Luật tục thờ cúng thần Đất của người Mơ Leng
Từ thế hệ này qua thế hệ khác, con cháu người Mơ Leng (dân tộc Chứt) luôn tâm niệm giống nòi của mình được thai nghén từ Đất và Trời. Chính Đất và Trời cũng là chủ nhân ban phát vạn vật, cỏ cây, chim trời, cá biển cho họ thụ hưởng.
Người Mơ Leng còn gọi Trời và Đất bằng hai tiếng gần gũi và thân thương hơn, đó là Bố và Mẹ. Tục thờ cúng thần Đất là sự tri ân cao cả đối với Bố, là nghĩa cử suy tôn đẹp đẽ gửi đến Mẹ đã cho tộc người Mơ Leng ngày càng sinh sôi đông đúc. Mỗi lần tách hộ, dựng nhà, xuống đồng, hay chuyển đến nơi ở mới, nghi lễ cúng thần Đất lại được người Mơ Leng tổ chức trang nghiêm.
Dù làm bất cứ công việc gì, người Mơ Leng cũng chọn ngày chẵn tháng chẵn để tiến hành bởi họ cho rằng, ngày tháng lẻ xấu xí, đơn điệu, ngày tháng chẵn luôn hòa hợp được âm - dương, làm cho vạn vật hài hòa. Có việc cúng thần Đất, trước hết chủ hộ phải trình báo với trưởng họ để trưởng họ báo lại với già làng, rồi già làng tiếp tục thưa chuyện với thầy tâm linh, người trực tiếp cử hành các nghi thức trong buổi lễ. Đến giờ hành lễ, già trẻ, gái trai của gia đình đó phải mặc những bộ trang phục truyền thống tinh tươm nhất tề tựu về vùng đất đã định sẵn trước để khai lễ. Sau đó thầy tâm linh rành mạch gọi lớn tiếng tên các vị thần khe suối, núi non, lèn đá trong vùng, xin các ngài hiện diện và chứng giám trong suốt buổi lễ.
Có ba hình thức thờ cúng thần Đất trong đời sống của người Mơ Leng. Trước hết là lễ động thổ, khi một gia đình, một bản làng hay một dòng họ quyết định chuyển đến nơi ở mới. Tại địa điểm mới, chủ nhân vùng đất đó phải chuẩn bị một bát hương, một bát xôi, một bát cơm, một bát gạo sống và một con heo (hoặc con gà mái tơ). Đốt hương xong, thầy tâm linh bốc một nắm gạo sống tung lên trời báo cáo với thần Trời Đất. Sau đó, ông gieo hai đồng xu vào chiếc đĩa sứ cổ, nếu một sấp, một ngửa thì thần Trời Đất đã vui vẻ nhận lời; nếu hai đồng đều ngửa thì được phép gieo lại lần nữa; còn cả hai nằm sấp thì bắt buộc phải tìm đến địa điểm mới, còn “ngoan cố” ở đấy thì thần linh sớm muộn gì cũng trách phạt. Đến với lễ phát mộc, lễ vật giống với lễ chọn đất chỉ khác nhau ít nhiều về nghi lễ, tên gọi các thần linh. Trong buổi lễ, thầy tâm linh gọi tên gần như đầy đủ các loài cây, loài con trong rừng để xin phép thần Giang sơn phù hộ và cho phép được vào rừng chặt những cây gỗ tốt về dựng nhà. Còn với lễ dựng nhà, ngoài lễ vật như trên, có thêm hai chai rượu nếp mới, một cái nỏ (ná), một cái ống rọ (đựng mũi tên) và một ống hương, là những vật dụng không thể thay thế, là cái gốc của người Mơ Leng mà họ phải luôn có bên mình dẫu phải tha phương khắp chốn. Đồng bào Mơ Leng quan niệm khi làm lễ cúng phát mộc trước hết phải cung nghinh thần Đất và Trời về ngự trị bên bếp lửa. Điều đặc biệt, trong năm ngày lễ dựng nhà thì củi lửa trong bếp của gia đình đó luôn phải đỏ đượm, hết ngày thứ năm đồng nghĩa với việc hộ đó được thần linh, tổ tiên độ trì trong suốt quá trình cất nhắc ngôi nhà mới.
Bài cúng sử dụng trong các lễ cúng thần Đất của người Mơ Leng do thầy tâm linh soạn ra và được truyền từ đời này qua đời khác, có ba đại ý, trước hết cầu cho toàn thể gia đình sức khỏe, đất đai nảy sinh hoa trái tươi tốt để mùa màng không thất bát; cầu cho vùng đất mà họ sẽ định cư dài lâu được yên bình, mưa gió thuận hòa; sau cùng, nguyện ước cho căn nhà mới sắp sửa cất nhắc được vững chãi suốt bốn mùa, chống chịu được thiên nhiên khắc nghiệt nơi heo hút biên cương. Sau mỗi buổi cúng thần Đất, lễ vật vừa dâng lên Đất Trời được người Mơ Leng lấy xuống dọn ra cùng với các món phụ khác trong tiệc rượu thiết khách. Đồng bào quan niệm, đồ lễ đã qua cúng tế chính là của ăn, thức uống quý giá đã qua tay thần linh nên phải tận dụng tối đa hầu mong mọi điều tốt đẹp đến cho bản thân, gia đình và đồng loại xung quanh.
Cứ thế, từ đời này qua đời khác, luật tục thờ cúng thần Đất của người Mơ Liêng đã trở thành tín ngưỡng chủ đạo, thể hiện niềm tin của đồng bào Mơ Leng đối với các thế lực siêu nhiên.
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc