Multimedia Đọc Báo in

Hội thi chim cảnh – điểm gặp gỡ của những người chung niềm đam mê

12:15, 25/10/2014
Thời gian gần đây, phong trào chơi chim cảnh, đặc biệt phong trào thi chim cảnh trên địa bàn tỉnh đang diễn ra sôi động. Trong đó phải kể đến các hội thi chim cảnh của hai huyện Krông Pak và Ea Kar đang thu hút đông đảo thanh niên tham gia thú chơi tao nhã này.

 Để đáp ứng nhu cầu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trong việc nuôi dạy và chăm sóc chim, rất nhiều câu lạc bộ trong tỉnh đã được ra đời, làm nơi gặp gỡ cho những người có cùng đam mê. Loại chim hay thi ở đây là giống chim chào mào, vì đây là giống chim bình dị và dân dã. Nếu trước đây, góp mặt tại các cuộc thi chim hay câu lạc bộ là các bậc “cha, chú” với độ tuổi trẻ nhất cũng ngoài 30, thì nay người đến tham dự chủ yếu là thanh niên. Hội thi thường tổ chức mỗi tháng một lần. Còn ở mỗi câu lạc bộ thì hầu như tuần nào cũng có thi luân phiên ở các trường chim như: Xanh Lộc, Thảo Nguyên, trường chim Xuân Anh Km 38, quán cà phê chồn Quốc Khánh Km 49 (huyện Krông Pak), hoặc các trường chim Anh Toàn, Cây Mít, Đức Nhật (huyện Ea Kar). Trung bình mỗi lần tổ chức, hội thi thu hút khoảng 70 lồng chim đua tài.

Hội thi chim chào mào tại Trường chim Quốc Khánh, xã Ea Kly (Krông Pak).
Hội thi chim chào mào tại Trường chim Quốc Khánh, xã Ea Kly (Krông Pak).

Địa điểm tổ chức hội thi thường được giới chơi chim cảnh ưa thích là các quán cà phê (thường gọi là trường chim). Ban tổ chức sẽ treo chim lên sào đấu (thường là 4 sào) và chia bảng đấu. Mỗi trọng tài khi bắt đầu chỉ chấm từ 20-30 lồng chim. Thời gian mỗi vòng 10 phút, loại những chú chim chơi yếu, bỏ nước cho đến khi còn 10 con vào vòng chọn. Từ vòng chọn với thời gian 10 phút thi sẽ chọn ra 3 chú chim vào vòng chung kết tranh giải Nhất, Nhì, Ba. Tại vòng chọn, Ban tổ chức mời 10 người nuôi chim lên để lấy danh sách 10 chú chim xuất sắc nhất và xác định vị trí treo lồng ngẫu nhiên theo số báo danh từ nhỏ đến lớn; 6 chú chim bị loại ở vòng này được nhận giải Khuyến khích. Tại vòng chung kết, với thời gian 5 phút, Ban giám khảo sẽ chấm cho 3 chú chim tranh Nhất, Nhì, Ba và tiến hành tổng kết, công bố phát giải thưởng cho những người nuôi có chú chim đoạt giải. Để chọn được những chú chim xuất sắc nhất, các giám khảo chấm theo tiêu chí chung với 3 ưu tiên về “bộ” (dáng bộ thi đấu, nước đấu của chú chim), “thanh” (giọng hót, mật độ ra hót của chim), “sắc” (dáng điệu, sắc thái, vẻ đẹp).

 Anh Phạm Đình Nam, ở thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) dù bận rộn với công việc dạy học nhưng vì có kinh nghiệm chơi chim cảnh lâu năm, có kiến thức chuyên môn sâu về chim cảnh nên được anh em trong Hội chim chào mào Ea Kar tín nhiệm giao nhiệm vụ làm trọng tài chấm điểm cho các hội thi. Anh chia sẻ: Chim cảnh nuôi thì dễ nhưng để có thể đưa đi thi giữ được phong độ thì khá khó. Mỗi người theo đam mê này thường có thời gian biểu cụ thể: Ngoài việc lựa chọn loại cám đủ chất, mồi tươi, trái cây theo từng thời kỳ, còn phải có chế độ tắm, tập lực, ngủ nghỉ, tập dượt phù hợp để chú chim luôn phong giữ phong độ và bền bỉ. Chim cảnh tuy rất dễ nuôi, nhưng muốn có được một chú chim hót hay và có nết chơi đẹp thì phải biết “xem tướng” để chọn chú chim có “tố chất” tốt. Giới chơi chim cảnh thường nói đến chữ “duyên” khi chọn được chú chim ưng ý của mình. Những chú chim càng nhiều tuổi rừng thì càng bản lĩnh, dày dạn (chuyên môn gọi là “bổi rừng”). Ngoài ra còn phải chú ý chim đến từ vùng miền nào để chọn cách chăm sóc phù hợp…

 Anh Phan Xuân Anh đến từ Câu lạc bộ chào mào Ea Phê (Krông Pak), người từng sở hữu những chú chim chào mào giành giải Nhất hội thi cho biết: Thú chơi chim cảnh phải xuất phát từ lòng đam mê thực sự mới có thể lâu bền. Những người chơi theo kiểu phong trào thì chỉ thích nghe chim hót, còn việc cho chim ăn, tắm, vệ sinh lồng chim... lại coi là những việc nặng nhọc; như thế thì không luyện được chim hay. Đối với người có đam mê thực sự, thuần dưỡng được con chim đứng trong lồng mà vẫn dõng dạc cất lên tiếng hót tự nhiên như giữa chốn rừng hoang mới là “sướng”. Hiện tại anh đang sở hữu nhiều chú chim chào mào đột biến gen, hay còn gọi là chào mào bông rất đẹp và hiếm có trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc có một chú chim đẹp, nhiều “dân chơi” còn chọn nhiều phụ kiện “độc” để làm tôn lên dáng vẻ của chú chim. Hiện nay, trào lưu chơi chim cảnh nở rộ và trở thành thú vui tao nhã. Việc hình thành các câu lạc bộ thi chim cảnh không còn quá xa lạ, các cuộc thi cũng được tổ chức thường xuyên hơn. Nhìn những người nuôi chim cảnh ngồi thành vòng tròn, vây quanh hàng chục lồng chim chào mào, nhâm nhi ly cà phê và say sưa nghe đàn chim thi nhau trổ giọng, nhìn chúng vỗ cánh, xòe đuôi, chao lượn, chạy cầu… mới thấy cảm xúc của thú chơi này quả là không tiền nào mua được.

Đoàn Văn Hân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.