012 trở lại đây, khi Đề án Phát triển Du lịch Dak Lak (giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030) được xây dựng, hoàn thiện và được các cấp có thẩm quyền thông qua thì tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Thực tế cho thấy ngoài hai dự án du lịch đang hoàn thành thủ tục đầu tư vào huyện Lak với tổng nguồn vốn đáng kể, khoảng 110 tỷ đồng của Công ty TNHH Du lịch Đường mòn Châu Á và Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế FED Việt Nam, thì số dự án xin chủ trương đầu tư còn lại không đáng kể về cả nguồn lực tài chính lẫn quy mô tổ chức. Vấn đề đáng lưu ý hơn ở đây là mặc dầu UBND tỉnh đã phê duyệt chi tiết Phân khu Du lịch Hồ Lak (tỷ lệ 1/2000), nhưng khi nhà đầu tư đến đây triển khai dự án mới biết bị vướng vào vùng đã được quy hoạch từ trước. Dẫn chứng là Công ty TNHH Du lịch Đường mòn Châu Á, dù đã ký quỹ đầu tư với cơ quan chức năng và đã được UBND tỉnh cấp phép đồng ý cho thuê 11 ha đất tại xã Yang Tao - huyện Lak để xây dựng điểm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái Hồ Lak, nhưng đến khi tiến hành đo đạc, bàn giao đất mới “tá hỏa” vì diện tích đất của dự án này bị chồng lấn phạm vi, ranh giới đất rừng đặc dụng của Ban quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lak và Khu bảo tồn Vùng nước nội địa cấp quốc gia Hồ Lak được UBND tỉnh giao cho các đơn vị trên quản lý, bảo vệ trước đó… khiến Công ty lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Rõ ràng vấn đề quy hoạch và phát triển trong lĩnh vực du lịch ở đây còn nhiều bất cập. Nếu các cơ quan, ban, ngành liên quan không ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp phù hợp và kịp thời thì sẽ khó kêu gọi các nhà đầu tư tìm đến. Và đương nhiên, một khi các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính “quay lưng” lại với du lịch ở đây thì có nghĩa ngành kinh tế được xác định là “mũi nhọn” này sẽ khó đạt được mục tiêu đặt ra như trong Đề án Phát triển Du lịch Dak Lak giai đoạn 2015-2020.
Nỗ lực cải thiện
Được biết từ tháng 6-2012, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tìm giải pháp phát triển Du lịch Dak Lak với sự tham gia đầy đủ của các sở, ban, ngành liên quan cùng hầu hết các đơn vị lữ hành và kinh doanh du lịch trên địa bàn. Tại hội nghị này, vấn đề xúc tiến quảng bá cũng như thu hút đầu tư được bàn đến một cách nghiêm túc. Những người có trách nhiệm đề nghị thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư cho du lịch từ ngân sách của tỉnh với mức chi 0,5% trên tổng ngân sách thu được hằng năm để nâng cấp và cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, thành phần kinh tế nhằm tạo động lực phát triển cho du lịch trên địa bàn.
Buôn M'Liêng (xã Dak Liêng - huyện Lak) sẽ được Trung ương đầu tư khoảng 11 tỷ đồng để xây dựng điểm nghỉ dưỡng - sinh thái tại Khu du lịch Hồ Lak theo Đề án Phát triển du lịch huyện Lak đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. |
Có thể nói, những kiến nghị, đề xuất trên là sự nỗ lực đáng ghi nhận nhằm cải thiện hình ảnh du lịch Dak Lak trong thời kỳ phát triển và hội nhập sâu rộng như hiện nay. Và đó cũng là cơ sở để giúp các cơ quan chức năng xây dựng, thực hiện Đề án Phát triển Du lịch Dak Lak trong giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đề án, nội dung quan trọng nhất vẫn là tìm kiếm mọi cơ hội, nguồn lực đầu tư cho ngành kinh tế mũi nhọn này. Từ năm 2012 đến nay, Trung ương đã hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng giúp Dak Lak để đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu và cơ bản như: Kè chắn đất kết hợp với đường giao thông dành cho người đi bộ quanh Hồ Lak; đường giao thông nội bộ Khu Du lịch hồ Ea Súp Thượng, danh thắng đồi Cư H’lâm và Khu du lịch hồ Buôn Joong-huyện Cư M’gar. Theo đó, từ nguồn trích ngân sách 0,5% trên GDP của tỉnh hằng năm, Dak Lak cũng đã từng bước khảo sát, hoàn chỉnh việc quy hoạch chi tiết cho những cụm, điểm và tour-tuyến du lịch trọng điểm trên địa bàn để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh vào tham gia.
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch Dak Lak thì lộ trình, phương thức thu hút nguồn lực đầu tư vào đây chưa thật sự hiệu quả do những vướng mắc trong công tác quy hoạch, cũng như sự thiếu thống nhất và đồng bộ giữa các cấp, ngành trong việc triển khai đề án, khiến nhà đầu tư chần chừ và e ngại. Thực tế này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là cần phải có cơ chế, chính sách ưu tiên cho đầu tư, phát triển du lịch; có phương án cụ thể về việc huy động vốn, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh gắn liền với chức năng giám sát, kiểm tra và điều hành đồng bộ giữa các cấp chính quyền trong hoạt động du lịch. Có như vậy ngành Du lịch Dak Lak mới không “lép vế” so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên khi địa bàn chiến lược và giàu tiềm năng này được Bộ VH-TT-DL chọn quy hoạch, xây dựng trở thành một trong 10 điểm đến hấp dẫn của Chương trình Phát triển Du lịch quốc gia vào năm 2020.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc