Multimedia Đọc Báo in

Hệ thống thư viện Đắk Lắk không ngừng phát triển đáp ứng nhu cầu bạn đọc

06:06, 05/09/2015

Được sự quan tâm ngày càng nhiều hơn của các cấp, ngành cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ nghiệp vụ từ tỉnh đến cơ sở… hệ thống thư viện tỉnh Đắk Lắk đã không ngừng phát triển đáp ứng nhu cầu bạn đọc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tích cực xây dựng nguồn lực tư liệu, thông tin

Để thu hút bạn đọc, thời gian qua, Thư viện Đắk Lắk đã chú trọng công tác xây dựng vốn tài liệu và nguồn lực thông tin khá đầy đủ, phong phú và cập nhật. Kể từ năm 2012, khi “Dự án xây dựng thư viện điện tử” được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai với kinh phí trên 3 tỷ đồng đến nay, thư viện tỉnh không ngừng sưu tầm, bổ sung vốn tài liệu nhằm phục vụ bạn đọc. Bà Phạm Thị Kim - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngoài 150.000 bản sách vốn tài liệu hiện có của Thư viện tỉnh hiện nay (kể cả kho luân chuyển) thì còn có trên 500 đĩa CD ROM, gần 100 loại báo chí phục vụ hàng ngày… Bên cạnh loại hình tài liệu in truyền thống, thư viện còn đầu tư, phát triển vốn tài liệu theo xu hướng thư viện điện tử: xây dựng Website, số hóa cơ sở dữ liệu (CSDL) các loại sách, báo và tạp chí  để thu hút bạn đọc.

Việc nâng cao chất lượng tư liệu, thông tin cho thư viện tỉnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo bà Kim, hiện thư viện đã hoàn thiện cơ bản hệ thống mục lục, gồm kho đọc, kho mượn, kho địa chí… giúp bạn đọc dễ dàng lựa chọn, tra cứu thông tin nhanh chóng. Ngoài ra, thư viện tỉnh cũng đã xây dựng được bộ “ Thư mục địa chí tổng quát” về vùng đất, con người Đắk Lắk (giai đoạn trước và sau năm 1954) với hơn 3000 tài liệu liên quan. Đây được xem là bộ thư mục có giá trị, là công cụ tra cứu hữu hiệu về quê hương, con người ở địa phương. Những CSDL trên giúp bạn đọc có nhu cầu có thể tìm thông tin từ xa mà không cần đến thư viện. Và đây cũng là phương thức tìm kiếm, kết nối và mở rộng đối tượng bạn đọc với thư viện. Theo đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động phục vụ bạn đọc được đặc biệt quan tâm. Hiện nay Thư viện tỉnh đã tạo lập được cơ sở hạ tầng thông tin tương đối hiện đại với mạng LAN gồm 2 máy chủ, 100 máy trạm, trong đó 72 máy dành cho bạn đọc sử dụng thường xuyên và nhiều thiết bị ngoại vi khác. Ngoài ra, Thư viện có 2 đường truyền cáp quang, phủ sóng Wifi phục vụ bạn đọc miễn phí.

Bạn đọc truy cập Internet tại Thư viện tỉnh.
Bạn đọc truy cập Internet tại Thư viện tỉnh.

Những nỗ lực trên đã từng bước thu hút bạn đọc đến với thư viện ngày càng nhiều hơn. Bà Phạm Thị Kim đánh giá, điều quan trọng nhất là ngoài 150.000 bản sách (bao gồm nhiều lĩnh vực) hiện có và được bổ sung thêm hàng năm của thư viện tỉnh đã thu hút trên 100 lượt bạn đọc/ngày đến nghiên cứu, tìm hiểu theo phương thức truyền thống, thì thông qua mạng, trang Website… cũng đã nâng số lượng truy cập của bạn đọc khắp nơi lên hàng nghìn lượt/ngày. Và với phương thức tìm kiếm, thu hút bạn đọc theo kiểu truyền thống kết hợp với hiện đại, vốn thông tin và tri thức của mọi thời đại (trong nước cũng như quốc tế) đã dễ dàng, nhanh chóng đến với bạn đọc, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung ở địa phương.

Không ngừng phát triển mạng lưới thư viện ở cơ sở

Đóng vai trò là thư viện trung tâm của tỉnh, thời gian qua Thư viện tỉnh Đắk Lắk đã không ngừng phát triển mạng lưới thư viện ở cơ sở. Hiện nay, ngoài Thư viện tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn có 13 thư viện huyện, thị xã. Riêng huyện Cư Kuin mới thành lập, hiện đang xúc tiến thành lập thư viện. Ngoài ra, toàn tỉnh đã xây dựng thêm 15 thư viện xã, 28 phòng đọc sách tại các điểm Bưu điện-Văn hóa cơ sở trên tổng số 184 xã, phường, thị trấn.

Được biết, bắt đầu từ năm 2010 đến nay, Thư viện tỉnh đã luân chuyển 32.235 lượt sách báo xuống hệ thống thư viện cơ sở. Tại đây, cán bộ nghiệp vụ thư viện được tập huấn, đào tạo ngày càng bài bản để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Bên cạnh việc duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ đọc tại chỗ và mượn tài liệu về nhà, các thư viện cơ sở cũng tổ chức phòng đọc đa phương tiện, có máy vi tính kết nối Internet; tra cứu trực tuyến, giải đáp thông tin; mở rộng các hình thức phục vụ bạn đọc (đọc tại chỗ, cho mượn về nhà theo yêu cầu…); không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động thông tin - thư mục; tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách để định hướng cho người đọc, đồng thời luôn chú trọng việc mở rộng đối tượng đăng ký thẻ, thủ tục đăng ký cấp, đổi thẻ bạn đọc theo hướng nhanh chóng và đơn giản. Hơn thế, trong năm 2014, thông qua Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates (Hoa Kỳ) tài trợ, 12 thư viện huyện của Đắk Lắk được cấp mỗi đơn vị 10 máy tính, thư viện xã 5 máy tính phục vụ bạn đọc truy cập Internet miễn phí. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm các thư viện huyện phục vụ tổng số gần 122.000 lượt bạn đọc đến đọc sách và truy cập Internet, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn.   

Nhìn chung, mạng lưới thư viện công cộng ở Đắk Lắk ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của bà Phạm Thị Kim - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh thì nguồn ngân sách đầu tư cho ngành thư viện còn quá ít, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt mạng lưới thư viện cấp huyện, xã gặp khó khăn kéo dài về mặt tổ chức bộ máy không thống nhất (có thư viện huyện trực thuộc Phòng Văn hóa thông tin, có nơi trực thuộc Trung tâm văn hóa huyện). Theo chương trình mục tiêu quốc gia, đến năm 2020 thì mỗi người dân phải có 0,7 cuốn sách trong các thư viện công cộng và 20% dân số cả nước được sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng. Trong khi thực tế hiện nay tại Đắk Lắk, mỗi người dân mới có gần 0,16 cuốn sách trong hệ thống thư viện công cộng. Đó là con số còn khá thấp so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Vì thế, hệ thống thư viện Đắk Lắk rất cần sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, ngành nhằm khắc phục những khó khăn trên.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.