Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng từ một lần đi khám bệnh tại Bệnh viện Keio (Nhật Bản)

10:18, 25/09/2015
Một cơn đau bất ngờ trong chuyến tập huấn về luật sư tại Tokyo (Nhật Bản) cuối năm 2014 đã khiến tôi có “cơ hội” được đi khám bệnh tại Bệnh viện Keio. Tại đây, tôi đã có nhiều ấn tượng khó quên về phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế xứ sở hoa anh đào.

Tháng 11-2014, trời Tokyo lạnh buốt. Có lẽ đó là lý do khiến chân phải của tôi đau khủng khiếp. Thấy tôi đau đớn không bước nổi lên xe  buýt, chị Bích Vân, điều phối viên của Dự án JICA, đồng thời là phiên dịch viên, đã đề nghị đưa tôi đến Bệnh viện Keio để khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm đã được mua khi đến Tokyo. Được biết, Bệnh viện Keio là bệnh viện tư nhân và tất cả các bệnh nhân đến khám bệnh đều sử dụng thẻ Bảo hiểm Y tế.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại một ngôi chùa cổ ở Tokyo (Nhật Bản).
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại một ngôi chùa cổ ở Tokyo (Nhật Bản).

Đến bệnh viện, tôi được đưa vào một phòng đợi rộng rãi với rất nhiều những hàng ghế đầy bệnh nhân đang ngồi đợi và làm thủ tục. Ấn tượng đầu tiên của tôi là hình ảnh khoảng 20 nhân viên nữ của bệnh viện, mặc áo sơ mi trắng, váy màu đen, cổ thắt nơ, liên tục đến tận nơi người bệnh đang ngồi chờ để ghi chép tên tuổi, địa chỉ, bệnh trạng, các yêu cầu thăm khám của bệnh nhân vào một bản mẫu in sẵn, sau đó mang vào phía trong và dặn bệnh nhân chờ gọi tên trên loa phóng thanh. Số lượng bệnh nhân chờ khám rất đông, khoảng 200 người, phần lớn là người già yếu. Các nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân, dù phải liên tục di chuyển từ hàng ghế này qua hàng ghế khác để ghi chép các tờ phiếu cho bệnh nhân song luôn tươi cười, không hề tỏ ra khó chịu hay mệt mỏi. Khi loa phóng thanh đọc tên bệnh nhân, những nhân viên này lại liên tục đi qua, đi lại các hàng ghế để nhắc lại tên vừa được đọc với âm thanh vừa đủ nghe, rồi đến chỗ ngồi của bệnh nhân vừa được đọc tên giúp họ đi vào phòng khám. Nếu bệnh nhân là người già yếu thì một hoặc hai nhân viên sẽ lập tức đẩy xe lăn đến, đưa bệnh nhân lên xe lăn và đưa vào phòng khám; sau khi khám bệnh xong, bệnh nhân lại được các nhân viên y tế đẩy xe lăn đưa ra phòng đợi, chờ người nhà đến đưa về. Nếu bệnh nhân có nhu cầu đi taxi, nhân viên sẽ báo cho bộ phận thường trực gọi xe rồi đưa đưa bệnh nhân ra tận taxi. Họ liên tục làm việc, liên tục di chuyển nhưng luôn vui vẻ với mọi người.

Ngồi cạnh tôi ngồi là một bà cụ khoảng 80 tuổi. Bà gầy yếu và rất thấp, lưng lại bị còng, tôi vừa định giúp bà ngồi lên ghế thì một nhân viên y tế đến ngay, hai tay dìu và nâng bà cụ đặt ngồi vào ghế rồi hỏi và ghi thông tin của bà. Do bà cụ người thấp, còng lưng, tiếng nói lại rất yếu, cô nhân viên cao hơn 1,7m phải quỳ xuống đất, áp tai sát vào bà cụ, ghi chép rất cẩn thận vào bản mẫu in sẵn kẹp trên tấm bìa cứng. Cô nhân viên nói năng dịu dàng như đang động viên bà cụ; dù không biết tiếng Nhật nhưng nhìn thấy bà cụ cười móm mém, tôi biết rằng các đau đớn do bệnh tật của bà cụ đã được thái độ ân cần của nhân viên y tế bệnh viện xoa dịu ít nhiều.

Sau hơn 1 giờ chờ đợi, tôi được thông báo rằng do không đăng ký trước và số lượng bệnh nhân quá đông nên bệnh viện phải khám cho những người đã đăng ký. Do đó, Bệnh viện Keio sẽ chuyển tôi đến một bệnh viện vệ tinh gần đó để khám.

Tôi được nhân viên y tế dìu ra tận cửa xe taxi đã được phòng trực gọi sẵn. Khi đến nơi, tôi đề nghị trả tiền taxi thì người lái taxi nói rằng Bệnh viện Keio có trách nhiệm trả tiền xe thay cho tôi. Tại đây, chỉ sau 10 phút chờ đợi, tôi được mời vào phòng khám. Bác sĩ ân cần thăm khám, hỏi những câu cần thiết thông qua phiên dịch, ghi toa thuốc qua máy tính, sau đó đứng dậy bắt tay tôi với nụ cười rất tươi. Biết tôi là người Việt Nam, vị bác sĩ nói rằng đã đến thăm Hội An vì ngày xưa có ông nội đã từng cư ngụ tại Hội An một thời gian dài. Tôi được hướng dẫn đến quần thuốc ở tầng trệt để nhận thuốc, nộp tiền; sau đó lại được nhân viên quầy thuốc tiễn ra tận cửa với nụ cười rất tươi.

Qua tìm hiểu, tôi được biết rằng, để có được một đội ngũ nhân viên ân cần, nhiệt tình như ở Bệnh viện Keio ở Tokyo, ngoài những yếu tố cơ bản như truyền thống, văn hóa, trình độ... thì công tác huấn luyện phải được đặc biệt chú trọng. Kết thúc khóa huấn luyện, các học viên phải trải qua kỳ kiểm tra nghiêm ngặt và chỉ được tuyển chọn làm nhân viên y tế sau khi đã hoàn thành tốt kỳ kiểm tra này.

Luật sư Tạ Quang Tòng

 (Đoàn Luật sư Đắk Lắk)


Ý kiến bạn đọc