Du lịch Buôn Ma Thuột: Cần gỡ bỏ những "nút thắt" để phát triển
Cộng đồng trách nhiệm giữa các cấp, ngành và doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn Buôn Ma Thuột nói riêng, Dak Lak nói chung để giúp ngành kinh tế mũi nhọn này phát triển tương xứng với tiềm năng là vấn đề đang quan tâm và đã được đặt ra tại Hội thảo “Giải pháp phát triển Du lịch Buôn Ma Thuột” được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua.
Những ngôi nhà dài truyền thống ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) được bảo tồn gìn giữ là điểm đến tham quan của du khách. |
“Nút thắt” cần cởi bỏ trước hết là mở rộng cánh cửa thông thoáng để đón du khách vào Buôn Ma Thuột. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết lượng du khách đến đây hàng năm theo đường hàng không ngày càng tăng. Năm 2013 là khoảng 540.000 lượt người và năm 2014, dự kiến con số này tăng lên 700.000 lượt với tần suất bay từ 8-9 chuyến/ngày. Theo Cục Hàng không Việt Nam, nếu được tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thì lượng khách đến đây sẽ cao hơn nữa. Tuy nhiên, xét về góc độ “Buôn Ma Thuột là điểm đến” như trong Đề án phát triển Du lịch của chính quyền địa phương đặt ra thì việc thu hút khách thông qua “cửa hàng không” là chưa đáng kể vì nhiều lý do, trong đó đáng nói nhất là chi phí bỏ ra còn khá cao so với các phương tiện khác. Vì thế, du khách khi đến Buôn Ma Thuột phần lớn vẫn chọn phương tiện đường bộ là chủ yếu.
Do việc quy hoạch, tôn tạo buôn cổ Akô Dhông không được quan tâm đúng mức nên có không ít nhà cao tầng được xây lên làm khách sạn, nhà hàng khiến cảnh quan của buôn bị phá vỡ. |
Về phương diện này, nhiều ý kiến cho rằng trên thực tế vẫn còn những bất cập, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp làm du lịch cần phải có tầm nhìn, đánh giá đúng mức để sớm hoàn thiện và có giải pháp khắc phục kịp thời. Ông Nguyễn Quốc Kỳ-Tổng Giám đốc Vietravel, một trong những đơn vị lữ hành có tầm cỡ ở Việt Nam phản ánh: Nhiều chi nhánh của công ty này từ lâu đã có mối liên kết, hợp tác để đưa du khách từ các nơi đến Buôn Ma Thuột bằng đường bộ thông qua các tuyến Quốc lộ 14, 26, 27 và 29. Những ngày bình thường thì không vấn đề gì, nhưng vào các dịp lễ, tết hay một sự kiện nào đó được tổ chức tại đây, thu hút sự quan tâm của nhiều người thì lộ rõ những hạn chế trong công tác lữ hành (đưa đón du khách) do sự phối hợp giữa các đơn vị cùng ngành nghề chưa gắn kết và bảo đảm. Ông Kỳ dẫn chứng: chẳng hạn như các kỳ lễ hội cà phê, hội voi được tổ chức trong những năm qua, du khách từ các nơi đổ về Buôn Ma Thuột rất đông, khoảng 25.000-28.000 người/dịp, thông qua các hãng lữ hành của Vietravel trong cả nước. Những lúc như thế, rất cần sự kết nối và điều phối của các công ty lữ hành đứng chân trên địa bàn nhằm chia sẻ trách nhiệm cũng như lợi ích kinh doanh mang lại. Tiếc là hoạt động lữ hành ở Buôn Ma Thuột chưa đáp ứng điều đó, họ vẫn đứng ngoài cuộc và chỉ quan tâm một điều: số lượng khách được đón từ đầu kia là bao nhiêu và giá cả thế nào?
Bởi vậy mới có chuyện “lạ đời” (ý của ông Kỳ) - rằng du khách có nhu cầu đến với mình và có lời yêu cầu, thậm chí là lời mời được đưa đón, vậy mà không được đáp ứng (!?) Tất nhiên, gặp tình huống như thế buộc đối tác phải tìm những đơn vị lữ hành khác ngoài địa bàn Buôn Ma Thuột-Dak Lak đảm nhiệm thay. Ví như Lễ hội Voi tháng 3 vừa rồi, một chi nhánh của Vietravel ở Nha Trang không thể đáp ứng nổi do lượng khách đến Buôn Ma Thuột quá đông nên cần sự chia sẻ của các hãng lữ hành ở điểm đến, nhưng không được, buộc họ phải thuê đơn vị khác từ Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng hay Gia Lai đưa khách lên. Thực tế này cho thấy, ngoài chuyện các đơn vị lữ hành ở Buôn Ma Thuột nói riêng, Dak Lak nói chung không nâng cao được doanh thu, vì cơ hội được tạo ra mà không chủ động tham gia, qua đó cũng khiến nhiều người nghĩ đến hình ảnh, cung cách làm du lịch ở đây còn quá manh mún và thiếu chuyên nghiệp…, làm du khách nản lòng khi họ xác định đó là “điểm đến” trong mỗi tour du lịch của mình. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao không tạo cơ chế, điều kiện cho các thành phần kinh tế khác tham gia vào công đoạn trên, nhất là các doanh nghiệp giao thông-vận tải trên địa bàn? Họ có đủ điều kiện, năng lực để cùng với những đơn vị lữ hành tham gia vào chuỗi kết nối và phát triển du lịch trên địa bàn một khi “phân khúc” thị trường giàu tiềm năng, thế mạnh này bị bỏ qua. Và đó cũng là vấn đề đáng suy nghĩ đặt ra trên bàn hội thảo nhằm tìm giải pháp để phát triển du lịch Buôn Ma Thuột trong thời gian tới.
Một “nút thắt” nữa là khi đến với Buôn Ma Thuột rồi, du khách được thỏa mãn những gì và bằng cách nào? Ông Trương Hoàng Phương, một doanh nghiệp làm du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Hầu hết sản phẩm tại những điểm, khu du lịch ở Buôn Ma Thuột còn đơn điệu, trùng lặp và không tạo sự khác biệt so với nơi khác. Thế mạnh làm nên sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt ở đây là vốn văn hóa của người Êđê bản địa. Những tour Home Stay giúp du khách tìm hiểu, khám phá cuộc sống của người dân bản xứ hình như thiếu vắng ở Buôn Ma Thuột, trong khi đó loại hình du lịch này đang trở thành xu thế và đang được nhiều địa phương khác xây dựng, khai thác rất hiệu quả, tạo sự vượt trội đáng kể trong bước chuyển dịch cơ cấu của ngành kinh tế được xem là mũi nhọn hiện nay của mỗi tỉnh, thành cũng như quốc gia. Theo ông Phương, chỉ có bước chuyển dịch từ “bề rộng sang chiều sâu” của sản phẩm Home Stay mới tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho ngành du lịch một cách đáng kể. Giá trị ấy có thể định lượng và thấy rõ đó là thời gian bình quân lưu trú của khách tăng lên, kéo theo các dịch vụ hỗ trợ khác phát triển, không những tạo thu nhập cho lực lượng tham gia hoạt động du lịch trực tiếp, mà còn tạo công ăn việc làm cho bộ phận cư dân trong vùng. Nói cách khác, đó là phép tính kinh tế: THỜI GIAN LƯU TRÚ+ DỊCH VỤ= DOANH THU.
Xem ra bài toán “nằm lòng” trên chưa được nhà quản lý, cộng đồng làm du lịch ở Buôn Ma Thuột quan tâm và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu. Vì sao? Vấn đề này được đại diện các Công ty Du lịch Đam San, Vạn Phát, Kô Tam… nhìn nhận rằng: phần vì họ quá đơn độc trong việc tìm kiếm, nhận dạng và xây dựng sản phẩm; phần vì thiếu mối liên kết, hợp tác giữa các đơn vị kinh doanh cùng ngành, thành ra không vượt thoát được tình trạng “mạnh ai nấy làm” như lâu nay!
Đơn cử như Công ty Du lịch Vạn Phát trước đây đã có tour Home Stay tại buôn Akô D’hông (phường Tân Lợi-TP. Buôn Ma Thuột) thu hút rất nhiều du khách đến Dak Lak, song những năm qua đã không duy trì được nữa. Những nơi còn lại như buôn Kô Sia, Păn Lăm, Kô Tam, Alê A, Dhă Prông… thì đang bị “cơn lốc đô thị hóa” tàn phá và đe dọa khiến bản sắc vốn văn hóa của người Êđê ở đây mất mát, mai một cả về vật thể và phi vật thể. Vì vậy, về phía doanh nghiệp dù có tâm huyết đến mấy cũng không thể biến nơi đó thành điểm đến phục vụ du lịch được do “lực bất tòng tâm”. Trong khi đó, về phía Nhà nước-mà trực tiếp là chính quyền thành phố đã “bỏ ngỏ” vấn đề quy hoạch, trùng tu và tôn tạo lại những điểm đến ấy trong thời gian dài vừa qua, dẫn đến không ít nhiều công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng. Cùng góc nhìn này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm đã mang đến cuộc hội thảo trên thông điệp khẩn thiết: Cần có thái độ tôn trọng hơn nữa với vốn văn hóa bản địa, bởi đó là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch. Bà Linh Nga cho rằng: làm du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa-sinh thái như Buôn Ma Thuột mà không đứng về cộng đồng sở hữu tài nguyên đó thì không thể bền vững, thành công. Những ngôi nhà dài hàng trăm tuổi của người Êđê, gắn liền với bến nước, không khí sinh hoạt, lễ hội… không được gìn giữ và bảo tồn đúng nghĩa thì thử hỏi chất lượng du lịch ở vùng đất này còn gì?
Rõ ràng, những ý kiến đóng góp và xây dựng trên cần phải được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để có định hướng sát thực, đúng đắn cho ngành du lịch Buôn Ma Thuột phát triển, là trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước và cả cộng đồng. Trong mối dây cộng đồng trách nhiệm ấy, nếu một phía nào đó đứng ngoài cuộc hẳn sẽ tạo nên “nút thắt” tai hại, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc